Ông Trương Minh Tuấn trích dẫn Nelson Mandela để xin giảm án

Vĩnh Chi - 21/12/2019 15:59 (GMT+7)

(VNF) – Bị cáo Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đã dẫn trường hợp của Nelson Mandela để xin hội đồng xét xử giảm án cho mình.

VNF
Bị cáo Trương Minh Tuấn

Chiều nay (21/12), bị cáo Trương Minh Tuấn đã có lời phát biểu tự bào chữa. Nói trước tòa, bị cáo Tuấn nói mình chỉ còn vài tháng nữa là tròn 40 năm tuổi Đảng.

“Cả cuộc đời tôi đã cống hiến và sẵn sàng tham gia bất kỳ nhiệm vụ nào, dù là gian khổ nhất, kể cả những nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Ngay cả trong thời gian đang hòa bình, tôi luôn luôn nghĩ mình phấn đấu làm tốt trách nhiệm của Đảng viên. Nhưng không ngờ rằng với những vi phạm của mình, tôi đã phải đứng đây để nói những lời tự bào chữa cho mình.

“Đây là những lời cay đắng nhất, đây là biến cố rất cay đắng, bi thảm của cuộc đời tôi. Sự kiện này coi như hiện tượng thiên nga đen, tức là xác xuất nhỏ nhưng hậu quả và tác hại cực lớn, ảnh hưởng lớn đến dư luận và đời sống xã hội cũng như uy tín của cán bộ công nhân viên chức cũng như uy tín của Đảng”, bị cáo Tuấn nói.

Nhất trí với nội dung truy tố là “đúng người, đúng tội”, tuy nhiên bị cáo Tuấn cho rằng qua mấy ngày xét hỏi, ông mới “thấy được những góc khuất của vụ án mà trước đây khi là Bộ trưởng cũng không biết. Không ngờ sai ở tất cả các khâu, sai cả ở thời điểm, sai từ trên xuống, sai trong cả 3 vấn đề giá cả, hiệu quả và trình tự thủ tục”.

Bị cáo Tuấn nhấn mạnh quan điểm của bản thân là bào chữa không đồng nghĩa với đổ tội cho người khác để giảm nhẹ án cho mình.

“Bào chữa cho mình trên cơ sở lương tâm nữa. Phiên tòa hôm nay rồi sẽ kết thúc nhưng có những phiên tòa không bao giờ kết thúc, đó là phiên tòa của lương tâm. Phiên tòa sẽ đeo bám chúng tôi mãi mãi cho đến khi chấm dứt cuộc đời. Đây là điều đau khổ nhất của từng bị cáo và của riêng tôi”, bị cáo Tuấn bày tỏ.

Nói về quá trình công tác tại Bộ Thông tin và Truyền thông, bị cáo Tuấn cho hay sau mấy chục năm công tác, ông mới chuyển sang quản lý nhà nước ở Bộ.

“Khi tôi sang đây, anh Son (Nguyễn Bắc Son – PV) thường nói sang đây công tác khác bên Đảng, nếu như ở cơ quan cũ, một việc làm nhiều ngày, thì ở đây một ngày làm nhiều việc. Nên tôi phải vừa làm vừa học, vì vậy những sai phạm rất đáng tiếc. Sai phạm nằm ngoài mong muốn của tôi, nhất là Quyết định 236.

“Nên tôi mong muốn hội đồng xét xử xem xét các tình tiết, ví dụ như tôi đã yêu cầu Vụ Quản lý doanh nghiệp cung cấp hồ sơ tốt nhất cho cơ quan điều tra.

“Tôi cũng động viên Phạm Nhật Vũ hủy bỏ hợp đồng nhưng làm thế nào thu hồi tài sản cho nhà nước một cách tốt nhất”, bị cáo Tuấn trình bày.

Theo bị cáo Tuấn, để hủy hợp đồng mua bán Mobifone và AVG, “có lúc tôi phải chiều theo anh Phạm Nhật Vũ. Lúc đầu tôi định tổ chức cho đại diện Mobifone và các cổ đông AVG họp dưới Mobifone để hủy hợp đồng nhưng anh Vũ kiên quyết không chịu. Tôi phải mời Mobifone và các cổ đông AVG lên văn phòng Bộ. Lên Bộ rồi không thấy tôi, anh Vũ cũng đòi về, không chịu bàn hủy hợp đồng, tôi phải hủy cuộc họp khác để về đó chứng kiến, chỉ đạo hủy hợp đồng…”, bị cáo Tuấn kể.

Bị cáo Tuấn nhấn mạnh việc hủy hợp đồng và thu hồi toàn bộ tài sản cho nhà nước là việc hi hữu và đây là điều quan trọng trong một vụ án kinh tế. Do đó, bị cáo Tuấn mong hội đồng xét xử xem xét tình tiết này, giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Tuấn cho rằng việc giảm nhẹ hình phạt cũng là cách khuyến khích những bị cáo trong vụ án kinh tế khác khắc phục tối đa hậu quả do họ gây ra.

Ngoài xin giảm án cho mình, bị cáo Tuấn cũng mong hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác, bởi đó là những người giỏi chuyên môn, nhất là chuyên môn viễn thông, công nghệ thông tin.

“Mong hội đồng xét xử nếu có thể tha thứ được thì tha thứ, có thể hưởng án treo thì cho hưởng án treo, có thể hạ thấp được mức án thì hạ thấp. Hội đồng xét xử tha thứ cho những điều tưởng chừng không tha thứ được sẽ thắp lên niềm tin, niềm hi vọng cho các bị cáo”, bị cáo Tuấn nói.

Nói về tội nhận hối lộ, bị cáo Tuấn nói bản thân cảm thấy rất xấu hổ. “Đây là nỗi nhục của chúng tôi. Tôi dù nhận dưới hình thức nào, quà biếu, chúc mừng hay cảm ơn, nhận trong hoàn cảnh nào, mức độ nào cũng là phạm tội”.

Cho rằng mức đề nghị án của Viện kiểm sát đã ở mức thấp, nhưng bị cáo Tuấn vẫn mong hội đồng xét xử tiếp tục xem xét, vì vấn đề lớn nhất là khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản đã đạt được thì “cần có sự tha thứ nhất định, cần được giảm hơn nữa”.

“Mục đích của chúng ta là làm thế nào để phơi bày sự thật, khuyến khích người khác chưa thành khẩn ở các vụ án khác nhanh chóng khai báo, nhất là tội nhận hối lộ ít người khai ra.

“Tôi nhớ sau thời kỳ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, Nelson Mandela lập ra Ủy ban sự thật và hòa giải. Những người công bố sự thật đều được ân xá, vì vậy những góc cạnh của chế độ phân biệt chủng tộc được phơi bày ra hết. Vì vậy tôi mong hội đồng xét xử xem xét (giảm án – PV) để phơi bày sự thật vì tội hối lộ rất khó chứng minh”, bị cáo Tuấn lập luận.

Người từng đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nói việc hội đồng xét xử xem xét giảm án là cho các bị cáo cơ hội về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội.

Cuối cùng, bị cáo Tuấn gửi lời cảm ơn tới T16, “nếu không kịp thời cấp cứu thì chưa chắc tôi không đứng đây bào chữa được”.

Cùng chuyên mục
Tin khác