Petrovietnam hoàn thành mốc đốt lửa lần đầu tổ máy số 2 nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2

Ngân Thu - 29/08/2022 16:17 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 27/8, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng dẫn đầu đoàn công tác chứng kiến lễ đốt dầu lần đầu tổ máy số 2, kiểm tra, đôn đốc tiến độ và chủ trì giao ban công trường dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2.

VNF
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 hoàn thành mốc đốt lửa lần đầu bằng dầu Tổ máy số 2

Tại nhà điều khiển trung tâm NMNĐ Thái Bình 2, đoàn công tác của Petrovietnam đã chứng kiến tổ máy số 2 đốt lửa lần đầu bằng dầu. Sau đó, đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ một số hạng mục trên đường găng dự án như hệ thống vận chuyển than, hệ thống khử lưu huỳnh gồm nhà thạch cao, nhà xử lý nước.

Tổ máy số 2 đã hoàn thành mốc tiến độ đốt dầu lần đầu chỉ trong hơn 1 tháng, bằng 1/3 thời gian so với tổ máy số 1. Tổng thầu PETROCONs đưa ra 3 kịch bản và đảm bảo hoàn thành COD tổ máy số 1 đúng cam kết vào ngày 30/11/2022; hoàn thành COD tổ máy số 2 và bàn giao nhà máy vào ngày 31/12/2022.

Sau khi kiểm tra thực địa trên công trường, cùng tổng thầu, các nhà thầu vận hành trao đổi các điểm nghẽn trong công tác thi công vận hành, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã chủ trì giao ban công trường kết nối cùng đầu cầu Công ty DQS – nhà thầu phụ trách hạng mục dây chuyền vận chuyển than của nhà máy.

Trên công trường dự án, các nhà thầu đã huy động trên 1.000 công nhân thi công trực tiếp làm việc (bao gồm các đơn vị gia công, lắp đặt, sửa chữa, chạy thử...) và sẽ tiếp tục huy động để thi công, chạy thử đồng loạt các hạng mục. Công trường có 35 đơn vị tham gia thi công và chạy thử gồm 27 nhà thầu thi công trong nước; 4 nhà thầu nước ngoài: (Qingdao, SDC, ABB, BWBC); 04 đơn vị bảo dưỡng thiết bị: (PVPS, PVCFC, NPS, PV Power HT).

Lãnh đạo tập đoàn, Ban QLDA chứng kiến Tổ máy số 2 NMNĐ Thái Bình 2 thành công đốt lửa lần đầu

Hiện, Tổng thầu PETROCONs cùng các nhà thầu lắp đặt vận hành đang nỗ lực từng ngày để lấy lại tiến độ vận hành hạng mục hệ thống vận chuyển than. Theo đó, tính đến ngày 20/8, toàn bộ công tác lắp đặt cơ khí đã hoàn thành, hiện hệ thống được nhà thầu FLSmit tiếp quản, cài đặt vận hành tổng thể, tự động theo thiết kế.

Tại cuộc họp giao ban, Tổng giám đốc PETROCONs Phan Tử Giang cho biết, tiến độ tổng thể của dự án đạt 96,15%, chậm 2,44% so với kế hoạch. Thời gian vừa qua, Tổng thầu PETROCONs cùng các nhà thầu FLSmit và Ciement đã cùng thống nhất, điều chỉnh lại chi tiết tiến độ vận hành hệ thống vận tải than từ cầu cảng đến nhà máy, đề sớm hoàn thành hệ thống điều khiển, vận hành hoàn chỉnh từ băng tải đến gầu xúc.

Đến nay, các hạng mục như băng chuyền, gầu xúc đã hoàn chỉnh từng phần. Tổng thầu PETROCONs đảm bảo đến ngày 20/9 sẽ hoàn thiện vận hành toàn bộ hệ thống than.

Theo Petrovietnam, hệ thống vận chuyển than của nhà máy có vai trò cực kỳ quan trọng trong giai đoạn vận hành nâng công suất của nhà máy. Chỉ khi hệ thống hoàn thiện khâu vận chuyển thì nhà máy mới có thể nâng công suất lên 100%, tiến hành chạy thử tin cậy trong vòng 30 ngày.

Được biết để nâng công suất nhà máy lên 100%, mỗi ngày lượng than tiêu thụ sẽ khoảng 3.000 tấn. Bên cạnh hạng mục hệ thống vận chuyển than, các hạng mục chính như hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống phòng cháy chữa cháy… đều đang được kiểm soát tốt tiến độ.

Tại cuộc giao ban, đại diện lãnh đạo các nhà thầu, các ban chuyên môn Petrovietnam đã báo cáo cụ thể các công tác liên quan đến dự án, đề xuất các giải pháp hỗ trợ tổng thầu rút ngắn tiến độ, kiểm soát chất lượng triển khai dự án.

Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng kiểm tra hệ thống điện dự phòng Tổ máy số 2 NMNĐ Thái Bình 2

Ông Lê Mạnh Hùng lưu ý việc triển khai vận hành thử tổ máy số 2 về đích trong dự kiến nhưng vẫn chậm hơn tiến độ phấn đấu đề ra. Mốc đốt dầu lần đầu của tổ máy số 2 có ý nghĩa rất quan trọng đối với dự án khi chứng minh được sự tích hợp vận hành cả 2 tổ máy và bước đầu hoàn thiện cơ khí vận hành của toàn bộ nhà máy.

Ông Lê Mạnh Hùng yêu cầu ban quản lý dự án và Tổng thầu PETROCONs tiếp tục thực hiện các nhóm công việc như: triển khai hệ thống quản trị linh hoạt theo thực tiễn yêu cầu của dự án; tăng cường quản trị rủi ro tiến độ; lên kế hoạch bảo dưỡng và sửa chữa chi tiết trên cơ sở nguồn lực và chi phí dự án sao cho đồng bộ, tránh lãng phí; rà soát lại đội ngũ nhân sự, quản lý chất lượng tăng cường thêm từ các đơn vị trong tập đoàn; chú trọng hơn nữa vấn đề an ninh và an toàn tại dự án; cuối cùng phải lên sơ đồ, kế hoạch chạy thử cụ thể, gắn với phối hợp về nhân sự, tài chính, kỹ thuật của các bên vận hành trong dự án.

Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban chuyên môn Tập đoàn về các công tác hỗ trợ về pháp lý, hợp đồng mua bán điện, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dòng tiền đầu tư, huy động nhân sự…

Cùng chuyên mục
Tin khác