Pháp rung chuyển: Chính trị hỗn loạn, kinh tế lâm nguy
(VNF) - Pháp có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế sau khi các nhà lập pháp bỏ phiếu lật đổ chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier chỉ sau ba tháng cầm quyền. Lợi suất trái phiếu tăng và một loạt các vụ phá sản đang khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Khi Thủ tướng Michel Barnier công bố kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách vào tháng 10, hứa sẽ giảm thâm hụt công từ khoảng 6% GDP xuống còn 3% vào năm 2029, đây được coi là nỗ lực đưa nền kinh tế Pháp vào trạng thái bình ổn hơn.
Nhưng vào ngày 4/12, quốc hội Pháp đã bác bỏ đề xuất của ông bằng cách bỏ phiếu lật đổ chính phủ của ông Barnier, làm đảo lộn hy vọng tránh được cơn bão kinh tế.
Lần đầu tiên sau hơn 60 năm, Quốc hội Pháp đã thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, do phe cánh tả cứng rắn đề xuất và được hậu thuẫn bởi phe cực hữu do bà Marine Le Pen đứng đầu.
Quyết định bỏ phiếu này xuất phát từ thái độ bất bình gay gắt của các nhà lập pháp đối với dự thảo ngân sách của Thủ tướng Barnier và việc ông viện dẫn một điều khoản trong Hiến pháp để thông qua dự thảo ngân sách này mà không cần sự đồng ý của Quốc hội.
Phát biểu trên kênh truyền hình TF1 sau cuộc bỏ phiếu, bà Marine Le Pen – lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia (RN), cho biết: "Chúng tôi phải đưa ra lựa chọn, và lựa chọn của chúng tôi là bảo vệ người Pháp khỏi một ngân sách độc hại". Bà Le Pen cũng cáo buộc Tổng thống Emmanuel Macron "phải chịu trách nhiệm chính cho tình hình hiện tại", đồng thời nói thêm rằng "áp lực lên tổng thống sẽ ngày càng lớn hơn".
Điểm yếu cơ bản của nền kinh tế Pháp
Cuộc khủng hoảng mới nhất xảy ra vào thời điểm một số chỉ số kinh tế của Pháp tương đối ổn định. GDP của Pháp dự kiến sẽ tăng 1,1% trong năm nay trong khi GDP của Đức dự kiến sẽ giảm 0,2%. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 7,4%, được đánh giá là tương đối thấp đối với Pháp. Lạm phát đã giảm xuống còn khoảng 2% từ mức 5% của một vài năm trước.
Tuy nhiên, đối với ông Denis Ferrand, người đứng đầu viện nghiên cứu kinh tế Rexecode có trụ sở tại Paris, những con số tương đối tốt này không thể che giấu được sự thật rằng nền kinh tế Pháp đã suy yếu trong vài năm qua.
"Các công ty Pháp và châu Âu trở nên kém cạnh tranh hơn với các công ty Trung Quốc vì chi phí sản xuất của chúng tôi đã tăng 25% kể từ năm 2019. Trong cùng kỳ, chi phí này chỉ tăng 3% tại Trung Quốc", ông nói với DW.
Ông Ferrand cho rằng nguyên nhân là do lạm phát cao trong nhiều năm, lãi suất tăng và giá năng lượng tăng vọt, đặc biệt là sau khi Nga đưa quân tới Ukraine vào tháng 2/2022, điều mà ông cho là đã dẫn đến "rất nhiều sự thận trọng".
Ông Ferrand cho biết: "Chúng tôi tiến hành khảo sát hàng quý đối với các ông chủ của 1.000 công ty vừa và nhỏ tại Pháp về hành vi đầu tư của họ và vào tháng 10, chỉ có 36% trong số họ có kế hoạch duy trì khoản đầu tư của mình, 45% cho biết họ sẽ hoãn lại và 18% muốn hủy bỏ".
"Xu hướng đó bắt đầu xuất hiện vào đầu năm, nhưng thực sự trở nên phổ biến sau cuộc bầu cử quốc hội bất thường vào tháng 7", ông nói thêm.
Một cuộc khảo sát vào giữa tháng 11 của công ty tư vấn Ernest & Young (EY) của Anh với 200 ông chủ công ty quốc tế cũng đưa ra kết quả tương tự: gần một nửa số người được hỏi đã thu hẹp quy mô hoặc hoãn các dự án đầu tư của họ. Pháp đã đứng đầu trong cuộc khảo sát về sức hấp dẫn đầu tư của EY tại châu Âu kể từ năm 2019.
Ông Philippe Druon, luật sư chuyên về phá sản và tái cấu trúc tại công ty luật Hogan Lovells có trụ sở tại Paris, xác nhận rằng các nhà đầu tư đang rất thận trọng.
"Rất khó để tìm được người mua cho các công ty đã phá sản. Hiện tôi đang quản lý 60 trường hợp như vậy, đây là con số khá lớn", ông nói với DW, đồng thời cho biết thêm rằng số vụ phá sản cũng cao như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Dự kiến sẽ có khoảng 65.000 công ty nộp đơn xin phá sản trong năm nay so với 56.000 công ty vào năm ngoái.
Ông cho biết: "Nhiều công ty hiện phải trả các khoản vay mà chính phủ đã cấp trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, nhưng cũng có những lý do mang tính cấu trúc như quá trình chuyển đổi sang ô tô điện và nhu cầu về không gian văn phòng giảm vì nhiều nhân viên hiện nay chọn làm việc tại nhà".
"Hơn nữa, lãi suất trên thị trường vốn tương đối cao khiến việc đầu tư vào các công ty trở nên kém hấp dẫn hơn", ông nói thêm.
Nước Pháp có đang hướng tới cơn bão kinh tế?
Bà Anne-Sophie Alsif, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn BDO có trụ sở tại Paris, cho rằng những yếu tố này tự chúng sẽ không khiến nền kinh tế Pháp bị suy yếu nghiêm trọng. Tuy nhiên, yếu tố chính trị thì có.
"Các số liệu kinh tế vĩ mô của chúng tôi sắp được cải thiện, nhưng nếu chính phủ sụp đổ ngay bây giờ và không có ngân sách năm 2025 phù hợp nào được quốc hội thông qua, chúng tôi sẽ rơi vào khủng hoảng kinh tế. Sẽ là thảm họa", bà nói với DW trước cuộc bỏ phiếu.
Bà Alsif nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn gửi tín hiệu tới các nhà đầu tư rằng đất nước chúng tôi không có khả năng thực hiện kế hoạch giảm thâm hụt".
Bà cho biết nếu chính phủ bị bãi nhiệm, ngân sách năm 2024 có khả năng sẽ được sao chép vào năm 2025. "Nhưng đó là ngân sách khiến thâm hụt của chúng ta tăng lên hơn 6%", bà Alsif chia sẻ.
Pháp chứng kiến chi phí vay trên thị trường trái phiếu tăng cao, gợi lại những ký ức tồi tệ về cuộc khủng hoảng nợ và vỡ nợ của Hy Lạp trong giai đoạn 2010 - 2012.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, Pháp sẽ không vướng vào một cuộc khủng hoảng tương tự vì phần lớn các khoản nợ chưa thanh toán của nước này không đến hạn trong nhiều năm và vì trái phiếu của nước này vẫn được săn đón do thiếu hụt trái phiếu chính phủ Đức.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể can thiệp để hạ chi phí vay của Pháp trong trường hợp thị trường biến động cực độ, mặc dù rào cản cho điều đó vẫn còn cao.
Chính phủ Pháp sụp đổ sau khi thủ tướng bị buộc phải từ chức
Những hình ảnh đầu tiên công viên giải trí khổng lồ trên Đảo tỷ phú ở Hải Phòng
(VNF) - Vinhomes Royal Island cũng là đại đô thị đầu tiên sở hữu riêng một công viên vui chơi giải trí VinWonders với Safari ngay trong nội khu.