Chính phủ Pháp sụp đổ sau khi thủ tướng bị buộc phải từ chức
(VNF) - Chính phủ Pháp sụp đổ vào ngày 4/12 sau khi Thủ tướng Michel Barnier bị buộc phải từ chức trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, làm bùng phát lại cuộc khủng hoảng chính trị mùa hè tại đất nước này khi chuẩn bị bước sang năm mới.
Chính phủ Pháp bị lật đổ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Thủ tướng Michel Barnier hiện được cho là sẽ từ chức sau khi 331 trong số 577 nhà lập pháp tại Quốc hội Pháp bỏ phiếu chống lại ông.
Ông Barnier được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm vào tháng 9 sau cuộc bầu cử quốc hội không có hồi kết vào tháng 7. Với kết quả này, ông Barnier trở thành Thủ tướng Pháp đầu tiên bị lật đổ bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962. Ông cũng sẽ là Thủ tướng Pháp có nhiệm kỳ ngắn nhất kể từ năm 1958 khi chỉ tại nhiệm vài tháng.
Điều này cũng có nghĩa là nền kinh tế lớn thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đối mặt với một chính phủ lâm thời có thể không giải quyết được cuộc khủng hoảng ngân sách đang leo thang, gây ra một mối lo ngại cho thị trường tài chính.
Các nhà lập pháp trung thành với ông Barnier và ông Macron đã bị áp đảo về số lượng tại Quốc hội bởi một liên minh cánh tả và một liên minh cánh hữu do bà Marine Le Pen lãnh đạo.
"Lựa chọn của chúng tôi là bảo vệ người Pháp", bà Le Pen nói về quyết định kêu gọi bỏ phiếu.
Cả phe cánh tả và cánh hữu đều tức giận trước đề xuất tăng thuế và cắt giảm chi tiêu của ông Barnier để giảm thâm hụt của Pháp. Ông đã sử dụng các quyền hạn đặc biệt để thúc đẩy thông qua một dự luật ngân sách liên quan đến phúc lợi không được các nhà lập pháp bỏ phiếu.
Theo Hiến pháp Pháp, ông Barnier cùng với toàn bộ chính phủ giờ đây cần phải nộp đơn từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron, và việc từ chức sẽ tự động được chấp nhận.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Vài tuần và vài tháng tới có thể sẽ là thời kỳ hỗn loạn về chính trị và kinh tế đối với nước Pháp.
Sẽ không có cuộc bầu cử quốc hội bất thường mới, ít nhất là không phải ngay lập tức. Hiến pháp Pháp cấm ông Macron triệu tập một cuộc bỏ phiếu khác trước mùa hè tới.
Tuy nhiên, Tổng thống Macron có thể theo đuổi một vòng đàm phán mới với các nhà lập pháp từ các liên minh chính trị khác nhau của Pháp để cố gắng bổ nhiệm một thủ tướng mới.
Cổ phiếu và trái phiếu Pháp được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến sự lây lan ở các khu vực khác của EU nơi đồng tiền euro được sử dụng do quy mô nợ công quốc gia của Pháp, khoảng 3 nghìn tỷ USD, theo Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp.
Tuy nhiên, chính phủ sẽ không hoàn toàn đóng cửa. Ông Barnier dự kiến sẽ tiếp tục giữ vai trò tạm quyền cho đến khi một thủ tướng mới được bổ nhiệm.
Áp lực đang đè nặng lên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Quyết định bổ nhiệm ông Barnier làm thủ tướng Pháp của đã làm dư luận cánh tả dậy sóng khi ông Macron chọn bổ nhiệm một người thuộc phe cánh hữu trung dung thay vì một chính trị gia từ liên minh cánh tả, vốn giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử.
Ở Pháp, thủ tướng chịu trách nhiệm điều hành chính phủ hàng ngày, đưa ra luật và đảm bảo chúng được thực hiện. Tổng thống phụ trách quốc phòng và đối ngoại. Cả hai vị trí này có một số vai trò chồng chéo.
Theo Hiến pháp Pháp, ông Macron sẽ vẫn giữ chức tổng thống cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2027. Dẫu vậy, vị thế của ông Macron được cho là sẽ tiếp tục giảm sút.
Một số chính trị gia ở cả hai cánh của Pháp đã kêu gọi ông Macron từ chức song nhà lãnh đạo 46 tuổi đã khẳng định rằng ông sẽ không làm như vậy.
Một kỳ Thế vận hội Olympic Paris thành công và việc Nhà thờ Đức Bà sắp mở cửa đón công chúng sau khi nó gần như bị thiêu rụi trong một vụ hỏa hoạn 5 năm trước là một tin tốt lành đối với ông Macron.
Nhưng ông đang bị kẹt ở giữa khi cố gắng đẩy lùi sự hấp dẫn của những tiếng nói cực hữu hứa hẹn sẽ giảm nhập cư và sự bất mãn của cánh tả đối với các cải cách của ông đối với nhà nước phúc lợi của Pháp, cùng với nhiều vấn đề khác. Các nhà phân tích cho rằng ở một mức độ nào đó, đó là một cuộc khủng hoảng do chính ông Macron tạo ra.
Ông Jean-Yves Camus, nhà khoa học chính trị tại Viện các vấn đề quốc tế và chiến lược Pháp có trụ sở tại Paris, cho biết sự ra đi của ông Barnier là "bằng chứng cho thấy canh bạc của ông Macron khi kêu gọi bầu cử sớm vào mùa xuân năm ngoái đã hoàn toàn thất bại".
Bất ngờ bị Pháp bắt giữ, CEO Telegram chỉ trích ‘sai lầm’
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.