Tiêu điểm

Phát hiện hàng loạt sai phạm tại Dự án đường 5 kéo dài

(VNF) - Kết quả thanh tra Dự án đường 5 kéo dài đoạn cầu Chui – Đông Trù – Phương Trạch – Bắc Thăng Long, thành phố Hà Nội do Tổng thanh tra Chính phủ công bố cho thấy dự án này mắc hàng loạt sai phạm với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Phát hiện hàng loạt sai phạm tại Dự án đường 5 kéo dài

Dự án đường 5 kéo dài chậm tiến độ 6 năm, sai phạm hàng trăm tỷ đồng

Chậm tiến độ 6 năm, đội vốn hơn 3000 tỷ

Dự án đường 5 kéo dài đoạn qua cầu Chui – Đông Trù – Phương Trạch – Bắc Thăng Long là dự án nhóm A, có vị trị đặc biệt quan trọng về giải quyết mạng lưới giao thông Hà Nội, kết nối khu vực kinh tế, khu công nghiệp, đô thị và giao thông liên tỉnh khu vực phía bắc.

Dự án nằm trong Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, thuộc danh mục các dự án, công trình chào mừng kỉ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội (2010).

Với tổng chiều dài 13,136 km, dự án có 3 cầu trên tuyến gồm cầu Đông Trù, cầu Đông Hội, cầu Phương Trạch; đầu tuyến Km 3+720, cuối tuyến nút giao cầu Chui km 17+036; mặt cắt ngang đại diện là 72,5m, 68m, 92m theo thiết kế trên tuyến (vỉa hè mỗi bên 8m, làn xe tổng hợp mỗi bên 5m, hai làn xe cơ giới mỗi bên B 7,5m, làn xe buýt chạy riêng mỗi bên 4,25m).

Tổng mức đầu tư của dự án là 3.532 tỷ đồng, nguồn vốn lấy từ nguồn thu các dự án đấu giá quyền sử dụng đất. Trước mắt khi chưa có nguồn thu của các dự án đấu giá, Dự án đường 5 kéo dài sử dụng nguồn vốn ngân sách. Thời gian thi công được ấn định trong 3 năm, từ 2005 – 2008.

Theo kế hoạch đấu thầu được duyệt, dự án gồm 13 gói thầu xây lắp, thực hiện từ năm 2005 – 2008. Thực tế năm 2005 mới triển khai được 2 gói thầu, năm 2006 được 4 gói thầu, năm 2008 được 3 gói thầu, năm 2009 được 2 gói thầu, còn lại phải đến năm 2013, 2014 mới triển khai với nhiều gói thầu được bổ sung, điều chỉnh.

Đến thời điểm năm 2013, sau khi đã chậm tiến độ kéo dài, các gói thầu triển khai thực hiện việc điều chỉnh giá do trượt giá vật liệu, nhân công… đã làm tăng dự toán dẫn đến phải điều chỉnh mức tổng đầu tư, lên mức 6.661 tỷ đồng (tăng hơn 3.130 tỷ đồng so với phê duyệt năm 2005).

Tính đến thời điểm thanh tra, tất cả các gói thầu đều chưa hoàn thành, dự án đã chậm tiến độ 6 năm, không đáp ứng được mục tiêu đầu tư là hoàn thành kết nối giao thông khu vực trước Lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Khâu nào cũng có sai phạm

Kết quả thanh tra cho thấy, hầu hết các khâu trong công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án đường 5 kéo dài đều bộc lộ sai phạm với những mức độ khác nhau.

Cụ thể, trong việc quản lý điều hành dự án, nhiều hạng mục công trình điều chỉnh dự toán không tuân thủ quy định để giá trị dự toán lập quá cao. Mặc dù dự án thuộc nhóm A, nhưng chủ đầu tư không lập Tổng dự toán, nhà thầu không thực hiện nghiêm ngặt tiến độ thi công như hợp đồng kí kết. Cá biệt có nhà thầu ngừng thi công đến 2, 3 năm với lý do không chính đáng.

Về công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, chất lượng lập dự án có nhiều hạn chế, thiếu trách nhiệm, mang tính hình thức, việc khảo sát mặt bằng thiếu cụ thể, thiết kế cơ sở thiếu khoa học. Chất lượng thẩm định, phê duyệt dự án của Sở KH&ĐT Hà Nội mắc nhiều hạn chế, không chỉ ra được những thiếu sót của tư vấn thiết kế.

Mặt khác, nhiều công trình, hạng mục liên quan đến dự án đã không được đề cập trong báo cáo nghiên cứu khả thi, dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Chính những điều này đã khiến dự án đội vốn lên hơn 3000 tỷ đồng.

Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kĩ thuật, dự toán và Tổng dự toán công trình, Ban Quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn (chủ đầu tư) đã không chấp hành việc phê duyệt tổng dự toán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy khi thực hiện đã không kiểm soát được chi phí đầu tư.

Đơn cử như trong phê duyệt ban đầu, tổng mức đầu tư cho xây lắp là 2182 tỷ đồng nhưng đến năm 2012 con số này đã tăng lên 3.933 tỷ đồng (đội vốn 1.751 tỷ).

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng hầu hết các gói thầu đều phải điều chỉnh vượt giá trị trong kế hoạch đấu thầu được duyệt, nhưng chủ đầu tư không báo cáo UBND thành phố Hà Nội trước khi phê duyệt.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán điều chỉnh các gói thầu cũng được chủ đầu tư thực hiện bằng các quyết định phê duyệt tạm, không chính xác về số liệu, thiếu chặt chẽ về pháp lý, phương pháp tính toán không thực hiện đúng quy định, dẫn đến sai lệch dự toán lớn.

Đặc biệt, cho đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư còn chưa lập và phê duyệt Tổng dự toán công trình, dù trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo từ năm 2005.

Công tác đấu thầu của dự án cũng bộc lộ nhiều sai sót. Theo kế hoạch đấu thầu được duyệt thì 13 gói thầu đều được triển khai trong năm 2005, nhưng thực tế việc triển khai kéo dài đến năm 2009. Một số gói thầu bổ sung, điều chỉnh đến năm 2013 mới tiến hành dẫn đến thời điểm thực hiện công tác đấu thầu có nhiều nội dung thay đổi, phải điều chỉnh kế hoạch đấu thầu như tăng giá trị gói thầu đối với các gói 16, 17, 24. Điều này là vi phạm Luật Đấu thầu .

Thêm vào đó, kế hoạch đấu thấu bổ sung đã làm phát sinh nhiều gói thầu liên quan đến giải phóng mặt bằng, giá trị các gói thầu tăng lên nhưng lại không cân đối được chi phí đầu tư. Tại thời điểm kiểm tra năm 2012 với 7 quyết định điều chỉnh bổ sung kế hoạch đấu thầu của UBND thành phố Hà Nội, giá trị các gói thầu điều chỉnh, bổ sung đã vượt tổng mức đầu tư hơn 517 tỷ, nhưng vẫn được triển khai. Điều đáng nói hơn nữa là chủ đầu tư đã không báo cáo UBND thành phố Hà Nội để phê duyệt lại Dự án đầu tư, điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Ngoài ra, chủ đầu tư còn tự ý lựa chọn và trình UBND thành phố Hà Nội kết quả chỉ định thầu, dù theo kế hoạch, một số gói thầu không được chỉ định cụ thể.

Về công tác giao thầu, tạm ứng, thanh toán và giải ngân, theo chỉ đạo của Thủ tướng, nguồn vốn cho dự án được lấy từ việc đấu giá đất ở hai bên đường 5. Tuy nhiên, hiện tại UBND thành phố Hà Nội vẫn chưa tiến hành đấu giá, dự án vẫn đang sử dụng vốn ngân sách và trái phiếu thủ đô, như vậy là trái với chỉ đạo của Thủ tướng.

Việc tạm ứng thanh toán cho các nhà thầu, chủ đầu tư đã thực hiện đúng quy định, song lại không kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến không thu hồi lại được khi nhà thầu chậm tiến độ hoặc bỏ dở công trình, gây lãng phí lớn vốn đầu tư.

Công tác giải phóng mặt bằng của dự án cũng bị đánh giá là quá chậm chạp, kéo dài đến năm 2014 vẫn chưa dứt điểm, làm chậm tiến độ thi công, gây lãng phí ngân sách và hiệu quả đầu tư.

Việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư  được thực hiện không đúng, trong đó việc chi trả tiền hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, đơn vị sai quy định với số tiền hơn 77 tỷ đồng.

Cùng với hàng loạt sai phạm như trên, kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ còn phát hiện thêm một số sai phạm về tài chính của dự án. Tổng số tiền phát hiện qua thanh tra là 657 tỷ, trong đó 237 tỷ được khẳng định còn hơn 336 tỷ vẫn chưa được làm rõ. Số tiền sai phạm này nằm rải rác ở hàng loạt gói thầu với các mức độ khác nhau.

Đề nghị kiểm điểm hàng loạt

Trên cơ sở những kết luận thanh tra như trên, Tổng thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhanh chóng chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư, chỉ đạo cho chủ đầu tư và các đơn vị khẩn trương làm rõ nguyên nhân để hoàn thiện hồ sơ phê duyệt lại dự toán.

Đặc biệt là kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của một loạt cá nhân, đơn vị liên quan đến dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với số tiền hơn 384 tỷ chưa làm rõ, đề nghị chủ đầu tư nhanh chóng xác định cụ thể, chi tiết để xử lý sai phạm.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét bổ sung các quy định về hợp đồng xây dựng, trong đó quy định hạn mức tạm ứng, thu hồi tạm ứng qua các lần nghiệm thu và khi không có khối lượng hoàn thành... để tránh làm lãng phí vốn đầu tư.

Đồng thời giao Bộ Giao thông vận tải tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về giám sát tiến độ thực hiện các dự án thuộc thẩm quyền trách nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở, để quản lý các dự án thực hiện đúng thiết kế, tiến độ và chất lượng.

Tin mới lên