Phía sau dự án 20 tỷ USD vốn Trung Quốc vừa bị Malaysia ‘khai tử’
Minh Đăng -
22/08/2018 15:30 (GMT+7)
(VNF) - Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng dự án Đường sắt kết nối bờ biển phía Đông (East Coast Rail Link - ECRL) là một dự án “kỳ lạ” khi Malaysia phải cấp vốn cho dự án bằng khoản tiền vay từ Trung Quốc và buộc phải thuê nhà thầu Trung Quốc.
Vị Thủ tướng 92 tuổi của Malaysia ngày hôm qua (21/8) tuyên bố sẽ hủy hai dự án lớn trị giá 22,3 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư ở nước này.
Lý do mà ông đưa ra là khoản nợ tích lũy từ hai dự án có thể khiến Malaysia phá sản trong khi quốc gia này chưa thực sự cần đến chúng. Trong đó, ECRL là dự án đáng chú ý nhất với mức kinh phí dự kiến lên tới 20 tỷ USD.
Ông Mahathir khẳng định rằng: "Nếu phải trả tiền bồi thường, chúng tôi sẽ trả. Đây là sự ngu dốt từ những cuộc đàm phán của chính quyền trước đây. Chúng tôi phải tìm cách rút khỏi những dự án này". Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, chính phủ Malaysia đã đầu tư 20 tỷ RM (gần 5 tỷ USD) vào ECRL.
ECRL sẽ kết nối khu vực bờ biển phía đông kém phát triển của Malaysia với thủ đô Kuala Lumpur và Thái Lan.
Theo tính toán của các chuyên gia, việc phá vỡ hợp đồng dự án ECRL, phía Malaysia sẽ phải bồi thường cho các công ty Trung Quốc khoảng 5,5 tỷ USD.
Năm 2017, công ty xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC), một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, đã trúng thầu thi công dự án ECRL dài 620 km. 85% chi phí xây dựng tuyến đường sắt này được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho vay. Đây là dự án kết nối khu vực bờ biển phía đông kém phát triển của Malaysia với thủ đô Kuala Lumpur và Thái Lan.
Tới tháng 8/2017, dự án ECRL chính thức được khởi công. Đây được xem là một trong những dự án chính trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, nhằm thiết lập “Con đường Tơ lụa” hiện đại, kết nối hành lang trên bộ tại Đông Nam Á, Pakistan và Trung Á.
Dự án ECRL đã bị dừng thi công từ tháng 7/2018.
Đối với Trung Quốc, đây là một cách để mở rộng quyền lực mềm của nước này tại Malaysia, nước cũng có tranh chấp ở Biển Đông và có vai trò quan trọng trong lợi ích chiến lược và địa chính trị của Bắc Kinh.
Chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Najib Razak từng nói dự án này sẽ tạo ra thêm 80.000 việc làm và thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 7/2018, Công ty Đường sắt Malaysia, đơn vị quản lý dự án trên, xác nhận đã yêu cầu công ty Trung Quốc dừng thi công công trình này. Lý do dẫn tới quyết định bất ngờ trên của Malaysia được cho là có liên quan tới tình trạng đội vốn của dự án.
"Việc hoàn thành dự án đường sắt lớn nhất Malaysia ước tính sẽ mất tới 20 tỷ USD, cao hơn gần 50% so với ước tính của chính phủ trước đó. Dự án ECRL sẽ chỉ trở nên khả thi về mặt kinh tế nếu cắt giảm bớt chi phí", Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng đưa ra lý do về việc hoãn thi công dự án ECRL.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Trước đó, theo thỏa thuận được ký giữa chính phủ của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak và nhà thầu Trung Quốc, dự án ECRL chỉ có kinh phí 16,5 tỷ USD. Tuy nhiên chính phủ Malaysia hiện nay ước tính chi phí thực tế đã đội lên 20 tỷ USD sau khi tính thêm các khoản lãi suất, tiền thu hồi đất và một số chi phí khác.
Việc Malaysia quyết định dừng thi công dự án đường sắt với nhà thầu Trung Quốc được xem là tín hiệu cho thấy Thủ tướng Mahathir đã thực hiện đúng cam kết do ông đưa ra trước đó về việc kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này.
"Vành đai, Con đường" là dự án tuy đem lại nguồn lợi khổng lồ cho Trung Quốc nhưng khiến các nước nhỏ phải trả giá đắt về tài nguyên và chủ quyền lãnh thổ.
Một số chuyên gia lo ngại rằng các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể đẩy các nước nhỏ vào “bẫy nợ” của Trung Quốc, tạo điều kiện để Bắc Kinh gây ảnh hưởng tới các quyết định chiến lược, thậm chí nắm quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng trọng yếu của đất nước.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.