Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7: Sẽ thúc đầu tư công, đối phó dịch Covid

Anh Hùng - 03/08/2020 08:33 (GMT+7)

Hôm nay (3/8), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2020, thảo luận về việc thực hiện mục tiêu kép, nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bước sang giai đoạn 2.

VNF
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7

Tại phiên họp, Chính phủ sẽ bàn, đề ra các giải pháp xử lý các vấn đề đặt ra, trong đó có phòng chống dịch, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hay tình hình thực hiện các gói cứu trợ vừa qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử, …

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 7, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động. Chỉ số CPI tháng 7/2020 chỉ tăng 0,4% và giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số CPI vẫn tăng 4,07% so với cùng kỳ.

Nông nghiệp phát triển ổn định nhưng do nắng nóng kéo dài, sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân ở một số địa phương cũng bị ảnh hưởng (khoảng 30 nghìn ha lúa và rau màu bị khô hạn). Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển khá với tổng đàn gia cầm tăng 5,5%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ.

Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Dù vậy, vẫn có một số sản phẩm công nghiệp tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước (xăng dầu tăng 18,6%; thép thanh, thép góc tăng 13,8%; tivi tăng 12,5%; linh kiện điện thoại tăng 11,4%; bột ngọt tăng 10,5%, phân urê tăng 9%).

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn giảm 0,4%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9%).

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trên cả nước cơ bản được triển khai tích cực; nhiều dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ NSNN tháng 7 (tăng 51,8%) và 7 tháng năm 2020 (tăng 27,2%), mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Hoạt động vận tải trong nước sôi động trở lại với mức tăng 7,8% lượng hành khách vận chuyển và tăng 4% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước. Tuy nhiên, vận tải ngoài nước của các hãng hàng không tiếp tục gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Những tháng còn lại của năm 2020 được đánh giá là vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ, thách thức khó lường. Các thành viên Chính phủ sẽ tập trung thảo luận, phân tích tình hình để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để bị động bất ngờ.

Xem thêm: 5 sự kiện chi phối thị trường chứng khoán tuần này

Cùng chuyên mục
Tin khác