Phó tổng giám đốc EVN: Hơn 3.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá vẫn chưa có nguồn thanh toán

Lê Nguyễn - 18/12/2019 16:33 (GMT+7)

(VNF) – Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay hai khoản chênh lệch tỷ giá năm 2015 và 2017 vẫn chưa có nguồn thanh toán.

VNF
Hơn 3.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá mua điện vẫn chưa có nguồn thanh toán

Theo quy định tại Quyết định 34/2017 của Thủ tướng, một phần khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của năm 2015 và khoản chênh lệch tỷ giá của cả năm 2017 sẽ được đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018.

Tuy nhiên, do năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên hai khoản chênh lệch tỷ giá này, với tổng giá trị khoảng 3.090,9 tỷ đồng, được treo lại và chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018.

Trả lời tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN tổ chức chiều nay (18/12), ông Nguyễn Xuân Nam cho hay các khoản chênh lệch tỷ giá này vẫn chưa có nguồn trả.

“Sẽ phải chờ các phương án giá điện trong các năm tới, khi được Thủ tướng và Bộ phê duyệt thì mới có nguồn để trả hơn 3.000 tỷ này”, ông Nam nói.

Năm 2020 sẽ mua hơn 2 tỷ kWh của Trung Quốc

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, năm 2019, sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc đạt khoảng 2,1 tỷ kWh, từ Lào đạt 1,1 tỷ kWh.

Năm 2020, ước tính vẫn nhập khẩu điện từ Trung Quốc khoảng 2 tỷ kWh và Lào hơn 1 tỷ kWh.

“Nhưng với tốc độ tăng trưởng phụ tải hơn 9%, tỷ trọng điện nhập khẩu sẽ giảm đi”, ông Tuấn nói.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2020, các nguồn điện than, thủy điện và nhiệt điện tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia; riêng điện than dự kiến cung cấp 132 tỷ kWh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết năm 2020, với sản lượng điện dự kiến huy động như trên thì số than sử dụng vào khoảng 66 triệu tấn, trong đó khoảng  15 triệu tấn là than nhập khẩu.

Một lãnh đạo Vụ dầu khí cho hay dự kiến năm 2020, TKV và Tổng công ty than Đông Bắc sẽ cung cấp 48,69 triệu tấn than, riêng TKV cung cấp 41 triệu tấn.

Đáng chú ý, để cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, năm 2020, dự kiến huy động 3,397 tỷ kWh điện dầu, trong đó riêng mùa khô (tháng 3 – 6/2020), dự kiến huy động tới 3,15 tỷ kWh. Lượng điện dầu sẽ còn cao hơn nếu xảy ra các tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng đột biến hay có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện.

Ngoài các nguồn điện nêu trên, năm 2020 dự kiến sẽ có khoảng 2.000 MW điện gió và điện mặt trời mới đi vào vận hành. Các nguồn năng lượng tái tạo cung cấp 10,868 tỷ kWh, tương đương 4,16% tổng nhu cầu điện.

Cùng chuyên mục
Tin khác