Phó Tổng Giám đốc FLC xin từ nhiệm ngay trước ĐHCĐ bất thường

Minh Anh - 24/08/2024 10:51 (GMT+7)

(VNF) - Bà Trần Thị Hương - Phó Tổng Giám đốc thường trực, người phụ trách quản trị Tập đoàn FLC - xin thôi giữ các chức vụ tại tập đoàn này. Quyết định của bà Hương đưa ra sau khi FLC triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường.

Công ty CP Tập đoàn FLC (UPCOM: FLC) vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc thôi giữ các chức vụ của bà Trần Thị Hương - Phó Tổng Giám đốc thường trực, người phụ trách quản trị Tập đoàn FLC - tại tập đoàn này.

Cụ thể, HĐQT FLC chấp thuận đề nghị thôi giữ chức vụ phó tổng giám đốc thường trực và người phụ trách quản trị công ty của bà Hương kể từ ngày 22/8/2024. Bên cạnh đó, HĐQT FLC cũng thông qua việc nhận đơn xin thôi giữ chức vụ thành viên HĐQT của bà Trần Thị Hương.

Đối với đơn xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT, HĐQT FLC sẽ tiến hành các thủ tục trình ĐHĐCĐ kỳ họp gần nhất, miễn nhiệm bà Hương theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.

Ông Lê Tiến Dũng - thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc FLC - được bổ nhiệm giữ chức vụ người phụ trách quản trị công ty thay thế cho bà Hương.

Bà Trần Thị Hương sinh năm 1983, là Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Northumbria (Vương quốc Anh), Cử nhân Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Ngoại thương, Hà Nội.

Bà Trần Thị Hương nhận quyết định bổ nhiệm phó tổng giám đốc FLC cuối năm 2022. Ảnh: FLC

Trước khi giữ chức phó tổng giám đốc của FLC từ ngày 22/12/2022, bà Hương từng nắm giữ vị trí quản lý cấp cao tại nhiều doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán, giáo dục như tổng giám đốc CTCP Đầu tư Kinh doanh phát triển Bất động sản FLCHomes; giám đốc nhân sự CTCP Phát triển và Đầu tư Đô thị Việt Hưng; trưởng ban nhân sự Tập đoàn FLC…

Tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 4/3/2023, bà Hương được bầu làm thành viên HĐQT, thay cho các thành viên cũ đã từ nhiệm của FLC.

Đến ngày 16/5/2023, bà Hương kiêm nhiệm thêm vị trí người phụ trách quản trị công ty, thay thế cho ông Doãn Hữu Đoàn.

Ở một diễn biến liên quan, FLC bất ngờ triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường. Danh sách cổ đông tham dự họp sẽ được chốt vào ngày 12/9 tới. Thời gian và địa điểm họp chưa được công bố.

Tại đại hội lần này, cổ đông FLC sẽ tiến hành miễn nhiệm, bầu bổ sung thành viên HĐQT, ban kiểm soát; sửa đổi quy chế hoạt động của HĐQT, ban kiểm soát... Hiện FLC chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Tại đại hội bất thường diễn ra vào tháng 2 vừa qua, FLC đã bầu bổ sung ông Lê Tiến Dũng và ông Ngô Đặng Hoàng Anh vào HĐQT. Đồng thời, FLC thống nhất chuyển trụ sở chính sang địa chỉ Tầng 5, Tòa nhà FLC Landmark Tower, Hà Nội.

Theo báo cáo tại kỳ họp hồi tháng 2, tổng giá trị tài sản của FLC ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng, giảm khoảng 42% so với mức 36.216 tỷ đồng vào cuối quý II/2022. FLC cũng điều chỉnh giảm 60% nhân sự sau quá trình tái cơ cấu, sáp nhập 50% các phòng ban và thành lập mới ban kinh doanh và chiến lược, phòng công nghệ thông tin.

Doanh nghiệp đặt mục tiêu thu về hơn 1.187 tỷ đồng từ mảng kinh doanh bất động sản trong năm 2024. Doanh thu từ mảng du lịch nghỉ dưỡng đạt 1.213 tỷ đồng.

Ngày 5/8, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án phạt 50 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thao túng thị trường chứng khoán; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra tại Tập đoàn FLC.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, bị tuyên 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Tổng hợp hình phạt chung với ông Quyết là 21 năm tù.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết lĩnh án 21 năm tù

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết lĩnh án 21 năm tù

Tiêu điểm
(VNF) - Tòa án nhân dân Hà Nội xác định ông Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, hưởng lợi phần lớn số tiền gây thiệt hại 4.300 tỷ đồng nên phải chịu mức án nặng nhất trong 50 bị cáo.
Cùng chuyên mục
Tin khác