Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết lĩnh án 21 năm tù

Tuệ Lâm - 05/08/2024 16:32 (GMT+7)

(VNF) - Tòa án nhân dân Hà Nội xác định ông Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, hưởng lợi phần lớn số tiền gây thiệt hại 4.300 tỷ đồng nên phải chịu mức án nặng nhất trong 50 bị cáo.

Chiều 5/8, hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên án sơ thẩm cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo khác trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC.

HĐXX đánh giá, hành vi vi phạm của các bị cáo Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga... là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Ngoài bị cáo Trịnh Văn Quyết từng bị xử phạt hành chính, 49 bị cáo còn lại đều là những người phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt. Trong vụ án, nhiều bị cáo là anh em ruột hoặc có quan hệ họ hàng.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Giữ vai trò cao nhất ở cả 2 hành vi, ông Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán. Tổng hợp hình phạt là 21 năm tù.

Ông Quyết được xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ ngoài thành khẩn, tích cực khắc phục hậu quả. HĐXX ghi nhận ông Quyết cùng tập đoàn FLC trong quá trình hoạt động đã xây dựng nhiều công trình tại vùng sâu vùng xa Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa... được các địa phương này gửi đơn xin giảm nhẹ mức án.

Cùng tội danh, 2 em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC và Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS, lần lượt bị tuyên 14 năm tù và 8 năm tù.

Bị cáo Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC, bị tuyên 2 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 6 năm 6 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt là 8 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Trịnh Văn Đại, phó Tổng giám đốc Công ty FLC Faros, anh họ ông Quyết bị tuyên phạt 11 năm tù.

Ở tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, ông Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch HĐQT HoSE, án phạt 6 năm 6 tháng; Lê Hải Trà, cựu ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực HoSE, 5 năm tù; Trầm Tuấn Vũ, cựu phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng niêm yết HoSE, 5 năm 6 tháng.

HĐXX đánh giá hơn 25.000 nhà đầu tư là những người đã bỏ tiền thật ra mua cổ phiếu ROS (cổ phiếu của Công ty Faros) mà không biết bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã dùng thủ đoạn gian dối nâng khống giá trị cổ phiếu để chiếm đoạt tiền của mình. Thực tế, Trịnh Văn Quyết đã chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Do đó, hơn 25.800 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS bán ra lần đầu như đã nêu trên được xác định là bị hại.

Số cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán từ ngày 1/9/2016 đến ngày 5/9/2022 đã bị hủy niêm yết. Đến nay có hơn 63.000 nhà đầu tư còn đang sở hữu cổ phiếu ROS, không tính số cổ phiếu do các bị cáo đứng tên.

Theo HĐXX, những nhà đầu tư này không trực tiếp mua cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm bán ra đợt đầu, không bị các bị cáo lừa đảo trực tiếp nên không được xác định là bị hại.

Song HĐXX đánh giá, những người đang sở hữu cổ phiếu ROS bị nâng khống giá trị, phần nào chịu hậu quả của những hành vi đó nên cần đưa các nhà đầu tư này vào vụ án với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để xem xét bảo đảm quyền lợi cho họ.

Quá trình xét xử, HĐXX đánh giá, Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu chỉ đạo việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên hơn 4.300 tỷ đồng; thu lời bất chính hơn 3.600 tỷ đồng.

Hai bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC) và Trịnh Thị Thúy Nga (cựu phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) đã giúp anh trai Trịnh Văn Quyết nâng khống vốn của Công ty Faros; qua đó giúp Quyết thu lời bất chính hơn 3.600 tỷ đồng.

"Bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu tổ chức, các bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế là đồng phạm giúp sức tích cực", HĐXX đánh giá.

Cùng chuyên mục
Tin khác