Tài chính quốc tế

Quan chức EU: Khó khăn năng lượng là cái giá phải trả để thoát ảnh hưởng của Nga

(VNF) - Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, nhấn mạnh rằng việc cắt giảm nguồn cung năng lượng của Nga gây khó khăn cho nhiều nước EU, nhưng đây là cái giá phải trả để thoát khỏi ảnh hưởng của Nga đối với các quyết định chính trị của châu Âu.

Quan chức EU: Khó khăn năng lượng là cái giá phải trả để thoát ảnh hưởng của Nga

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell.

“Đến cuối năm 2022, chúng tôi sẽ giảm 90% nhập khẩu dầu của Nga và giảm nhanh chóng nhập khẩu khí đốt. Những quyết định này đang dần giải phóng chúng tôi khỏi sự phụ thuộc, vốn từ lâu đã ảnh hưởng đến các quyết định chính trị của chúng tôi…”, ông Josep Borrell nêu quan điểm trong bài báo đăng trên tờ báo Ý La Stampa.

Theo ông Borrell, việc nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga tạo ra những khó khăn nghiêm trọng cho nhiều nước EU và nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau.

"Nhưng đây là cái giá mà chúng tôi phải trả để bảo vệ các nền dân chủ và luật pháp quốc tế, và chúng tôi đang thực hiện các bước cần thiết để giải quyết những vấn đề này một cách đoàn kết", Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU nhấn mạnh thêm.

Theo ông Borrell, các lệnh trừng phạt sẽ khiến Moscow phải "thay đổi các tính toán chiến lược của mình" và kết quả của lệnh cấm vận sẽ có thể nhìn thấy được trong tương lai gần.

Hãng tin Reuters mới đây dẫn số liệu sơ bộ được Văn phòng Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 1/7 cho thấy so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6 là 8,6%, cao hơn mức 8,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Nhiều nước Eurozone phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch của Nga để sưởi ấm, cũng như cung cấp năng lượng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu đã giảm hơn một nửa kéo giá cả leo thang kỷ lục.

Giá năng lượng ở châu Âu trong tháng 6 tăng 41,9%, gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. Giá thực phẩm cũng tăng tới 8,9% trong năm qua. Hiện các nước châu Âu đang phải chật vật tìm nguồn cung thay thế từ Nga.

Giá cả leo thang không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, mà còn tác động đến hàng loạt ngành công nghiệp như luyện thép, kim loại, xi măng hay hóa chất... của khối này.

Giám đốc chính sách khí hậu của EU Frans Timmermans mới đây cho biết 10/27 quốc gia thành viên EU đã đưa ra "cảnh báo sớm" về nguồn cung cấp khí đốt. Đây là cảnh báo ở "cấp độ đầu tiên và ít nghiêm trọng nhất" trong 3 cấp độ khủng hoảng bao gồm “cảnh báo sớm”, "cảnh báo" và "khẩn cấp" được xác định trong chính sách an ninh của EU về quy định cung cấp năng lượng.

Châu Âu đang tìm kiếm thêm nguồn cung qua đường ống từ các nhà sản xuất như Na Uy và Azerbaijan, nhưng hầu hết đã không còn khả năng mở rộng công suất.

Xem thêm >> Tổng thống Biden kêu gọi giảm giá xăng, tỷ phú Jeff Bezos phản bác

Tin mới lên