Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ vượt Nga về lượng khí đốt xuất khẩu sang EU

Thanh Tú - 02/07/2022 12:38 (GMT+7)

(VNF) - Việc Nga cắt giảm mạnh dòng khí đốt tự nhiên tới Liên minh châu Âu (EU) khiến lần đầu tiên trong lịch sử EU nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Mỹ nhiều hơn là khí đốt thông qua đường ống từ Nga, theo Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol.

VNF
LNG nhập khẩu đang được đẩy mạnh sang châu Âu, phần lớn xuất phát từ Mỹ.

Cụ thể, ông Birol cho biết khối lượng LNG từ Mỹ vận chuyển sang EU trong tháng 6 nhiều hơn lượng khí đốt của Nga vận chuyển bằng đường ống sang lục địa này.

Việc EU tăng nhập khẩu LNG của Mỹ diễn ra trong bối cảnh khối này đang nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, điều này khiến khối gặp khó khăn trong việc thực hiện các lệnh trừng phạt Nga liên quan tới chiến sự Ukraine.

Trước đó, Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom ngày 15/6 đã tuyên bố cắt giảm lượng khí đốt chuyển tới Đức qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) lên đến mức 60%. Nguồn cung khí đốt qua đường ống này giảm từ 167 triệu m3/ngày xuống chỉ còn 67 triệu m3. Điều này xảy ra khi châu Âu đang cố gắng tăng lượng dự trữ khí đốt của mình trước mùa đông.

Ngày 1/7, theo thông báo của Nord Stream AG, nhà điều hành tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc, cả 2 đường ống của dự án sẽ tạm dừng hoạt động để sửa chữa từ ngày 11-21/7. Nord Stream AG cho biết việc ngừng hoạt động đã được thống nhất trước đó với tất cả các đối tác, tuân theo Quy định của EU về tính minh bạch của thị trường năng lượng.

Trong những năm gần đây, sự thiếu hụt nguồn cung liên quan đến việc bảo trì đường ống Dòng chảy phương Bắc đã được bù đắp bằng việc gia tăng dòng chảy qua Ukraine hoặc Ba Lan. Tuy nhiên, chia sẻ với Financial Times, giới chức Đức lo ngại rằng Nga có thể sẽ không thực hiện phương án tương tự như mọi năm, khiến châu lục này phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt.

Trước đó, Nga cũng đã ngừng cung cấp khí đốt cho Phần Lan, Ba Lan, Bulgaria, Orsted của Đan Mạch, công ty GasTerra của Hà Lan và tập đoàn năng lượng khổng lồ Shell cho các hợp đồng của Đức - vì từ chối thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble.

Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra ngày 1/7 với Thủ tướng Séc, nước vừa nhận chức chủ tịch luận phiên khối này trong tháng 7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leye cho biết EU đang chuẩn bị một kế hoạch khẩn cấp về năng lượng cho mùa Đông sắp tới.

Những tháng gần đây, thị trường năng lượng ở châu Âu phải đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung và giá cả tăng cao do sự ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine.

LNG nhập khẩu đang được đẩy mạnh sang châu Âu. Dẫu vậy, phần lớn nguồn cung xuất phát từ Mỹ, một trong ba nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới bên cạnh Qatar và Australia.

Hồi tháng 3, EU đã đồng ý mua thêm 15 tỷ m3 LNG của Mỹ trong năm nay nhằm hạn chế mua khí đốt của Nga. EU muốn thay thế 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga bằng LNG từ nhiều nguồn khác nhau trong năm 2022.

Xem thêm >> Sau khí đốt, Nga yêu cầu thanh toán ngũ cốc bằng đồng ruble

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác