'Quan hệ giữa doanh nghiệp FDI và nội địa hờ hững đến nỗi tưởng rằng Việt Nam có 2 nền kinh tế'

Hoàng Lan - 04/07/2018 14:14 (GMT+7)

(VNF) - Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội chưa tạo được liên kết như kỳ vọng, chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Mối quan hệ này “hờ hững” đến nỗi nhiều ý kiến cho rằng “đang có 2 nền kinh tế” ở Việt Nam.

VNF
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra lý do FDI và doanh nghiệp nội chưa thể ‘kết hôn’ trong suốt 30 năm

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Dũng, ông Vũ Tiến LộcChủ tịch VCCI đưa ra dẫn chứng “Việt Nam đứng thứ 121/140 quốc gia được xếp hạng về mức độ hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu”.

Tại diễn đàn, “tư lệnh” ngành Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thừa nhận: “Mặc dù tác động lan toả giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp Việt Nam đã có. Điều này được thể hiện trong việc tạo 'sức ép' để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng quản trị theo chuẩn quốc tế, tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội chưa tạo được liên kết như kỳ vọng, chuyển giao công nghệ còn hạn chế”. 

Cũng theo ông Nguyễn Chí Dũng, mối quan hệ này “hờ hững” đến nỗi nhiều ý kiến cho rằng “đang có 2 nền kinh tế” ở Việt Nam.

Đại biểu tham dự diễn đàn VBF giữa kỳ 2018

Minh chứng cho sự "hỡ hững" giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, ông Vũ Tiến Lộc nhắc lại câu chuyện mới đây, Samsung Việt Nam công bố sẽ có 200 doanh nghiệp FDI vào Việt Nam làm nhà cung cấp cho Samsung.

"Đây là cơ hội cũng như nỗi buồn của Việt Nam. Vui là vì khi nền công nghiệp phụ trợ phát triển sẽ mang lại giá trị gia tăng cho kinh tế Việt Nam. Buồn vì giá như 200 nhà cung ứng này là doanh nghiệp Việt Nam. Rất tiếc là doanh nghiệp Việt Nam không vươn lên được để trở thành nhà cung cấp cho Samsung", ông Lộc bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, Chính phủ cũng rất sốt ruột trong vấn đề này và đã chỉ đạo Bộ KHĐT xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghệ 4.0.

Chiến lược quốc gia này hướng tới việc nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp nội địa trong tất cả các ngành dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp.

Bộ trưởng Dũng tiết lộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang có 2 “ý tưởng” mà sắp tới sẽ triển khai là Đề án trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Đề án Xây dựng mạng lưới nhân tài Việt Nam trên thế giới.

Theo ông Dũng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có rất nhiều “nhân tài” trong lĩnh vực công nghệ, đang nắm giữ nhiều công nghệ quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết khai thác nguồn lực này.

Chính vì vậy trong thời gian tới Bộ sẽ là đơn vị đầu mối giúp kết nối mạng lưới nhân tài công nghệ là người Việt Nam đang sinh sống ở nhiều quốc gia trên thế giới, vận động họ giúp doanh nghiệp trong nước phát triển.

Đại biểu tham dự VBF giữa kỳ 2018

Bên cạnh yếu tố công nghệ, Bộ trưởng Dũng cho biết Chính phủ cũng đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, theo ông Dũng thì việc đầu tư hạ tầng này không thể trông chờ vào ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, Bộ KHĐT đang xây dựng dự thảo luật về đối tác công tư (PPP) để hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc tư nhân đầu tư vào xây dựng hạ tầng. Dự kiến dự thảo Luật về đối tác công tư sẽ được trình Quốc hội thông qua vào năm 2019.

Cùng chuyên mục
Tin khác