Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
Đánh giá tổng quan
Ngày 3/2/1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Tháng 7/1995 Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao; từ đó đến nay quan hệ giữa hai nước đã phát triển toàn diện về chính trị, ngoại giao, kinh tế, giáo dục và khoa học, an ninh và quốc phòng.
Tháng 7/2013, Tổng thống Mỹ Barak Obama và Chủ tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký kết thỏa thuận "Đối tác Toàn diện Mỹ - Việt", khuôn khổ tổng thể cho việc thúc đẩy quan hệ song phương.
Trong buổi hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà trắng ngày 7/7/2015, Tổng thống Mỹ khẳng định: Mỹ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và vai trò của Việt Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời gọi Việt Nam là "đối tác xây dựng" trên nhiều lĩnh vực, bao gồm biến đổi khí hậu và gìn giữ hòa bình toàn cầu.
Đáp lời Tổng thống Mỹ, Tổng Bí thư ĐCSVN nói: "Từ hai nước cựu thù, chúng ta đã chuyển thành những người bạn, đối tác và đối tác toàn diện. Quá khứ không thể thay đổi nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta".
Quan hệ thương mại Việt- Mỹ đóng góp tích cực vào quá trình phát triển đó. Ngoại trưởng Mỹ John Kery đánh giá "không có hai nước nào khác nổ lực hơn, làm được nhiều hơn và làm được tốt hơn để cố gắng đến với nhau thay đổi lịch sử và thay đổi tương lai".
Quan hệ thương mại dần mở rộng
Ngày 13/7/2000 tại Washington, Hiệp định thương mại Việt- Mỹ (BTA) đã được ký kết và có hiệu lực kể từ 10/12/2001. So với các Hiệp định thương mại mà nước ta đã ký trước đó, BTA Việt - Mỹ có phạm vi điều chỉnh rộng hơn nhiều, quy định chi tiết cam kết mở cửa thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, thương mại liên quan đến đầu tư và thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của công dân và pháp nhân hai nước.
Sau khi BTA có hiệu lực, Mỹ đã áp dụng Quy chế quan hệ thương mại bình thường và Quy chế tối huệ quốc (MFN), giảm mức thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ 40% xuống 4%, mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Tháng 12/2006, Tổng thống G.W. Bush quyết định trao cho Việt Nam Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR).
Mặc dù đã có BTA nhưng trong tiến trình gia nhập WTO, Việt Nam đã trải qua 12 vòng đàm phán song phương với Mỹ, cuối cùng hai bên đã ký kết Biên bản thỏa thuận về việc Việt Nam gia nhập WTO vào ngày 31/5/2016 tại Hội trường Thống Nhất, TP. HCM. Theo đó, Việt Nam sẽ miễn thuế hoàn toàn cho các sản phẩm máy vi tính, bán dẫn, áp thuế 0% với máy bay, 94% sản phẩm công nghiệp của Mỹ chịu mức thuế dưới 15%, 3/4 nông sản của Mỹ xuất khẩu vào Việt Nam chịu mức thuế từ 15% trở xuống. Các nhà cung cấp dịch vụ của Hoa Kỳ được quyền tiếp cận rộng hơn thị trường viễn thông (cả thị trường vệ tinh), phân phối, dịch vụ tài chính và năng lượng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, Mỹ đã nhận được thêm nhiều ưu đãi so với BTA.
Trên cơ sở đó, kim ngạch thương mại hai chiều, nhất là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đã gia tăng nhanh chóng. Năm 2015, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 33,48 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2014 và chiếm 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; một số mặt hàng chủ lực tăng cao: dệt may tăng 11,7%; giày dép tăng 23,9%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 87,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 35,1%.
Năm 2000, 78% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là hàng sơ chế, chủ yếu là tôm và sản phẩm dầu khí, hiện nay 74-75% là hàng chế tác; nếu trước năm 2005 chủ yếu là hàng may mặc, thì sau đó có thêm hàng điện tử, dày da, đồ gỗ.
Năm 2015 nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ đạt 7,8 tỷ USD, tăng 23,8%; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là phương tiện vận chuyển, máy móc, máy bay, sản phẩm điện tử, máy tính và thực phẩm.
Theo Phòng thương mại Mỹ tai Việt Nam (AmCham), Việt Nam đang gia tăng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN cho Mỹ; từ một nước thành viên ASEAN có kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ thuộc loại ít nhất, năm 2014 Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, chiếm 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu ASEAN vào Mỹ, vượt Malaysia (19,8%) Thái Lan (14,7%), Indonesia (12,5%), Singapore (9,5%); con số này có thể hơn 30% trước năm 2020 nếu xu hướng này được tiếp tục; không chỉ tăng về khối lượng, hàng hóa chất lượng và giá trị gia tăng cao của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ ngày một nhiều hơn. Mặt khác, Việt Nam đang xếp thấp nhất trong các nước ASEAN- 6 về nhập khẩu từ Mỹ với 7,8 tỷ USD trong năm 2015. Số liệu này chắc chắn có thể tăng lên thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đối với các nhà xuất khẩu từ Mỹ, các nhà nhập khẩu tại Việt Nam và các đơn vị phân phối của nhà nhập khẩu.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ liên tục tăng, năm 2010 là 10,47 tỷ USD, năm 2014 là 23,8 tỷ USD, năm 2015 là 25,5 tỷ USD, bù đắp được khoản nhập siêu từ Trung Quốc và ASEAN, góp phần xuất siêu từ 2012 đến 2014.
Đây là dấu hiệu tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam do thị trường được mở rộng và đa dạng hơn, nên hạn chế được rủi ro khi chỉ phụ thuộc vào một vài thị trường chính. Hơn nữa trong môi trường thương mại được đa dạng hoá thì nước ta có thể thích nghi tốt hơn với những thay đổi về điều kiện thương mại của từng quốc gia trong trường hợp bị suy thoái kinh tế hoặc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Cơ hội mới và chiếc bánh lợi ích
Trong hơn 15 năm kể từ khi BTA có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành hơn trong việc hợp tác, kinh doanh với bạn hàng Mỹ, hiểu biết tốt hơn thị hiếu tiêu dùng, đặc điểm thị trường Mỹ, cũng đã rút ra được bài học về hoạt động xúc tiến thương mại, đối phó với các vụ kiện thương mại. Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào và bằng cách gì để tận dụng cơ hội mới khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, đồng thời phân chia chiếc bánh lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
TPP được coi là FTA kiểu mới vì bảo đảm chu chuyển tự do ở mức độ cao hơn về hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ bằng cách dỡ bỏ hàng rào thuế quan và phi quan thuế; tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư nhằm mang lại lợi ích nhiềù hơn cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng. TPP sẽ thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước thành viên như sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, an toàn lao động…TPP không những mở rộng quan hệ thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các nước thành viên, mà cùng với tăng cường dòng chảy vốn cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng quốc gia.
Cũng như đối với các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nhận thức về cơ hội và lợi ích đối với TPP phụ thuộc vào cách tiếp cận vấn đề; dưới đây là câu chuyện đùi gà Mỹ và đôi giày Nike.
Câu chuyện đùi gà Mỹ: năm 2015 truyền thông nước ta rộ lên câu chuyện đùi gà nhập khẩu từ Mỹ bán với giá 15-20 ngàn đồng/kg, chỉ bằng ½ đến 1/3 giá gà Việt Nam. Dư luận xôn xao về nguy cơ đối với ngành chăn nuôi gia cầm trong nước khi mở cửa thị trường sản phẩm chăn nuôi. Tôi không có ý định bàn về nguyên nhân của giá gà Mỹ bán tại Việt Nam do "quá đát" hay không, mà muốn từ câu chuyện đó để bàn về cách tiếp cận TPP.
Khi thuế nhập khẩu bằng 0% thì đương nhiên giá hàng nhập khẩu sẽ giảm (trừ khi Chính phủ chủ trương tăng các thứ thuế khác để bù đắp ngân sách và bảo hộ sản xuất), buộc doanh nghiệp phải đương đầu với cạnh tranh trên thị trường nội địa mà muốn tồn tại thì phải đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp và nguồn nhân lực Như vậy, mở cữa thị trường là động lực kích thích đổi mới, sáng tạo đối với doanh nghiệp. Hơn nữa, khi giá cả thị trường giảm, hàng nhập khẩu có chất lượng cao, kiểu dáng đẹp thì người tiêu dùng được hưởng lợi do các FTA đem lại.
Câu chuyện đôi giày Nike: số giày Nike đang sản xuất tại Việt Nam chiếm tới 41% sản lượng của hãng, trong khi số giày xuất xứ từ Trung Quốc là 32% và từ Indonesia là 25%. Mỗi đôi dày thể thao của hãng này bán từ 100 dến 250 USD; thỉnh thoảng giảm giá còn 50- 65 USD. Các doanh nghiệp Việt Nam gia công cho Nike chỉ được hưởng khoảng 5-10% gia đôi dày Nike bản trên thị trường. Với TPP ai sẽ được hưởng lợi nhiều hơn (?); chính là Hãng sản xuất đồ thể thao lớn nhất thế giới này; doanh nghiệp và người lao động Việt Nam được hưởng lợi không nhiều.
Câu chuyện đùi gà Mỹ và đôi giày Nike đặt ra vấn đề cần được xử lý là cơ hội mới ai được hưởng lợi và nên chia lại chiếc bánh lợi ích như thế nào và bằng cách gì để hợp lý hơn!
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và chủ doanh nghiệp thì một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất của Việt Nam do có TPP là dệt may, do hiện nay thuế nhập khẩu mặt hàng này vào Mỹ là 17-18% sẽ giảm xuống 0%, không những làm cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh hơn, mà còn đưa lại lợi nhuận nhiều hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Vấn đề là ai được hưởng lợi nhiều nhất trong những doanh nghiệp ngành dệt may?.
Năm 2015 xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam đạt 27,5 tỷ USD, trong đó nhập khẩu nguyên phụ liệu 14 tỷ USD, tự sản xuất trong nước 7 tỷ USD nguyên phụ liệu và 6 tỷ USD là tiền công. Khoảng 5.000 doanh nghiệp với trên 2.5 triệu lao động làm việc trong ngành dệt may; trong đó doanh nghiệp Việt Nam phần lớn quy mô nhỏ, làm gia công nên nằm ở khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Để đáp ứng quy tắc xuất xứ "từ sợi trở đi" của TPP đòi hỏi doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và Chính phủ cần phối hợp hành động để doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi thỏa đáng; tạo cơ hội để các doanh nghiệp hiện đang kinh doanh có điều kiện tích tụ vốn, đổi mới công nghệ, mở rộng nhanh chóng quy mô sản xuất, đồng thời khuyến khích việc đầu tư thành lập thêm nhiều doanh nghiệp mới, để TPP và các FTA tạo nên cú hích cho việc xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dân tộc hùng mạnh, đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.
Mỹ là thị trường có dụng lượng hàng nhập khẩu lớn nhất thế giới; kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, do đó còn nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam khai thác tại thị trường tiềm năng này, nếu cơ hội lới do TPP đưa lại được tận dụng tốt bằng hệ thống giải pháp đồng bộ: đẩy nhanh hơn cuộc cải cách nền hành chính quốc gia, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp và đề cao vai trò của hiệp hội ngành hàng trong việc phân công, hợp tác giữa các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường Mỹ.
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.