Quan ngại tình trạng lệ thuộc vốn vay của Tập đoàn Sao Mai
(VNF) - 2024 là năm thứ ba liên tiếp Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) âm dòng tiền kinh doanh. Điều này khiến công ty tiếp tục lún sâu vào tình cảnh lệ thuộc vốn vay và gánh chịu chi phí tài chính rất lớn.
Một năm chật vật
Sao Mai đã có một năm 2024 khá đặc biệt khi doanh thu và lợi nhuận cùng đi ngang so với năm trước. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 12.013 tỷ đồng, chỉ tăng 40 tỷ đồng, tương đương tăng 0,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 253 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 2 tỷ đồng.
Nhìn sâu vào cơ cấu doanh thu, có thể thấy được nguyên do của tình trạng này. Cụ thể, có 2/3 mảng chủ lực của Sao Mai suy giảm so với năm trước là: mảng cá xuất khẩu (giảm 4%, đạt 2.826 tỷ đồng) và mảng thức ăn cá (giảm 19%, đạt 4.002 tỷ đồng), chỉ có mảng thương mại tăng trưởng (tăng 38%, đạt 4.127 tỷ đồng). Trong khi đó, các mảng phụ không có nhiều biến chuyển, như: mảng điện mặt trời chỉ tăng 4%, đạt 786 tỷ đồng hay mảng bất động sản “lẹt đẹt” với doanh thu 68 tỷ đồng, giảm 23%.
Xét biên lãi gộp, cả năm đạt mức 11,49%, tăng 0,29 điểm % so với năm trước. Nhưng từng mảng có sự khác nhau: mảng cá xuất khẩu giảm 1,2 điểm % (xuống 9,4%), mảng thương mại giảm 1,89 điểm % (xuống 2,39%), trong khi mảng thức ăn cá tăng tới 4,12 điểm % (lên 8,99%).
Sự gia tăng biên lãi gộp của mảng thức ăn cá là nguyên nhân quan trọng giúp lãi gộp năm 2024 của ASM vẫn tăng được 3% so với năm trước. Nhờ đó, ASM vượt qua được sự suy giảm của doanh thu tài chính (giảm 15%), sự gia tăng của chi phí bán hàng (tăng 33%) và khoản lỗ khác 21 tỷ đồng do các án phạt (như án phạt của Tổng cục Thuế do khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp) để lãi sau thuế cả năm 2024 có thể “nhỉnh hơn chút đỉnh” so với năm trước.
Dù thành công trong việc tăng trưởng một cách chật vật như vậy, nhưng so với kế hoạch năm rất tham vọng (14.222 tỷ đồng doanh thu và 800 tỷ đồng lãi sau thuế), ASM mới hoàn thành được 84% mục tiêu doanh thu và 31% mục tiêu lợi nhuận.

“Đau đầu” về nợ
Bên cạnh nỗi buồn không thể hoàn thành được kế hoạch năm, ASM càng khó vui hơn khi hoạt động kinh doanh chính vẫn không thể mang về dòng tiền dương. Năm 2024, dòng tiền kinh doanh của công ty âm rất nặng (-971 tỷ đồng), đánh dấu năm âm thứ 3 liên tiếp. Trước đó, giai đoạn 2022 – 2023, dòng tiền kinh doanh lần lượt âm 340 tỷ đồng và âm 353 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến dòng tiền kinh doanh âm nặng là sự gia tăng của các khoản phải thu, sự suy giảm của các khoản phải trả và gánh nặng chi trả lãi vay. Trong năm, các khoản phải thu đã tăng 23%, lên 5.114 tỷ đồng, chiếm 22,3% tổng tài sản. Số dư người mua trả tiền trước ngắn hạn sụt giảm 40%, xuống 230 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ vay tăng tới 27% lên 13.676 tỷ đồng. Như vậy, nợ vay đã lớn hơn vốn chủ sở hữu tới 69%, đồng nghĩa với việc 62% tổng tài sản của ASM được hình thành từ các khoản vay mượn.
Trên thực tế, việc gia tăng vay nợ của ASM là không thể tránh khỏi, bởi hoạt động kinh doanh của công ty không tạo ra đủ tiền cho doanh nghiệp hoạt động. Trong bối cảnh vẫn phải duy trì các khoản đầu tư (như mua sắm tài sản, chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác), ASM chẳng có con đường nào khác là phải đi vay để bù đắp dòng tiền hoạt động.
Thu từ đi vay năm 2024 đạt 15.683 tỷ đồng, còn trả nợ gốc vay đạt 12.737 tỷ đồng. Đây đều là ngưỡng rất cao, phản ánh mức độ lệ thuộc vào vốn vay của ASM là khá nặng nề, dù cho so với năm trước đã giảm bớt.
Nhờ dòng tiền lớn từ đi vay, ASM mới có thể có số dư tiền ở mức “khủng” khi kết thúc năm tài chính 2024, đạt 4.129 tỷ đồng, tăng 76% so với đầu năm, tương đương 18% tổng tài sản. Đương nhiên, cái giá phải trả là chi phí tài chính của ASM ở mức rất cao, đạt 726 tỷ đồng trong năm 2024, là năm thứ hai liên tiếp ở mức trên 700 tỷ đồng.
Ngoài vấn đề nợ vay, một số điểm trong bức tranh tài sản của ASM cũng gây lo ngại. Đơn cử giá trị hàng tồn kho tương đối lớn, đạt 4.332 tỷ đồng, tương đương 19% tổng tài sản, trong đó tồn kho hàng hoá bất động sản lên tới 1.572 tỷ đồng. Đó là chưa kể chi phí xây dựng cơ bản dở dang đã tăng thêm 34% trong năm 2024, lên 1.373 tỷ đồng, tương đương 6% tổng tài sản (tập trung ở các dự án: khu resort Thọ Xuân – Thanh Hoá, khu đô thị Bình Long…)
Sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản, nhất là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam – nơi phần nhiều dự án của ASM toạ lạc, là nguyên nhân làm doanh thu bất động sản của công ty rất thấp trong năm qua và khiến triển vọng năm 2025 cũng trở nên khá mờ mịt. Trong bối cảnh mảng cá, thương mại xập xình, việc mảng bất động sản không có sự đột phá sẽ khiến tham vọng tăng trưởng mạnh của ASM đối diện nhiều thách thức, không chỉ trong riêng năm 2025.
Nhìn lại năm khốn khó của DIG: Lãi thấp nhất 8 năm, dòng tiền kinh doanh âm hơn 2 nghìn tỷ
- Đứng trên ‘đôi chân đất sét’, HBC có thể tăng trưởng năm 2025? 10/02/2025 07:30
- ‘Mộng Nam Kha’ của Địa ốc Hoàng Quân 07/02/2025 03:42
- Năm 2024 của BGI Group: Lãi mỏng dẹt, tiếp tục âm dòng tiền kinh doanh 07/02/2025 01:51
Nhà máy thiết bị điện bị phạt vì không có giấy phép môi trường
(VNF) - UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với nhà máy sản thiết bị điện số tiền 320 triệu đồng.
Nhà máy thiết bị điện bị phạt vì không có giấy phép môi trường
(VNF) - UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với nhà máy sản thiết bị điện số tiền 320 triệu đồng.
Soi tiến độ Trung tâm thương mại Văn Phú Seoul sau hơn 10 năm chờ đợi
(VNF) - Dự án Xây dựng Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê Văn Phú Seoul do Công ty TNHH Seoul Việt Nam đầu tư được cấp phép từ 2008 và gần đây mới khởi động xây dựng.