Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu: Giảm chỉ định thầu, hạn chế ‘xin-cho’

Kỳ Thư - 23/06/2023 11:48 (GMT+7)

(VNF) - Để giảm tình trạng “xin - cho”, trong chỉ định thầu, Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua đã giảm một số hình thức chỉ định thầu.

VNF
Ngày 23/6, Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Sáng nay, 23/6, với 460/474 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (bằng 93,12% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi). Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 10 chương, 96 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

"Bỏ quy định lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt"

Trước khi ĐBQH ấn nút thông qua, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đã có nhiều nội dung sau khi có ý kiến của ĐBQH được nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý.

Theo đó, về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, một số ý kiến ĐBQH đề nghị không quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, trong khi Chính phủ cho rằng, việc áp dụng cơ chế đặc biệt để lựa chọn nhà đầu tư là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa thể lường trước được trong tương lai, đồng thời phải bảo đảm bảo vệ bí mật nhà nước.

Do đó, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 có quy định về “lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt” tại khoản 3 Điều 34.

Qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Luật Đất đai hiện hành và dự thảo Luật Đất đai đang sửa đổi không quy định việc đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư áp dụng đối với các dự án đầu tư có liên quan đến an ninh, quốc phòng. Vì vậy, việc quy định về nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tại dự thảo Luật Đấu thầu là chưa thống nhất với dự thảo của Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật hiện còn nhiều yếu tố không bảo đảm tính minh bạch, chưa rõ ràng về quy trình, thủ tục, tiềm ẩn nguy cơ có thể bị lợi dụng chính sách, đặc biệt đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất để kinh doanh thương mại; hơn nữa, cho đến nay chưa có tiền lệ áp dụng cơ chế này.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, bỏ quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tại khoản 3 Điều 34 của dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Không mở rộng phạm vi chỉ định thầu

Một nội dung khác cũng được Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội giải trình là về phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội 2 phương án quy định trong luật về nội dung này. Trong đó, phương án 1, giữ như phương án Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, theo đó, quy định đối tượng áp dụng chỉ bao gồm dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Phương án 2, quy định đối tượng áp dụng bao gồm dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước.

Qua tổng hợp ý kiến ĐBQH, một số ý kiến đề nghị chọn phương án 2 để không thu hẹp quá mức đối tượng đấu thầu, quản lý chặt chẽ vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối. Trong khi đó, một số ý kiến đề nghị chọn phương án 1 để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu theo hướng nhằm đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quyền tự chủ của doanh nghiệp, không thu hẹp hoặc mở rộng đối tượng quá mức; một mặt, bảo đảm việc đấu thầu mang lại lợi ích kinh tế cho bên mời thầu, mặt khác, bảo đảm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, công khai, minh bạch.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phương án chỉnh lý: phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu bao gồm các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như thể hiện tại điểm a khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật.

Về hình thức chỉ định thầu, trước yêu cầu tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ hơn các trường hợp và thẩm quyền quyết định các trường hợp chỉ định thầu để đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu; bên cạnh đó, rà soát, bổ sung Điều 23 của dự thảo Luật chỉnh lý, luật hóa một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã được quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Có ý kiến cho rằng, việc chỉ định thầu nên mở rộng thêm ngoài những trường hợp như trong quy định, đề nghị thực hiện phương pháp chỉ định thầu giảm giá vì có những trường hợp mang lại hiệu quả cao hơn…

UBTVQH cho biết, ý nghĩa của hoạt động đấu thầu trong những năm qua một mặt mang lại lợi ích cho bên mời thầu, nhằm lựa chọn nhà thầu cạnh tranh về giá cả, chất lượng tốt; mặt khác, việc đấu thầu nhằm đảm bảo tính công khai, tính minh bạch, mang lại môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh.

Nếu tăng cường áp dụng chỉ định thầu thì trong một số trường hợp có thể dẫn đến tình trạng “xin - cho”, làm giảm tính cạnh tranh do nhà thầu không thân quen với chủ đầu tư sẽ không có cơ hội được tham dự thầu, doanh nghiệp nhỏ sẽ khó có cơ hội cạnh tranh.

Ngoài ra, hiện nay đấu thầu qua mạng đang được đẩy mạnh với thủ tục đơn giản, tiết kiệm thời gian nên việc mở rộng chỉ định thầu là không cần thiết. Vì vậy, không mở rộng thêm các trường hợp chỉ định thầu.

Cùng chuyên mục
Tin khác