Resco kinh doanh ra sao trước khi 8 cựu lãnh đạo bị đề nghị truy tố?

Khổng Chiêm - 09/01/2024 10:43 (GMT+7)

Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) "sống khỏe" nhờ khoản cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty liên doanh, liên kết. Các dự án Saigon Centre và Sheraton Saigon đem lại nguồn thu lớn cho công ty.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Tín Trung, 68 tuổi, cựu Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ngoài ông Trung, 7 người khác nguyên là lãnh đạo của Resco cũng bị đề nghị truy tố cùng tội danh.

Theo cơ quan điều tra, Resco đã chuyển nhượng 2 mặt bằng tại số 299/18 Lý Thường Kiệt và 682 Hồng Bàng, quận 11 mà không qua đấu giá, không đúng với chỉ đạo của UBND TP HCM, dẫn đến thất thoát gần 4 tỷ đồng tại thời điểm chuyển nhượng.

Làm nhiều dự án, lợi nhuận phần lớn đến từ doanh thu tài chính

Resco là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được UBND TPHCM thành lập năm 1997, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng dự án, nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, chương trình giải tỏa kênh rạch, chung cư, nhà ở công nhân... Năm 2010, tổng công ty chuyển thành công ty TNHH một thành viên. Vốn điều lệ hiện tại là hơn 3.203 tỷ đồng.

Theo giới thiệu trên website từ năm 2016, Resco đã đầu tư xây dựng trên 50 dự án nhà ở, khu đô thị mới với hơn 12.000 căn nhà, hơn 10 dự án cao ốc văn phòng. Hầu hết dự án có vị trí tại TPHCM.

Doanh nghiệp này cũng tiên phong trong việc xây dựng các dự án tái định cư, nhà ở xã hội, chương trình giải tỏa kênh rạch, xây dựng lại các chung cư sắp sập, nhà ở công nhân khu công nghiệp, ký túc xá sinh viên...

Một số công trình tiêu biểu là chung cư Tân Mỹ quận 7; chung cư 109 Nguyễn Biểu quận 5; chung cư Bùi Minh Trực, chung cư 481 Bến Ba Đình, quận 8; Chung cư Tô Hiến Thành, chung cư Nguyễn Kim, quận 10; Khu lưu trú công nhân Tân Nhựt, huyện Bình Chánh; chung cư 26 Nguyễn Thượng Hiền, quận Gò Vấp...

Khu lưu trú công nhân Tân Nhựt - dự án do Resco đầu tư (Ảnh: Resco).

Ngoài mảng nhà ở, Resco còn xây dựng các cao ốc văn phòng. Tính đến nay, doanh nghiệp có 3 tòa nhà văn phòng tại số 257 Điện Biên Phủ, 123 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 và 94-96 Nguyễn Du, quận 1.

Tại ngày 31/12/2022, Resco không có nợ vay ngân hàng. Hàng tồn kho hơn 1.603 tỷ đồng, chiếm 48% tài sản ngắn hạn, ghi nhận tại một số dự án như chung cư Nguyễn Kim B (quận 10), cụm chung cư An Hội (quận Gò Vấp), khu lưu trú công nhân - khu B (huyện Bình Chánh). Công ty chỉ có hơn 3 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn (khách hàng đặt cọc mua sản phẩm dự án).

Cũng tại ngày này, Resco có đầu tư vào 5 công ty con và hàng loạt công ty liên doanh, liên kết với giá gốc lần lượt gần 487 tỷ đồng và 1.281 tỷ đồng.

Một số khoản đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh giá trị lớn như Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC, 672 tỷ đồng, tỷ lệ 30%), Công ty Keppel Land Watco (348 tỷ đồng, tỷ lệ 16%). Trong đó, HDTC từng do ông Đinh Trường Chinh làm Chủ tịch HĐQT, vừa bị khởi tố về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, liên quan dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh, TP Thủ Đức, TPHCM.

"Sống khỏe" nhờ 2 dự án liên doanh đình đám: Saigon Centre và Sheraton Saigon

Gần nhất, Resco công bố thông tin tài chính vào năm 2022. Theo báo cáo, công ty mẹ Resco đạt doanh thu 119 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 134,6 tỷ đồng. Trong khi doanh thu giảm 27% thì lợi nhuận lại tăng 24% so với năm trước.

Lợi nhuận cao hơn doanh thu do công ty ghi nhận doanh thu tài chính gần 134 tỷ đồng, đến từ cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty con, công ty liên doanh liên kết và lãi tiền gửi, lãi cho vay. Phần doanh thu tài chính này thường chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn thu của Resco, đóng góp vào lợi nhuận các năm.

Resco liên doanh với nhiều doanh nghiệp nước ngoài để thực hiện dự án và thu về lượng tiền đều đặn qua các năm.

Đáng chú ý, liên doanh Keppel Land Watco do Resco liên doanh cùng đối tác nước ngoài là Keppel Land (Singapore) thực hiện dự án trung tâm thương mại và văn phòng Saigon Centre tại số 65 Lê Lợi, quận 1. Tỷ lệ góp vốn của Resco tại liên doanh này là 16%.

Dự án cao ốc Saigon Centre tọa lạc ở vị trí 3 mặt tiền đường trung tâm quận 1, gồm đường Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Pasteur. Được phát triển theo nhiều giai đoạn, dự án này có diện tích khoảng 2ha, gần metro Bến Thành, Nhà hát Lớn, chợ Bến Thành…

Từ năm 2020 đến 2022, Resco nhận tổng cộng hơn 164 tỷ đồng cổ tức từ liên doanh vận hành dự án này. Riêng trong năm 2022, liên doanh này đem lại cổ tức 68 tỷ đồng cho Resco, chiếm 65% thu nhập cổ tức từ các công ty liên doanh, liên kết. Khoản cổ tức này thậm chí còn đóng góp 50% lợi nhuận cả năm của Resco.

Resco nhận cổ tức, lợi nhuận được chia từ 2 liên doanh sở hữu 2 dự án đình đám tại TPHCM
(Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính công ty mẹ các năm).

Resco còn sở hữu 30% vốn trong Công ty Liên doanh Đại Dương, đơn vị vận hành dự án khách sạn Sheraton Saigon. Đối tác của Resco trong dự án này là Keck Seng Investment, Hong Kong.

Trong năm 2018-2019, nguồn thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia từ liên doanh vận hành khách sạn 5 sao này mỗi năm vài trăm tỷ đồng. Giai đoạn 2020-2021, tình hình dịch bệnh kéo dài dẫn đến hoạt động kinh doanh khách sạn bị ảnh hưởng nên Resco không được chia lợi nhuận. Đến năm 2022, doanh nghiệp được nhận cổ tức trở lại với mức 16 tỷ đồng.

Cao ốc Saigon Centre (bên trái) do Resco liên doanh với Keppel Land,
đem lại lợi nhuận đều đặn (Ảnh: Quang Anh)

2 dự án vi phạm

Chung cư Nguyễn Kim - Khu B (được ghi nhận tồn kho lớn trên báo cáo tài chính 2022) và cao ốc văn phòng số 257 Điện Biên Phủ của Resco là 2 dự án đã bị Thanh tra TPHCM chỉ ra sai phạm hồi tháng 7/2023. 

Trong đó, chung cư Nguyễn Kim - Khu B, quận 10 là dự án xây dựng mới chủ yếu để phục vụ tái định cư cho các lô K, L, M, N, O chung cư Nguyễn Kim cũ theo chủ trương chung về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang bị hư hỏng hoặc xuống cấp.

Kết luận thanh tra cho thấy về công tác tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, Resco đã thực hiện hình thức chỉ định thầu đối với 3 gói thầu chưa đúng quy định của Chính phủ. Đó là thi công xây dựng phần móng, hầm và sàn tầng trệt với giá trị 147,7 tỷ đồng; lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán với giá trị 9,8 tỷ đồng; Tư vấn giám sát với giá trị 5,2 tỷ đồng.

Về công tác thẩm định, phê duyệt tổng dự toán công trình, báo cáo thẩm định cho gói thầu tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán, tư vấn giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị còn thiếu một số nội dung tóm tắt quá trình đấu thầu, tổng hợp kết quả thẩm định và chậm thực hiện đăng tải thông tin kết quả lựa chọn nhà thầu.

Đối với công tác quản lý chất lượng, nhật ký thi công các gói thầu xây lắp chưa được chủ đầu tư xác nhận đầy đủ, chưa đánh số trang; thiếu kết quả thí nghiệm độ chặt lớp cát đắp đầu cọc khoan nhồi, thiếu thủ tục nghiệm thu hệ thống cách nhiệt chống cháy cho ống tôn gió.

Ngoài ra, nhật ký thi công chưa có biên bản kiểm tra nhân lực, kiểm tra máy móc, thiết bị phục vụ khảo sát xây dựng của nhà thầu khi đưa vào công trường, nhật ký thi công không có đánh số trang và xác nhận của chủ đầu tư.

Về công tác quản lý tiến độ, dự án khởi công chậm so với kế hoạch khoảng 2 năm. Các gói thầu thi công công trình đều chậm tiến độ so với hợp đồng thi công và dự án chậm tiến độ hoàn thành so với kế hoạch 3 năm.

Chung cư Nguyễn Kim - Khu B của Resco dính sai phạm (Ảnh: An Phong).

Còn dự án cao ốc văn phòng 257 Điện Biên Phủ, quận 3 được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2006. Nhưng đến thời điểm thanh tra vào tháng 1/2021 (16 năm), dự án vẫn chưa được hoàn thành đưa vào khai thác.

Tất cả gói thầu thi công đều chậm tiến độ, đến thời điểm thanh tra vẫn còn đang thực hiện các gói thầu hoàn thiện trong và ngoài công trình.

Về huy động vốn của dự án, khu đất tại số 257 Điện Biên Phủ là đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê hàng năm. Tuy nhiên, Resco kêu gọi đầu tư, góp vốn hợp tác thực hiện dự án trên đất khi chưa xin ý kiến chấp thuận của UBND TPHCM trước khi thực hiện.

Thanh tra TPHCM còn xác định khu đất này do Nhà nước cho thuê nên giá trị thương quyền của khu đất thuộc về Nhà nước. Resco phải nộp lại số tiền 45 tỷ đồng này vào ngân sách Nhà nước.

Trách nhiệm các hạn chế, thiếu sót của cả 2 dự án trên thuộc hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của Resco và các tổ chức, cá nhân có liên quan thời kỳ phát sinh vụ việc.

Theo Dân trí
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.