Rút bảo hiểm xã hội một lần: 'Chỉ được 50% là không hợp lý'

Anh Hùng - 23/11/2023 12:09 (GMT+7)

(VNF) - Về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy của họ trước đó là không hợp lý vì số tiền người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng là tiền của người lao động.

VNF
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang).

Tranh luận về vấn đề bảo hiểm xã hội một lần, đối với 2 phương án đưa ra trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) cho rằng nếu chọn phương án một thì sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau khi luật có hiệu lực.

"Chúng ta đều biết một trong những lý do chính khiến người lao động giúp bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế để lo cho cuộc sống trước mắt", đại biểu nói.

Theo đại biểu Cầm, quy định như phương án một dễ dẫn tới nguy cơ sẽ không động viên được người lao động trẻ, người lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội khi tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn rất thấp.

"Việc rút bảo hiểm xã hội một lần trong nhiều trường hợp là nguồn tài chính vô cùng cần thiết để người lao động duy trì, bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt của họ. Như vậy, vô hình trung sẽ không tạo động lực để người lao động trẻ, lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội không thực hiện được nguyên tắc công bằng, bình đẳng của bảo hiểm xã hội", đại biểu nhấn mạnh.

Trong khi đó, đối với phương án 2, người lao động vẫn có thể rút bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay, tuy nhiên đại biểu Cầm cho rằng mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy của họ trước đó là không hợp lý vì số tiền người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng là tiền của người lao động.

Bên cạnh đó, việc chỉ được rút 50% chưa phải là một phương án tốt hỗ trợ cho người lao động khi họ đang phải đương đầu với những khó khăn ngay trước mắt của cuộc sống.

"Phương án này cũng sẽ tạo ra sự khác biệt khá lớn về số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần của những người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước và sau khi Luật sửa đổi có hiệu lực. Chính sách cũng không thực hiện được mục tiêu xây dựng luật là mở rộng ra tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội", đại biểu Cầm nêu.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm kiến nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của người lao động.

Về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu ủng hộ phương án người lao động vẫn được rút bảo hiểm xã hội một lần và được rút một cách thỏa đáng nhất có thể. Ngoài ra, cần có các hình thức hỗ trợ song song như tín dụng, vốn vay ưu đãi cho người lao động kèm theo công tác vận động, truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi, giúp mọi người nhận diện được lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội, từ đó tự nguyện cam kết thực hiện.

Liên quan đến nội dung về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) cho rằng, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết 93 năm 2015 để cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu BHXH một lần. Đại biểu bày tỏ băn khoăn là tại sao một chính sách nhân văn như vậy nhưng lại không được người lao động đồng tình.

Vì vậy, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần tiếp tục làm rõ, nó có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về mối quan hệ giữa lý luận khoa học pháp lý với tính thực tiễn về sự phù hợp giữa các quy định của pháp luật với thực tiễn cuộc sống.

Đối với 2 phương án đưa ra, đại biểu người lao động không đồng tình nếu áp dụng phương án 1. Trong khi ơ phương án 2 thì cho phép người lao động được giải quyết một phần nhưng lại không có 50% tổng số thời gian đóng.

Do đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng BHXH khi họ không còn điều kiện tham gia BHXH nữa. Đồng thời nên quy định theo hướng là người lao động được lựa chọn hưởng BHXH một lần và khi đó người lao động chỉ được rút phần mình đã đóng, còn phần mà người sử dụng lao động đóng thì được Nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc hưởng khi họ hết độ tuổi lao động.

Bày tỏ thống nhất với phương án đại biểu Tô Văn Tám đề xuất, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng người lao động có quyền rút bảo hiểm xã hội một lần. "Điều cốt lõi là giữ chân người lao động trong hệ thống bảo hiểm xã hội, cần co quy định để người lao động giữ sổ bảo hiểm để khi nghỉ hưu người lao động có lương hưu. Do đó, cần nghiên cứu quy định để áp dụng phù hợp với tình hình điều kiện đất nước", đại biểu nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác