Sai phạm nghiêm trọng vẫn được luân chuyển, bổ nhiệm lên chức cao hơn

Phong Cầm - 15/06/2016 09:30 (GMT+7)

Tháng 8 năm 2014, Tiền Phong đăng tải loạt bài điều tra phản ánh tình trạng gian lận thi tuyển công chức tại Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương. Dù các Bộ liên quan (Công an, Nội Vụ) đã chỉ rõ các sai phạm đối với lãnh đạo Cục QLTT trong việc để xảy ra sai phạm, nhưng lãnh đạo Bộ Công Thương vẫn cố tình bổ nhiệm lãnh đạo vi phạm làm Cục trưởng.

Trúng tuyển là con cháu trong ngành

Qua loạt bài điều tra của Tiền Phong đã chỉ rõ, người tham gia kỳ thi tuyển công chức tại Cục QLTT biết trước đề thi, người trúng tuyển chủ yếu là con, cháu lãnh đạo ngành Công Thương. Theo bản danh sách thí sinh trúng tuyển (trong kỳ thi tuyển công chức Cục QLTT công bố kèm theo công văn số 21 của Cục QLTT ngày 24/12/2013) có 10 người trúng tuyển.

Cụ thể gồm: Nguyễn Ngọc Hà, Chung Phương Anh, Hà Thị Doánh, Nguyễn Ngọc Tâm, Trương Thị Thu Phương, Đào Ngọc Thắng, Lưu Bách Trường, Phạm Mai Phương, Đỗ Mạnh Quân, Mai Thị Thuấn. Tuy nhiên, sau khi bản danh sách này được công bố, lập tức, nhiều đơn thư gửi tới Bộ Công Thương tố cáo việc lộ đề thi. 

Tại thời điểm tháng 8/2014, qua điều tra, PV Tiền Phong phát hiện trong 10 thí sinh trúng tuyển có nhiều người là con, cháu của lãnh đạo ngành Công Thương. Cụ thể, thí sinh Đỗ Mạnh Quân, sinh ngày 30/4/1989, có số điểm 351 (vị trí trúng tuyển: Phòng Tuyên truyền và Quan hệ đối ngoại) là cháu của ông Đỗ Thanh Lam, Phó bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Cục QLTT. Thí sinh Đào Ngọc Thắng, sinh ngày 7/10/1989, có số điểm 310 (vị trí trúng tuyển: Phòng Chống buôn lậu) là cháu của ông Đào Minh Hải, nguyên Cục phó QLTT, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công Thương; thí sinh Lưu Bách Trường, sinh ngày 26/5/1990, có số điểm 327 (vị trí trúng tuyển: Phòng Chống hàng giả) là con của ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2 (Chi cục QLTT Hà Nội)...

Đáng ra phải khởi tố vụ án

Ngày 14/6, trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên một lãnh đạo Cục QLTT cho biết, ông Trương Quang Hoài Nam trước khi được luân chuyển vào làm Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ là Cục trưởng QLTT, là Chủ tịch Hội đồng thi tuyển công chức. "Sai phạm của ông Nam là nặng nhất. Bộ Công an đã điều tra chỉ rõ; Bộ Nội vụ có kết luận thanh tra rõ ràng. "Nhưng không hiểu được bưng bít kiểu gì, ông Nam vẫn được luân chuyển vào Cần Thơ làm Phó chủ tịch Thành phố", vị này nói. 

Cũng theo vị này, người sai phạm tiếp theo là ông Trịnh Văn Ngọc (hiện đang là Cục trưởng QLTT). Tại thời điểm lộ ra nhiều sai phạm trong thi tuyển công chức, ông Ngọc là Phó Cục trưởng kiêm Phó chủ tịch Hội đồng thi tuyển công chức. "Cũng như ông Nam, sai phạm của ông Ngọc đã quá rõ ràng nhưng lãnh đạo Bộ Công Thương không những không xử lý, còn cho Phụ trách Cục QLTT một thời gian rồi bổ nhiệm lên làm Cục trưởng", vị này nói. 

Chiều 14/6, trao đổi với PV Tiền Phong, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (người từng chất vấn nguyên Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng về những sai phạm trong việc thi tuyển công chức tại Bộ Công Thương) cho biết, nhắc đến sai phạm ở Cục QLTT, phải khẳng định là sai phạm rất rõ ràng. Lẽ ra vụ việc này phải được khởi tố. Điều đến giờ tôi vẫn còn thắc mắc là vì sao cơ quan điều tra không khởi tố vụ án mà lại chuyển sang xử lý hành chính đối với cán bộ, công chức sai phạm. "Theo tôi hiểu ở đây có một sự nương nhẹ. Đến lúc tôi kiến nghị với Bộ Nội vụ, Thanh tra Bộ Nội vụ vào cuộc, họ kết luận sai phạm, yêu cầu huỷ toàn bộ kết quả thi công chức tại Cục QLTT", ông Cương nói. 

Theo ông Cương, sau đó, Bộ Công Thương có tổ chức thi tuyển lại, nhưng thực ra cũng chỉ để hợp lý hoá kỳ thi công chức sai phạm trước đó, nhằm tránh bị thí sinh kiện tụng. Ông Cương cho rằng, những người chịu trách nhiệm chính của kỳ thi đó, đầu tiên phải kể đến là ông Trương Quang Hoài Nam; sau đó mới đến các Phó Cục trưởng cùng các Trưởng phòng ở Cục QLTT là thành viên tham gia trong Hội đồng thi tuyển công chức. 

Điều khiến ông Cương cảm thấy kỳ lạ là sai phạm đã rõ, nhưng người sai phậm vẫn lên chức, vẫn luân chuyển đến những vị trí cao hơn, tốt hơn. "Lẽ ra trong vụ việc sai phạm thi tuyển công chức tại Bộ Công Thương, nếu làm đến cùng phải xem lại tư cách đạo đức của ông Trương Quang Hoài Nam. Đây là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Đồng thời phải xem xét lại việc luân chuyển của ông Nam cũng như việc cất nhắc ông Trịnh Văn Ngọc lên làm Cục trưởng", ông Cương nói.

Cũng theo ông Cương, với ông Trịnh Văn Ngọc, vi phạm cũng đã quá rõ ràng, nhưng không hiểu sao Bộ Công Thương vẫn cho phụ trách Cục QLTT rồi cho lên làm Cục trưởng. 

Điều động kiểu "túm tóc lôi lên"

Xung quanh việc điều động con trai Nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, có thể vì biết Nguyễn Quang Hải là con trai của ông Hoàng, nhưng cả một tập thể Ban cán sự lãnh đạo Bộ Công Thương cũng không có một sự đấu tranh nào trong chuyện này. "Tại sao lại có sự đồng thuận ở đây? Đây chính là trường hợp mà dân gian người ta thường gọi là "túm tóc lôi lên". Tức là vừa mới chấp chững ra trường, đưa ngay về vị trí lãnh đạo doanh nghiệp. Làm một vài năm, doanh nghiệp thua lỗ nghiêm trọng lại tìm đường chạy. Chạy xong lại nhảy về công chức. Về công chức túm tóc ngồi lên vị trí lãnh đạo cấp vụ ngay. Cấp vụ chán, một thời gian sau, thấy chỗ nào trống mà hay hơn lại bắt đầu đưa đi", ông Cương nói.

Đồng quan điểm với Đại biểu Quốc Hội Nguyễn Sỹ Cương, một chuyên gia (xin giấu tên) cho biết, thực tế, quy định hiện hành cho phép sự chuyển đổi giữa các đối tượng làm việc ở doanh nghiệp được về làm công chức nhà nước. "Việc chuyển đổi là đòi hỏi từ thực tế cuộc sống, nhưng bấy lâu nay, cứ như có sự tráo đổi chẳng biết thế nào mà lần. Ở doanh nghiệp chán rồi, lại bắt đầu nhảy về quản lý nhà nước và ngược lại", vị chuyên gia nói. 

Cũng theo vị chuyên gia này, quản lý doanh nghiệp và làm công chức nhà nước là hai lĩnh vực khác nhau. Anh quản lý doanh nghiệp cụ thể, buôn bán kinh doanh là chuyện khác; còn anh làm quản lý nhà nước là phải làm nhiệm vụ tham mưu về mặt vĩ mô, xây dựng cơ chế, chính sách trong lĩnh vực mình quản lý. "Tôi cảm thấy bấy lâu này việc luân chuyển này quá dễ dàng. Đang lãnh đạo doanh nghiệp, bập cái về làm lãnh đạo của cơ quan hành chính nhà nước. Nghĩa là nó lộn tùng phèo", vị chuyên gia nói. 

"Lẽ ra trong vụ việc sai phạm thi tuyển công chức tại Bộ Công Thương, nếu làm đến cùng phải xem lại tư cách đạo đức của ông Trương Quang Hoài Nam. Đây là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Ngoài ra, phải xem xét lại việc luân chuyển đối với ông Nam cũng như việc cất nhắc ông Trịnh Văn Ngọc lên làm Cục trưởng QLTT".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương

 

Theo Tiền Phong
Cùng chuyên mục
Tin khác