Sáp nhập Bộ NN và PTNT với Bộ TN và MT: Cắt giảm 50% cục, vụ
Tiểu Vy -
11/12/2024 14:30 (GMT+7)
(VNF) - Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường hợp nhất, Bộ mới sẽ giảm 25 cục, vụ, đầu mối so với tổng số 55 đầu mối hiện có.
Ngay sau cuộc họp của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 9/12 về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Tài nguyên và Môi Trường (TN&MT), hai Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất 2 Bộ.
Phương án hợp nhất 2 Bộ
Ban chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất đã họp phiên thứ nhất trong ngày 9/12 để chỉ đạo, tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức hiện tại của hai Bộ.
Về phía Bộ TN&MT, hiện có 7 đơn vị tham mưu tổng hợp; 15 đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành; 2 tổ chức phối hợp liên ngành; 15 đơn vị sự nghiệp trực thuộc; 4 doanh nghiệp trực thuộc.
Về phía Bộ NN&PTNT, hiện có 8 đơn vị tham mưu tổng hợp; 13 đơn vị quản lý nhà nước liên ngành; 64 đơn vị sự nghiệp trực thuộc; 6 tổ chức đặc thù.
Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất của hai Bộ đã thống nhất một số công việc sau:
Về tên gọi sau khi hợp nhất: Theo Kế hoạch số 141 ngày 6/12/2024 định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, tên Bộ sau khi hợp nhất là: Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.
Tuy nhiên, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo đã thống nhất với đề nghị của Bộ NN&PTNT, đề xuất bổ sung thêm cụm từ: "Nông thôn" vào sau tên gọi của Bộ sau khi hợp nhất, cụ thể là: "Bộ Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường".
Sắp xếp lại bộ máy trước khi sáp nhập
Cũng ngay trong ngày 9/10, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì phiên họp về việc đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ NN&PTNT.
Về công tác quản lý công chức, viên chức: Bộ NN&PTNT quyết định tạm dừng việc tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức; bổ nhiệm, cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ cao hơn hoặc cho chủ trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ kể từ ngày 01/12 đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của Bộ.
Về định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy: Bộ NN&PTNT kết thúc hoạt động Ban cán sự đảng, lập Đảng bộ Bộ NN&PTNT theo yêu cầu và kế hoạch của Bộ Chính trị.
Đối với các tổ chức hành chính, tiếp tục duy trì 02 Cục: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.
6 đơn vị tham mưu tổng hợp, sẽ hợp nhất với các đơn vị tương ứng của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), bao gồm: Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ.
Ngoài ra, đơn vị tiến hành hợp nhất Vụ Kế hoạch và Vụ Tài chính, sau đó sẽ hợp nhất với Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ TN&MT).
Hợp nhất Cục Thủy lợi và Cục Quản lý Xây dựng công trình thành Cục Quản lý và Xây dựng công trình Thuỷ lợi. Hợp nhất Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật thành Cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật. Hợp nhất Cục Chăn nuôi và Cục Thú y thành Cục Chăn nuôi - Thú y. Hợp nhất Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm thành Cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm. Hợp nhất Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư và Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thành Cục Thủy sản - Kiểm ngư.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Bộ, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương án, sắp xếp, tô chức lại trong quá trình hợp nhất để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo đó, Ban Chỉ đạo của Bộ NN&PTNT giao các đơn vị không thuộc diện sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại: chủ động rà soát, xây dựng Đề án sắp xếp, cơ cấu lại và giảm tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ. Dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị, hoàn thành trước ngày 15/12/2024.
Bộ giao các đơn vị thuộc diện sắp xếp, sáp nhập, tổ chức, sắp xếp, cơ cấu lại, giảm mạnh tổ chức bên trong; phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng Đề án hợp nhất với các đơn vị có chức năng tương ứng. Thời hạn hoàn thành các Đề án theo phương án hợp nhất trước ngày 13/12/2024.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.