Ngân hàng

Sau 5 tháng, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại phát hành tín phiếu

(VNF) - "Đây có thể là dấu hiệu cho sự khởi đầu của giai đoạn hút tiền sau hơn 4 tháng liền bơm VND ra thị trường, nhưng cũng có thể là thông điệp về chính sách ngắn hạn của NHNN là muốn duy trì lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng ở mức tối thiểu 3%/năm", công ty chứng khoán SSI nhận định.

Sau 5 tháng, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại phát hành tín phiếu

Sau 5 tháng, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại phát hành tín phiếu

Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu trở lại

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 11/3 đến 15/3 vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quay trở lại phát hành tín phiếu sau gần 5 tháng không phát hành và hơn 2 tháng duy trì số dư tín phiếu bằng 0.

Cụ thể, NHNN đã hút 17.000 tỷ đồng thông qua phát hành tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3%/năm và hút ròng 6.374 tỷ đồng thông qua OMO, số dư OMO đang lưu hành giảm xuống chỉ còn 7.587 tỷ đồng.

Tính chung lại, NHNN đã hút ròng 23.374 tỷ đồng và lượng tín phiếu lưu hành đã vượt trên lượng OMO lưu hành.

"Đây có thể là dấu hiệu cho sự khởi đầu của giai đoạn hút tiền sau hơn 4 tháng liền bơm VND ra thị trường, nhưng cũng có thể là thông điệp về chính sách ngắn hạn của NHNN là muốn duy trì lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng ở mức tối thiểu 3%/năm", SSI nhận định.

Thực tế, dù NHNN đã liên tục hút ròng tới 162.000 tỷ đồng trong 5 tuần gần đây nhưng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn giảm không ngừng, đặc biệt là trong tuần vừa qua. Lãi suất kỳ hạn qua đêm hiện ở mức 3,3%/năm, 1 tuần ở mức 3,4% - giảm 0,68 điểm% và 0,65 điểm% so với cuối tuần trước.

SSI cho rằng, lãi suất giảm một phần do các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục bán một lượng USD khá lớn về NHNN trong tuần vừa qua.

Trên thị trường 1, lãi suất được duy trì ổn định ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, 5,5-7,5% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.

Theo SSI, nhu cầu huy động kỳ hạn dài sẽ giữ lãi suất huy động ở mức cao, ít nhất là cho đến hết tháng 3 và chỉ có khả năng giảm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng do tác động từ mặt bằng lãi suất thấp trên liên ngân hàng.

Trái phiếu Chính phủ 10 năm và 15 năm 'đắt khách'

Trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã gọi thầu 7.500 tỷ đồng với 4 kỳ hạn 7,10,15 và 30 năm. Tỷ lệ đăng ký và trúng thầu trên tổng khối lượng gọi thầu lần lượt là 211% và 67%, tiếp tục giảm so với các tuần trước đó.

Hai kỳ hạn 10 năm và 15 năm vẫn được gọi thầu nhiều và cũng là 2 kỳ hạn phát hành thành công với lãi suất trúng thầu lần lượt là 4,72% và 5,05%, tăng 0,02 điểm% và 0,03 điểm% so với tuần trước.

Từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng phát hành của 2 kỳ hạn này là 30.400 tỷ đồng và 26.455 tỷ đồng, vượt 1,3% và 1,8% kế hoạch quý 1/2019 và tương đương 43,4% và 34% kế hoạch năm 2019.

Kỳ hạn 7 năm và 30 năm phát hành không thành công do khoảng lãi suất kỳ vọng đã tăng khá nhiều, mức lãi suất đặt thầu thấp nhất của kỳ hạn 30 năm là 6,2%, tăng 0,41 điểm% và kỳ hạn 7 năm là 4,1%, tăng 0,05 điểm% so với phiên đấu thầu gần nhất.

Lợi tức trên thị trường thứ cấp tăng 0,09 điểm% ở kỳ hạn 1 năm, 0,01-0,03 điểm% ở kỳ hạn 7-15 năm nhưng giảm 0,01-0,02 điểm% ở kỳ hạn 3-5 năm. Cụ thể, mức lợi tức hiện tại của các kỳ hạn 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm và 15 năm là 2,98%, 3,36%, 3,76%, 4,75% và 5,07%, hiện cao hơn so với lãi suất trúng thầu trên sơ cấp từ 2-6bps.

Thanh khoản thị trường tăng nhẹ với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 43.000 tỷ đồng, tăng 3% so với tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài tăng cường mua vào với giá trị mua ròng đạt 1.185 tỷ đồng, trong đó mua ròng 971 tỷ đồng ở các kỳ hạn 2-5 năm, 171 tỷ ở kỳ hạn 7-10 năm, 103 tỷ ở kỳ hạn 15 năm và bán ròng 61 tỷ đồng ở các kỳ hạn 6 tháng.

Tin mới lên