Sau cú đột kích chấn động châu Âu, DN Trung Quốc lo sợ ‘tiếng gõ cửa’
(VNF) - Các cuộc đột kích vào cơ sở sản xuất của công ty Trung Quốc tại Ba Lan và Hà Lan đã gây ra "làn sóng chấn động khắp châu Âu", khiến ngay cả các luật sư tư vấn cho công ty này cũng "choáng váng".
Cuộc đột kích gây chấn động châu Âu
Vào rạng sáng 23/4, các nhà chức trách của Liên minh châu Âu (EU) đã ập vào văn phòng tại Warsaw (Ba Lan) và Rotterdam (Hà Lan) của Nuctech. Đây là công ty Trung Quốc chuyên sản xuất các hệ thống máy soi quét để kiểm tra hàng hóa, hành lý và hành khách tại các cảng biển, sân bay và các trạm kiểm soát biên giới trên toàn châu Âu.
Trong cuộc đột kích (thường dành cho việc triệt phá các băng đảng), cảnh sát đã thu giữ thiết bị công nghệ thông tin và điện thoại di động ở các văn phòng này.
Theo Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU, các lực lượng chức năng châu Âu đã “xem xét kỹ lưỡng các tài liệu văn phòng và yêu cầu quyền truy cập vào dữ liệu thích hợp”.
Truyền thông địa phương cho hay "các quan chức cạnh tranh” từ Brussels, Ba Lan và Hà Lan đang tìm kiếm bằng chứng về sự hỗ trợ tài chính mà Nuctech có thể đã nhận được từ chính phủ Trung Quốc.
Tại châu Âu, các cuộc đột kích này được xem là rất kịch tính và gây ra làn sóng chấn động khắp lục địa già, khiến ngay cả các luật sư tư vấn cho các công ty này cũng choáng váng.
Họ cho rằng Ủy ban châu Âu (EC) đã chuyển sang một giai đoạn mới trong việc giải quyết vấn đề mà họ coi là một trong những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu, chính là trợ cấp nước ngoài từ Bắc Kinh.
EC cho rằng điều này đang gây ra tình trạng dư thừa công suất công nghiệp, có thể khiến châu Âu tràn ngập hàng Trung Quốc giá rẻ.
Kể từ tháng 7/2023, EU đã sử dụng Quy định trợ cấp nước ngoài (FSR) như một loại vũ khí để giải quyết những bất bình kinh tế với Bắc Kinh.
FSR được thiết kế để loại bỏ tận gốc các khoản trợ cấp “bóp méo thị trường”, bằng cách buộc các thực thể ngoài châu Âu phải minh bạch về những gì họ nhận được từ chính phủ của mình giống như các công ty trong khối, vốn phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt về tiết lộ viện trợ của nhà nước.
Nó có thể được kích hoạt trong quá trình đấu thầu, cũng như hoạt động mua bán và sáp nhập. Hoặc, như với Nuctech, EC có thể quyết định điều tra bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động tại EU mà họ nghi ngờ đã nhận được trợ cấp của nhà nước và đang gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh địa phương.
Mặc dù ủy ban không nêu tên Nuctech trong tuyên bố về “các cuộc thanh tra không báo trước”, nhưng họ nói rằng có “dấu hiệu cho thấy công ty có thể đã nhận được trợ cấp nước ngoài có thể bóp méo thị trường nội địa”.
Nuctech ngày 24/4 cho biết họ đang “hợp tác với Ủy ban châu Âu và cam kết bảo vệ danh tiếng của mình với tư cách là nhà điều hành kinh tế hoàn toàn độc lập và tự chủ”.
Lo sợ "tiếng gõ cửa"
Ông Michel Struys, đối tác của công ty luật Hogan Lovells có trụ sở tại Brussels, cho biết mọi công ty Trung Quốc ở EU nên chuẩn bị tinh thần để "đón nhận tiếng gõ cửa".
Trước Nuctech, các cơ quan quản lý đã theo dõi các công ty con ở châu Âu của "gã khổng lồ" năng lượng mặt trời Longi và Shanghai Electric, cũng như CRRC Corporation Limited, công ty đầu máy toa xe thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc.
Họ cũng yêu cầu "mức độ cởi mở" mà nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chưa sẵn sàng. Chính quyền EU có thể yêu cầu các công ty Trung Quốc hoạt động trong khối giao nộp sổ sách của họ để giám sát pháp lý.
Công ty con tại châu Âu của công ty đường sắt CRRC đã rút khỏi quy trình đấu thầu ở Bulgaria sau khi "chùn bước" trước các yêu cầu của EU.
Có lẽ điều đáng lo ngại nhất đối với các doanh nghiệp Trung Quốc là việc tuân thủ quy định mới của EU có thể khiến họ đi ngược lại các luật khác ở Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với SCMP, ông Fang Dongkui, tổng thư ký Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU, đã đưa ra nhiều lời phàn nàn về Quy định trợ cấp nước ngoài của EU.
Ông Fang cho biết “trong một số trường hợp cụ thể, ủy ban đã yêu cầu thông tin đấu thầu bí mật, bao gồm chi tiết về giá cả, hợp đồng hoặc tài liệu chứa bí mật kinh doanh được cho là có thể liên quan đến trợ cấp”.
Ông nói những hành động này “gây rủi ro cho các công ty Trung Quốc, vi phạm các quy định đấu thầu có liên quan và luật pháp Trung Quốc”.
Mâu thuẫn leo thang
Quy định trợ cấp nước ngoài đã khiến mâu thuẫn trong quan hệ thương mại EU - Trung Quốc vốn đã căng thẳng nay lại tiếp tục leo thang. Brussels có 34 cuộc điều tra thương mại mở chống lại Bắc Kinh, trong khi 2/3 các biện pháp phòng vệ thương mại tích cực (hiện là 184) là chống lại Trung Quốc.
Đối với ông François Chimits, một nhà phân tích về hoạt động kinh tế và thương mại của Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Brussels, đây có thể là công cụ của EU có hiệu quả nhất.
Vì vậy, các yêu cầu của nó rất sâu rộng, nó có thể hoạt động như một “lệnh cấm trên thực tế” đối với những công ty không thể hoặc không sẵn sàng tuân thủ. Ông nói: “Ủy ban có rất nhiều quyền hạn để trục xuất hầu hết mọi công ty Trung Quốc”.
“Hầu hết trong số họ đều nhận được trợ cấp, vì vậy điều này có thể dẫn đến lệnh cấm trên thực tế đối với một số công ty Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định khỏi thị trường chung. Đó là một cách làm hợp lý hơn là một lệnh cấm hoàn toàn. Thay vào đó, nó tạo ra một rào cản gia nhập rất đáng kể", ông François nhận định.
Công ty tại châu Âu bị ‘đột kích lúc bình minh’, Trung Quốc quan ngại sâu sắc
- EU ‘đột kích lúc bình minh’ để điều tra doanh nghiệp Trung Quốc 24/04/2024 11:15
- Huawei ‘hồi sinh’, doanh số iPhone tại Trung Quốc giảm mạnh 24/04/2024 08:58
- Né trừng phạt, tập đoàn niken lớn nhất thế giới dịch chuyển sản xuất sang Trung Quốc 23/04/2024 04:35
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.