EU ‘đột kích lúc bình minh’ để điều tra doanh nghiệp Trung Quốc

Mộc An - 24/04/2024 23:15 (GMT+7)

(VNF) - Sáng 23/4, các nhà chức trách thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đột kích vào cơ sở ở Hà Lan và Ba Lan của một công ty Trung Quốc hoạt động sản xuất và bán thiết bị an ninh ở EU.

Theo thông báo của Uỷ ban châu Âu (EC), cơ quan này đã “phát hiện có dấu hiệu cho thấy công ty được kiểm tra có thể đã nhận được trợ cấp nước ngoài, điều này có thể làm biến dạng thị trường nội địa theo quy định về trợ cấp nước ngoài”.

Thông báo cũng cho biết các nhà chức trách của EU đã “đi cùng với các đối tác từ cơ quan cạnh tranh quốc gia của các quốc gia thành viên nơi các cuộc kiểm tra được thực hiện”.

Các nhà lãnh đạo châu Âu lo lắng về các rào cản tiếp cận thị trường và sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc.

“Việc thanh tra không báo trước là bước điều tra sơ bộ đối với các khoản trợ cấp nước ngoài bị nghi ngờ là bị bóp méo”, EU nêu rõ, đồng thời lưu ý rằng một cuộc điều tra chuyên sâu sẽ là bước tiếp theo.

Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU cho biết chính quyền đã thu giữ thiết bị công nghệ thông tin và điện thoại di động của nhân viên công ty, xem xét kỹ lưỡng các tài liệu văn phòng và yêu cầu quyền truy cập vào dữ liệu thích hợp.

Đơn vị này bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về “các cuộc đột kích vô lý vào rạng sáng” đang được thực hiện.

Căng thẳng leo thang

EU thời gian gần đây đã liên tục sử dụng một công cụ mới, được gọi là Quy định trợ cấp nước ngoài, để điều tra các khoản hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời, tua-bin gió và đầu máy toa xe.

Quy định này đã cho phép EC kể từ tháng 7/2023 đánh giá liệu trợ cấp nước ngoài có cho phép các công ty đưa ra những đề nghị có lợi quá mức trong đấu thầu công hay không.

Mới đây, tại Bulgaria, một nhà sản xuất xe lửa Trung Quốc đã rút khỏi cuộc đấu thầu công khai sau khi bị điều tra về một cuộc đấu thầu mà ủy ban cho rằng đang cạnh tranh với các công ty địa phương. Cuộc điều tra, được công bố vào tháng 2, ghi nhận lần đầu tiên công cụ này được sử dụng.

CRRC Qingdao Sifang Locomotive, một bộ phận của nhà sản xuất đầu máy toa xe thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc CRRC Corporation, đã tham gia gói thầu cung cấp 20 đoàn tàu điện kéo đẩy và bảo trì chúng.

Giá thầu mà công ty này đưa ra được báo cáo là chỉ bằng một nửa so với đối thủ cạnh tranh Tây Ban Nha. Brussels cáo buộc CRRC đã nhận được gần 2 tỷ USD tiền trợ cấp của nhà nước.

Các cuộc điều tra sau đó đã được tiến hành để xem liệu hai công ty có liên kết với Trung Quốc có sử dụng trợ cấp của nhà nước để hạ giá thầu của đối thủ trong một dự án năng lượng mặt trời ở Romania hay không, trong khi Brussels cũng đang xem xét trợ cấp trong lĩnh vực tua-bin gió của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc và các nhà vận động hành lang cho các doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Âu đã phản đối Quy định trợ cấp nước ngoài khi quy định này nhanh chóng trở thành công cụ lựa chọn của EC khi cố gắng giải quyết những bất bình kinh tế với Bắc Kinh.

Theo SCMP
Cùng chuyên mục
Tin khác