Sau một năm kỷ lục, ngân hàng lại chạy đua tăng vốn trong 2024

Minh Dũng - 18/03/2024 23:23 (GMT+7)

(VNF) - Các ngân hàng đua nhau lên kế hoạch trình cổ đông việc tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức, phát hành cổ phiếu mới, thu hút vốn ngoại. Việc tăng vốn là hết sức cần thiết, giúp các nhà băng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong nền kinh tế đầy biến động...

VNF

Nhà băng rầm rộ lên kế hoạch tăng vốn

Hiện tại, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Phương án chia cổ tức, phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ... là những vấn đề được cổ đông các nhà băng mong ngóng.

Nam A Bank sẽ tiến hành ĐHCĐ vào ngày 29/3, trình cổ đông thông qua chỉ tiêu kinh doanh 2024 và kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Ngân hàng này dự định phát hành thêm 264,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 25%, từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước. Theo đó, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 2.654 tỷ đồng sau phát hành. Ngoài ra, Nam A Bank còn có kế hoạch phát hành 50 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2024, Nam A Bank sẽ tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.145 tỷ đồng, lên mức 13.725 tỷ đồng.

LPBank cũng có kế hoạch họp cổ đông vào ngày 27/4 tới. Sau khi tăng vốn điều lệ thêm gần 8.300 tỷ đồng trong năm 2023, nhà băng này tiếp tục có kế hoạch phát hành cổ phiếu năm 2024 để tăng vốn điều lệ từ 20.576 tỷ lên hơn 25.576 tỷ đồng. Với vốn điều lệ đạt hơn 25.500 tỷ đồng, LPBank đang là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 10 hệ thống.

Một nhà băng khác cũng dự kiến trình phương án tăng vốn điều lệ tại ĐHCĐ thường niên là MB. MB có kế hoạch tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trong năm 2023, MB đã tăng vốn điều lệ từ 45.000 tỷ đồng lên hơn 52.100 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nhà băng hiện có vốn điều lệ đứng thứ 5 trong hệ thống, gần bằng với VietinBank (53.700 tỷ đồng).

Liên quan đến kế hoạch tăng vốn, lãnh đạo MB cho biết đã làm xong phát hành riêng lẻ cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Theo phương án đã được thông qua, MB chào bán riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho  Viettel và SCIC. Thời gian hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Sau chào bán, vốn điều lệ của MBB sẽ tăng lên mức 52.871 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng có kế hoạch tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng lên mức 44.666 tỷ đồng, tương ứng với hơn 582 triệu cổ phần phát hành thêm.

Mới đây, tại buổi gặp mặt nhà đầu tư, lãnh đạo Techcombank chia sẻ những mục tiêu đầy tham vọng trong giai đoạn 2021-2025 như đạt mức vốn hóa lên đến 20 tỷ USD, lọt top 10 ngân hàng Đông Nam Á...

Câu chuyện tăng vốn tại các ngân hàng thương mại nhà nước cũng đang là tâm điểm được giới đầu tư và cổ đông quan tâm.

Mới đây, Vietcombank cho biết, sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2022. Trước đó, HĐQT đã phê duyệt phương án này với kế hoạch dùng 21.700 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương án này cần được trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để xin ý kiến và nếu được chấp thuận thực hiện.

Năm 2023, Vietcombank đã phát hành được 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%, nâng tổng vốn điều lệ của ngân hàng này từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng. Nếu được tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm 2022, vốn điều lệ Vietcombank sẽ lên hơn 77.500 tỷ đồng.

Một "ông lớn" ngân hàng Nhà nước khác là VietinBank cũng có kế hoạch tiếp tục tăng vốn điều lệ. Lãnh đạo VietinBank mới đây cho hay đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trên cơ sở đó, VietinBank đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho phép được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Trong khi đó, BIDV lại vừa thông qua việc lùi thời gian thực hiện phương án tăng vốn sang năm 2024 tại ĐHCĐ bất thường mới đây. Theo phương án tăng vốn năm 2023, BIDV dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu, tương đương 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022.
 

Tăng vốn là nhu cầu cấp thiết

Vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số an toàn vốn (CAR) và xếp hạng các tổ chức tín dụng (TCTD). Hệ số CAR được tính theo Thông tư số 41 tiếp cận chuẩn mực quốc tế Basel II, được quy định tối thiểu là 8%.

Theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10-11%, đến năm 2025 đạt tối thiểu 11-12%.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang mỏng vốn, hệ số CAR thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, nhiều nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng khối ngân hàng thương mại tư nhân tiếp tục đặt mục tiêu tỷ lệ CAR cao hơn trước, nhờ sự chủ động trong quản lý vốn và tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn Basel III để xây dựng cơ sở vốn vững chắc và thúc đẩy tăng trưởng cho vay.

Việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng thời gian tới là hết sức cần thiết, giúp ngân hàng phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong nền kinh tế đầy biến động.

Đại diện một ngân hàng thương mại cho biết, mức vốn điều lệ lớn cho phép các ngân hàng tăng quy mô tài sản, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng giới hạn được cấp tín dụng. Vì vậy, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là hết sức cần thiết đối với các nhà băng trong năm 2024.

Fitch Ratings nhìn nhận Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh những năm gần đây, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng vốn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn: "Hệ thống ngân hàng cần bổ sung vốn tới 10,7 tỷ USD (2,9% GDP) để đảm bảo dự phòng rủi ro và duy trì hệ số CAR ở mức 10%".

Theo thống kê, năm 2023 là một năm tăng vốn điều lệ kỷ lục của ngành ngân hàng. Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại (không kể các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh) là hơn 760 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 100 nghìn tỷ so với cuối năm 2022.

Trong số 27 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán, ghi nhận có 20/27 ngân hàng đã tăng vốn. Trong đó, VPBank là ngân hàng có vốn điều lệ tăng mạnh nhất trong năm 2023. Sau khi hoàn tất việc bán 15% vốn cổ phần ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài SMBC, VPBank có nguồn lực tài chính hết sức dồi dào. Theo đó, VPBank đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn từ 67.400 tỷ đồng lên hơn 79.300 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống và bỏ khá xa các ngân hàng Top 2, Top 3.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.