Sau Mỹ, tới lượt công ty Đức cân nhắc ‘nghỉ chơi’ với Huawei

Minh Đăng - 20/05/2019 17:11 (GMT+7)

(VNF) - Hãng tin Nikkei của Nhật Bản mới đây dẫn hai nguồn thạo tin cho biết nhà sản xuất chip của Đức Infineon Technologies đã dừng xuất xưởng sản phẩm của mình cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc.

VNF

Infineon vốn là đối tác cung cấp các bộ vi điều khiển và các mạch tích hợp quản lý năng lượng cho Huawei.

Theo Nikkei, dù doanh số của Infineon với Huawei chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh số hàng năm của họ, khoảng 100 triệu USD mỗi năm hoặc ít hơn, nhưng quyết định của công ty có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho Huawei

Cũng theo nguồn tin của Nikkei: "Infineon sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc họp trong tuần này để thảo luận về tình huống hiện tại và đưa ra các đánh giá mới".

Trước đó, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết một loạt hãng chip Mỹ bao gồm Intel, Qualcomm, Xilin và Broadcom đã thông báo với nhân viên về việc không tiếp tục cung cấp hàng cho Huawei cho tới khi có thông báo tiếp theo.

Tập đoàn công nghệ Google của Mỹ cũng vừa thông báo chấm dứt các quan hệ hợp tác với Huawei.

Theo Reutes, điều này có nghĩa là Google sẽ không chuyển giao phần mềm, phần cứng và hỗ trợ Huawei về mặt công nghệ nữa. Như vậy, có thể hiểu đơn giản Huawei sẽ không còn được Google hỗ trợ cập nhật phần mềm Android trong các mẫu smartphone thời gian tới, mà hãng công nghệ Trung Quốc phải tự mình phát triển.

Các động thái này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông mà Bộ Thương mại coi là rủi ro với an ninh quốc gia.

Bộ thương mại Mỹ ngày 15/5 đã đưa Huawei và khoảng 68 chi nhánh vào danh sách những bên bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ, nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.

Những động thái trên đặt ra thách thức lớn đối với Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất và nhà phân phối smartphone lớn thứ hai thế giới. 

Nikkei dẫn lời một vài luật sư cho biết các công ty nước ngoài sử dụng một lượng nhất định công nghệ Mỹ trong sản phẩm bán cho Huawei cũng phải chịu các hạn chế tương tự. Nếu không tuân thủ điều này, họ sẽ phải chịu các hậu quả pháp lý từ phía Mỹ.

Theo một nguồn tin của Nikkei, động thái này có thể tác động đến các nhà cung cấp quan trọng khác của Huawei tại châu Âu và châu Á, khiến họ đưa ra các quyết định thận trọng tương tự.

Hãng ST Microelectronics, một nhà sản xuất chip quan trọng khác của châu Âu, đang chuẩn bị tổ chức một cuộc họp trong tuần này để thảo luận về khả năng có tiếp tục cung cấp sản phẩm cho Huawei nữa hay không.

Hãng gia công chip quan trọng của Huawei tại châu Á, TSMC cũng có động thái tương tự..

Trong năm 2018, Huawei mua số linh kiện trị giá 70 tỷ USD từ 13.000 nhà cung cấp. Trong đó, khoảng 11 tỷ USD đã được chi cho các doanh nghiệp Mỹ, gồm chip máy tính từ Qualcomm và Broadcom, hệ thống phần mềm của Microsoft, Android của Google...

Các nhà phân tích tại Eurasia Group nhận định rằng việc đưa Huawei vào danh sách đen khiến chính hãng công nghệ này và mạng lưới khách hàng của họ trên toàn thế giới đối mặt rủi ro. Huawei có thể không cập nhật được phần mềm, bảo hành định kỳ hay thay thế phần cứng. Ví dụ, người dùng smartphone của Huawei nhiều khả năng không thể cập nhật hệ điều hành Android trên thiết bị vì hãng dường như chưa có sự thay thế.

Được biết, bản thân Huawei cũng đang tự phát triển hệ điều hành riêng trong trường hợp các tập đoàn Mỹ hợp tác với họ quyết định cắt đứt quan hệ.

Xem thêm >> Sau Google, loạt công ty Mỹ thông báo ‘ngừng giao dịch’ với Huawei

Theo Nikkei
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.