Số phận tài sản Nga đã được EU định đoạt
(VNF) - Sau nhiều tranh cãi, các thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã thống nhất việc sử dụng hàng tỷ euro lợi nhuận từ tài sản bị phong toả của Nga để trang bị vũ khí và hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước.
Chuyển lợi nhuận tài sản bị đóng băng của Nga cho Ukraine
“Các đại sứ EU đã đồng ý về nguyên tắc về các biện pháp liên quan đến nguồn thu bất thường xuất phát từ tài sản cố định của Nga”, Tổng thống Bỉ thông báo trên X (trước đây là Twitter) ngày 8/5.
Đề xuất này nhắm tới số tiền thu được từ 191 tỷ euro (205 tỷ USD) trong các quỹ của Nga hiện đang được giữ tại cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear của Bỉ. Tổng cộng, các quốc gia phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD vốn chủ quyền của Moscow ở nước ngoài sau khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2024.
Theo Giám đốc điều hành Valerie Urbain của Euroclear, cơ quan này đã tạo ra lợi nhuận 2-3 tỷ euro hàng năm từ tài sản của Nga, tùy thuộc vào lãi suất.
Theo các nhà quan sát, việc sử dụng số tiền này sẽ không chỉ trừng phạt Nga mà còn giảm bớt một số gánh nặng cho cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng của Ukraine sau hơn hai năm chiến sự.
Truyền thông châu Âu cho hay các đại sứ của khối đã đồng ý “về nguyên tắc” tiến trình hành động nhưng văn bản pháp lý vẫn phải được Hội đồng EU phê chuẩn.
Theo đề xuất, EU hy vọng sẽ gửi 90% lợi nhuận để mua vũ khí cho Ukraine và 10% cho viện trợ phi quân sự, với đợt đầu tiên dự kiến vào tháng 7.
Được biết Bỉ sẽ tiếp tục đánh thuế doanh nghiệp 25% đối với doanh thu, trong khi Euroclear sẽ giữ 10% trước khi số tiền của Ngân hàng Trung ương Nga được gửi đến EU, nhằm tạo cho cơ quan thanh toán bù trừ một khoản đệm chống lại các vụ kiện tụng đang diễn ra và trong tương lai của Nga.
Giám đốc điều hành của Euroclear trước đó đã ví việc tịch thu các quỹ bị đóng băng của Nga giống như việc “mở hộp Pandora”. Bà cảnh báo điều đó có thể khiến "các nhà đầu tư quốc tế lớn quay lưng lại với châu Âu" vì họ không còn có thể tin tưởng rằng tài sản của chính họ sẽ không bị tịch thu.
Giới chức Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc tịch thu vốn chủ quyền của mình hoặc bất kỳ hành động tương tự nào sẽ không chỉ là “hành vi trộm cắp và vi phạm luật pháp quốc tế” mà còn làm suy yếu niềm tin vào cả tiền tệ phương Tây và hệ thống tài chính toàn cầu.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cảnh báo vào tháng Hai rằng nếu tài sản bị phong tỏa của Nga bị tịch thu, Moscow sẽ trả đũa bằng các động thái tương tự. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nền kinh tế Nga của EU, G7, Australia và Thụy Sĩ ước tính vào khoảng 288 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Tung đòn giáng mới
Thỏa thuận của EU mở ra cơ hội cho một cuộc thảo luận rộng hơn trong G7 về việc sử dụng hàng tỷ tài sản bị đóng băng của Nga, nhưng nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Đức và Pháp, cảnh giác với kế hoạch của Mỹ tiếp quản tài sản vì lo ngại vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong tuần qua, các đại sứ EU đã bắt đầu đàm phán về kế hoạch hạn chế dòng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga qua châu Âu, như một phần của vòng trừng phạt thứ 14 nhằm lên án nỗ lực chiến sự của Nga.
Ủy ban châu Âu (EC) muốn áp đặt các hạn chế đối với việc trung chuyển LNG ở EU để ngăn chặn Nga xuất khẩu khí đốt có lợi nhuận cao sang các nước ngoài EU thông qua các cảng của EU.
EU cũng lên kế hoạch cấm đầu tư, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ mới để xây dựng các trạm LNG của Nga ở Bắc Cực. Tuy nhiên, các đề xuất này không dừng lại ở việc cấm LNG của Nga, vốn không giống như hầu hết khí đốt qua đường ống vẫn tiếp tục được nhập khẩu vào EU.
Các nhà ngoại giao EU hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận về các biện pháp trừng phạt mới nhất trước cuộc bầu cử ở châu Âu và chắc chắn là trước ngày 1/7, khi chính phủ Hungary thân thiện với Nga đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của khối.
Tịch thu tài sản Nga: Mỹ - Anh thúc giục, châu Âu ‘lục đục’
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.