Sông Sài Gòn là trung tâm của quy hoạch TP.HCM thời kỳ mới
(VNF) - Với quy mô dân số dự kiến đến năm 2050 là 14,5 triệu người và đạt 16 triệu người vào năm 2060, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành đô thị toàn cầu.
- Kinh tế sông Sài Gòn: Đâu là điểm đến đầu tư lý tưởng? 03/03/2024 01:47
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (Đồ án quy hoạch) vừa được HĐND TP khóa X thống nhất, TP.HCM dự kiến hình thành và phát triển thành 5 phân vùng gồm: phân vùng đô thị trung tâm, đô thị phía Đông, đô thị phía Bắc - Tây Bắc, đô thị phía Tây và đô thị phía Nam. Đây được xem là sự kết hợp mô hình đô thị đa trung tâm gắn với đa dạng không gian sinh thái, hợp lưu sức mạnh thiên nhiên, nguồn lực về kinh tế, linh hoạt trong phạm vi Vành đai 2, Vành đai 3 và ngoài Vành đai 3.
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho hay, sau hơn 10 năm thực hiện đồ án quy hoạch chung, TP đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Tuy nhiên, quy hoạch chung hiện nay của TP đã bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại.
Đơn cử như khả năng hiện thực hóa quy hoạch sử dụng đất, bao gồm quỹ đất công hoặc khả năng đền bù giải tỏa tạo quỹ đất xây dựng công viên, trường học, không gian công cộng…
Theo ý kiến của một chuyên gia về quy hoạch, bối cảnh phát triển đô thị hiện nay của TP.HCM so với thời điểm hình thành bản quy hoạch chung vào năm 2010 đã có nhiều thay đổi.
Thời điểm 2010, TP phát triển đô thị theo mô hình tập trung đa cực, nguồn lực đầu tư hạ tầng liên kết vùng còn hạn chế nên chưa phát huy được thế mạnh phát triển vùng. Cơ hội phát triển các dự án đột phá tại khu vực ven TP còn hạn hẹp. Bởi vậy, các quận nội thành tập trung phát triển đô thị, trong khi các huyện ngoại thành như: Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ vẫn là mảng xanh và chưa có sự đầu tư phát triển dựa vào thế mạnh của địa phương trong mối quan hệ phát triển vùng. Đồng thời, bên cạnh tiềm năng quỹ đất phát triển mới là nhu cầu khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có, tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hệ thống thoát nước, trường học… chưa được đầu tư tương xứng.
Mặt khác, quy hoạch giao thông cần tính toán để giải bài toán ùn tắc, ngập úng, đặc biệt là tại khu vực cửa ngõ TP. Đồng thời, bố trí các trục giao thông nhanh, đa tầng bằng cách phát triển những tuyến trên cao, trục đi ngầm. Kết nối các trung tâm đô thị và khu vực bằng các tuyến giao thông công cộng quy mô lớn và các tuyến trục giao thông chính đường bộ, đường thuỷ.
Đại diện lãnh đạo UBND TP.HCM cho hay, Đồ án quy hoạch vừa được thống nhất đáp ứng mong muốn của người dân, xây dựng mục tiêu là TP xanh, phát triển bền vững, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ của châu Á. Với quy mô dân số đạt 16 triệu người vào năm 2060, TP sẽ hướng tới là đô thị toàn cầu.
Đồ án quy hoạch lần này quan tâm đến vai trò phát triển khu vực ngoại vi trong mối quan hệ kết nối vùng, tập trung lại các khu có tiềm năng phát triển và đầu tư hạ tầng đồng bộ. Khung phát triển đô thị được định hình rất rõ với việc mở rộng cấu trúc đô thị, hình thành các TP trong TP, cân bằng giữa phát triển và bảo tồn thiên nhiên.
Đáng chú ý, TP.HCM xác định sông Sài Gòn là trung tâm của quy hoạch TP thời kỳ mới, là yếu tố được quan tâm đặc biệt trong việc rà soát quy hoạch chung lần này nên định hướng đầu tư hạ tầng xanh đa chức năng dọc sông Sài Gòn được chú trọng. Điều này góp phần phát triển kinh tế dịch vụ, khôi phục đa dạng sinh học, gia tăng chất lượng môi trường vùng đô thị, tăng cường mảng xanh dọc sông Sài Gòn phục vụ nhu cầu giải trí nghỉ dưỡng của người dân thành phố và vùng thành phố, khai thác hiệu quả và bền vững giá trị hành lang sông.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP nhận định, cần có những cơ chế chính sách, cách làm để quy hoạch thực sự khả thi bởi vì TP.HCM là trung tâm kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước cũng như đầu mối đại diện của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Nó không chỉ là kết nối về giao thông, logistics mà cần được khẳng định bằng sức mạnh mềm, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý và vai trò trung tâm kinh tế vùng, kiến tạo những không gian mới, những động lực mới.
TP.HCM đã phối hợp với Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR), Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng các nhóm chuyên gia địa phương đa ngành, nghiên cứu định hướng quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn; tích hợp những nội dung phù hợp, có tính mới, đột phá… vào Đồ án quy hoạch TP. HCM và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.
Theo đó, lấy không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị, từ khu vực trung tâm truyền thống ở ven sông, phát triển dải đô thị hai bên sông như "trái tim mở rộng". Sông Sài Gòn trong tương lai trở thành điểm đến quý giá không thể thiếu của mọi người dân và du khách, điểm đến mang bản sắc độc đáo, gắn với cảnh quan của dòng sông trong xanh, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của TP. HCM.
TP. HCM quy hoạch và đầu tư đô thị bám dọc tuyến metro
- Điểm những dự án ở TP.HCM mở bán hàng nghìn căn hộ, giá 50 - 200 triệu/m2 22/05/2024 07:00
- Giá đất tại TP.HCM sẽ đắt ngang Hồng Kông? 16/05/2024 04:09
- Dân TP.HCM ‘ngóng’ được chuyển đổi đất đai, thoát quy hoạch treo 17/05/2024 08:00
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.