Thị trường

Sự phục hồi ngành F&B sau đại dịch nhìn từ 'ông lớn' Golden Gate  

(VNF) - Với ngành F&B, có thể thấy cơ hội chia đều cho các chủ doanh nghiệp tại một thị trường có 100 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ. Tận dụng được hay không trong thời kỳ hậu đại dịch là bài toán mà mỗi doanh nghiệp phải tự tìm lời giải.

Sự phục hồi ngành F&B sau đại dịch nhìn từ 'ông lớn' Golden Gate  

Lĩnh vực kinh doanh nhà hàng phục hồi tốt sau đại dịch.

Trước đại dịch, rất nhiều các DN ngành F&B đã làm ăn rất phát đạt. Tại Golden Gate, doanh nghiệp được cho là có quy mô lớn nhất trong ngành F&B Việt Nam với hệ thống 430 nhà hàng đã có 1 giai đoạn tăng trưởng tốt. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu kép hàng năm (CAGR) của công ty giai đoạn 2017-2019 đạt mức trung bình 18,4%.

Từ khi dịch bệnh được khống chế tại Việt Nam sau 2 năm tàn phá ngành F&B, DN ngành này đã hồi phục tương đối khả quan, với các chỉ dấu tích cực sau 9 tháng đầu năm.

Sau hơn 2 năm lao đao do “ngấm đòn” từ đại dịch, sự phục hồi của “người khổng lồ ngành F&B” có thể nhìn thấy rõ ở 3 khía cạnh: Sự mở rộng; Sự đón nhận của khách hàng và Tài chính. Về mặt mở rộng, doanh nghiệp này đã nhanh chóng mở thêm 56 nhà hàng mới trong 9 tháng đầu năm 2022, nâng tổng số lượng nhà hàng lên 430. Ngoài việc tiếp tục nhân rộng các nhãn hàng đã thành công, công ty tiếp tục nghiên cứu và phát triển các concept mới.

Trong 9 tháng đầu năm công ty đã triển khai mô hình mới mang tên “Citi Station” và dự kiến sẽ mở thêm 3 – 5 cơ sở Citi Station từ giờ đến cuối năm. Vào tháng 10/2022, công ty đánh dấu bước chân đầu tiên vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ ăn uống và hàng tiêu dùng nhanh tại cụm canteen, cà phê, siêu thị tiện ích tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Số liệu tài chính 9 tháng đầu năm cho thấy, doanh thu tăng trưởng 124% so với cùng thời kỳ năm 2021, đồng thời tăng trường 51% so với thời điểm trước dịch là năm 2019. Chỉ số EBITDA và NPAT của công ty đều lội ngược dòng từ lỗ lên lãi dương với tỷ lệ biên tương đương trước dịch.

Kinh doanh nhà hàng tại Việt Nam không phải việc đơn giản mặc dù lĩnh vực này còn nhiều tiềm năng. Có nhiều nhà hàng hoạt động độc lập rất tốt, mở vài ba cơ sở thì rất đông khách nhưng khi mở rộng hơn thì bị thất bại. Nguyên nhân có nhiều, song hầu hết đến từ việc thiếu năng lực vận hành chuỗi nhà hàng và chuỗi cung ứng.

Kinh nghiệm mà Giám đốc Vận hành của Golden Gate Hoàng Quốc Khánh chia sẻ là phải xây dựng được chuỗi vận hành chuyên nghiệp để hỗ trợ cho việc mở rộng các cơ sở kinh doanh mới. Bản thân các nhóm thương hiệu của doanh nghiệp này đã có danh tiếng tốt, được khách hàng nhớ đến, do vậy họ có thể mở thêm cơ sở hoặc tạo ra một xu hướng ẩm thực mới.

Đáng chú ý, vào tháng 3/2022, Golden Gate đã công bố cơ cấu cổ đông ngoại của tập đoàn có sự thay đổi, nhà đầu tư chiến lược cũ Prosperity Food Concepts Pte Ltd (Singapore) đã thoái toàn bộ khoản đầu tư của mình tại Golden Gate. Công ty có sự tham gia mới từ Seletar Investment Pte Ltd; Seatown Private Capital Master Fund (Singapore) và Periwinkle Pte Ltd . Tổng số cổ phần nhóm cổ đông ngoại mới sở hữu chiếm hơn 35%.

Ba cổ đông Singapore này đều có sự tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp thành công ở thị trường quốc tế, có nhiều kinh nghiệp đầu tư vào các công ty. Vì vậy họ có thể truyền đạt lại kỹ năng quản trị về mặt tổ chức, tái cơ cấu doanh nghiệp cho Golden Gate.

Hiện nay, Golden Gate là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành F&B Việt Nam với hệ thống 430 nhà hàng, trong đó có 2 ngành hàng chủ lực là Lẩu (181 nhà hàng) và Nướng (186 nhà hàng). Công ty sở hữu 22 thương hiệu, chia theo 5 concept: Lẩu, Nướng, Á, Âu và Khác (bao gồm cả FMCG và đồ uống). Doanh thu thuần năm 2021 của Golden Gate đạt 3.320 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2020 do ảnh hưởng của Covid-19.

 

Tin mới lên