Tài trợ TOD bằng công cụ thu lại giá trị gia tăng từ đất

Khánh Nam - 30/09/2023 14:01 (GMT+7)

(VNF) - Tại nhiều đô thị lớn trên thế giới, hệ thống giao thông công cộng không cần được trợ giá, dù tiền thu về từ bán vé chỉ chiếm khoảng 30% doanh thu. Nghiên cứu áp dụng "thu lại giá trị đất theo chính sách phát triển" ở các thành phố thuộc những nước đang phát triển là kinh nghiệm quan trọng mà TP. Hồ Chí Minh có thể học hỏi và phát huy trong quá trình hoạch định chính sách.

Nhằm tăng cường phát triển kinh tế xung quanh khu vực các trạm giao thông công cộng, trong tháng 9/2023, TP. Hồ Chí Minh trình đề án thí điểm mô hình TOD, mô hình “phát triển đô thị bền vững gắn kết với giao thông công cộng” (Transit-oriented development).

Theo đó, TOD sẽ chú trọng phát triển các tiện ích, cửa hàng bán lẻ, văn phòng và nhà ở, là tiền đề thúc đẩy việc sử dụng hạ thống hạ tầng giao thông quan trọng này. Vậy phương pháp huy động tài chính để triển khai thực hiện sẽ ra sao khi thực tiễn cho thấy TOD hút nguồn vốn rất lớn. TS Nguyễn Hoàng Bình – Đại học RMIT Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với VietnamFinance về vấn đề này.  

TOD
TS Nguyễn Hoàng Bình – Đại học RMIT Việt Nam

- Công cụ thu lại giá trị đất theo chính sách phát triển ((Development-based land value capture - DBLVC) hiện đang được áp dụng tại nhiều quốc gia cho phát triển đô thị bền vững, ông cho biết thêm về giải pháp này khi đề xuất thí điểm cho mô hình TOD tại TP. HCM?

TS Nguyễn Hoàng Bình: Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công công cụ tài chính DBLVC. Các đô thị lớn như Hồng Kông, New York, Tokyo đã sử dụng công cụ này như một giải pháp hiệu quả để tài trợ cho mô hình phát triển đô thị bền vững gắn kết với giao thông công cộng (TOD).

Áp dụng công cụ DBLVC về cơ bản là việc thu lại trực tiếp giá trị gia tăng (GTGT) của đất có được từ việc triển khai đầu tư công cộng vào cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Kết quả là, cơ quan quản lý, nhà đầu tư cùng bắt tay nhau làm gia tăng giá trị quỹ đất bằng cách khai thác các cơ hội phát triển khu vực xung quanh trạm giao thông công cộng, chia sẻ lợi ích từ GTGT của quỹ đất.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, trong đó mô hình phát triển đô thị theo TOD. Thực tế, TOD đòi hỏi sự đầu tư quy mô lớn vào hệ thống giao thông vận tải như đường sắt trung tâm, đường sắt nhanh, đường cao tốc kết nối với khu vực lân cận… và vốn đầu tư cho các hệ thống này không thể đáp ứng được nếu chỉ trông cậy vào dòng tiền từ bán vé.

Được Chính phủ khuyến khích "thí điểm chính sách mang tính đột phá để TP. Hồ Chí Minh chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển", tôi cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để Thành phố đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng DBLVC nhằm tài trợ TOD.

- Ưu điểm của công cụ DBLVC so với các công cụ tài chính truyền thống là gì?

Các nghiên cứu từ World Bank đã chỉ ra các ưu điểm của công cụ DBLVC so với việc sử dụng nguồn thu từ thuế và phí để tài trợ cho các dự án TOD. Chẳng hạn, việc tính toán và xác định các giá trị gia tăng từ đất theo DBLVC được dựa trên sự đồng thuận của các bên liên quan, không tạo ra những thay đổi đáng kể trong chính sách tài khóa và dễ thuyết phục đại đa số người dân hơn so với việc tăng thuế hoặc thu phí. Ngoài ra, giải pháp này còn được xem như là công cụ để tăng cường sự cạnh trạnh về mặt kinh tế, thúc đẩy phát triển bền vững và công bằng xã hội.

- Theo ông các nhà hoạch định chính sách có thể cân nhắc vấn đề gì khi triển khai thí điểm DBLVC?

Cùng một giải pháp tổng thể, trong trường hợp này là “thu lại giá trị gia tăng theo chính sách phát triển”, mỗi thành phố, mỗi quốc gia sẽ có cách làm khác nhau. Chẳng hạn, Hồng Kong thì theo hướng trao quyền cho các tập đoàn MTR (mass transit railway) để khai thác, phát triển và điều hành hệ thông giao thông công cộng. Ở Tokyo, Nhật Bản thì dựa trên sự hợp tác nhiều bên liên quan: người sở hữu đất, người thuê và nhà phát triển để tạo ra cơ hội phát triển với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Mỗi cách thức tiếp các sẽ có những ưu và nhược điểm riêng của nó. Vậy câu hỏi đặt ra là các thức tiếp cập cụ thể nào sẽ phù hợp với TP. Hồ Chí Minh? Đây là một câu hỏi cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, dựa trên các chứng cứ khoa học thực nghiệm cụ thể. Đặc biệt là các chính sách mang tính thí điểm, đột phá, theo cơ chế đặc thù nhưng tinh thần của Nghị quyết 31 và Nghị quyết 98 của Chính phủ cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh thì bên cạnh những cơ hội lớn chưa từng có cũng sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro, thách thứ.

Vì vậy các nhà hoạch định chính sách có thể cân nhắc việc tăng cương hơn nữa cách tiếp cận chính sách dựa trên thực nghiệm (evidence-based policy). Tức là cần có các đánh giá sát thực, đo lường, phân tích các yếu tố lợi ích và chí phí trên nhiều phương diện khác nhau, dựa trên các số liệu, cơ sở khoa học đáng tin cậy, được thực hiện bởi các cơ quan nghiên cứu chính sách nội bộ và kể cả các cơ quan nghiên cứu độc lập bên ngoài.

- Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

Cùng chuyên mục
Tin khác