Tân Tổng Thanh tra Chính phủ: Tiếp tục thanh tra các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Lê Nguyễn - 26/10/2017 17:39 (GMT+7)

(VNF) – Tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết trong thời gian tới ngành Thanh tra sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc tiếp tục thanh tra các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.

VNF
Tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

Với 464 phiếu đồng ý (bằng 94,5% tổng số đại biểu Quốc hội) ông Lê Minh Khái đã chính thức trở thành Tổng Thanh tra Chính phủ.

Phát biểu với báo chí sau khi được Quốc hội phê chuẩn, ông Lê Minh Khái cho biết việc được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ là niềm vinh dự đối với bản thân ông đồng thời cũng là trách nhiệm lớn trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cử tri cả nước.

Ông Khái hứa sẽ "cùng tập thể Lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức của ngành Thanh tra đoàn kết, nỗ lực phấn đấu với mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là: quản lý Nhà nước và thực hiện hoạt động thanh tra nhằm duy trì thực thi pháp luật, thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy hành chính Nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định pháp luật".

Theo đó, thời gian tới, sẽ tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng giao cho ngành Thanh tra, nhất là thanh tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn trong các dự án đang được dư luận xã hội quan tâm.

Thứ hai, tiếp tục thanh tra các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước; các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng tiêu cực theo Nghị quyết 63/2013/QH13 của Quốc hội. Kết thúc sớm các cuộc thanh tra vụ việc phức tạp liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, các cuộc thanh tra trọng tâm về kinh tế do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Thứ ba, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về thời gian báo cáo kết quả thanh tra, kịp thời ban hành và công khai kết luận thanh tra. Cố gắng khắc phục việc chậm, hoãn công bố kết luận thanh tra: chuyển các vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra theo đúng quy định pháp luật; khắc phục những hạn chế trong giám sát và xử lý sau thanh tra, quyết liệt trong đôn đốc việc thực hiện nghiêm kết luận và kiến nghị của thanh tra.

Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị xử lý theo thẩm quyền các vụ khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài để bảo vệ quyền vả lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan có liên quan sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Tố cáo, bảo đảm chất lượng và tính khả thi. Đồng thời, qua thực tiễn hoạt động thanh tra, nghiên cứu, rà soát, sửa đồi bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, các quy trình, quy định về hoạt động thanh tra bảo đảm công khai minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.

Thứ năm, kịp thời tham mưu cho Chính phủ giải quyết các công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn được Chính phủ phân công.

Thứ sáu, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm thi hành công vụ, tăng cường kiểm soát chất lượng thanh tra, giảm sát chặt chẽ hoạt động thanh tra, kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời xử lý nghiêm đối với những cán bộ ngành Thanh tra vi phạm quy định của pháp luật và quy định của ngành.

Cùng chuyên mục
Tin khác