Tăng thuế bảo vệ môi trường không tác động lớn đến CPI

H.Y - 24/09/2018 14:52 (GMT+7)

Từ 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với một số mặt hàng sẽ được điều chỉnh tăng, trong đó có các mặt hàng xăng dầu.

VNF
Xăng dầu là mặt hàng có thể sử dụng biện pháp bình ổn để hạn chế tác động lên mặt bằng giá trong các thời điểm cần thiết.

Trước đó, một số ý kiến băn khoăn về tác động của việc tăng thuế tới lạm phát nhưng theo tính toán của Chính phủ, việc tăng thuế này với xăng dầu chỉ tác động 0,07 - 0,09% tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019.

Tăng thuế chỉ tác động khoảng 0,07 – 0,09% CPI

Theo Nghị quyết về biểu thuế BVMT vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua với 100% thành viên tán thành, thuế BVMT với mặt hàng xăng được điều chỉnh tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức 1.000 đồng/lít (giảm 1.000 đồng/lít so với đề xuất trước đó).

Ngoài ra, nghị quyết cũng điều chỉnh thuế đối với một số mặt hàng có ảnh hưởng xấu đến môi trường... Cụ thể, thuế BVMT với than antraxit tăng từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn; với than nâu, than mỡ, than đá khác tăng từ 10.000 đồng/tấn lên 15.000 đồng/tấn; đối với dung dịch HCFC tăng từ 4.000 đồng/kg lên mức trần 5.000 đồng/kg; đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế tăng từ 40.000 đồng/kg lên mức trần 50.000 đồng/kg.

Trước đó, đề xuất này của Chính phủ đã được UBTVQH thảo luận vào tháng 7 và nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp. Trong đó, một số ý kiến lo ngại về tác động của việc điều chỉnh thuế với xăng dầu lên CPI, nhất là trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến CPI, về nguồn thu từ thuế cho hoạt động BVMT…

Tại phiên họp lần này, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tác động chi tiết hơn và giải trình cụ thể về những vấn đề được góp ý. Cụ thể, xăng dầu chỉ là một trong số 11 nhóm mặt hàng được đưa vào rổ hàng hóa tính CPI và không tác động quá lớn vì quyền số mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 4% mặt bằng giá. Đồng thời, xăng dầu cũng là mặt hàng có thể sử dụng biện pháp bình ổn để hạn chế tác động lên mặt bằng giá trong các thời điểm cần thiết.

Theo phương pháp tính CPI bình quân thì việc thực hiện chỉ tiêu kiểm soát lạm phát của cả năm 2019 sẽ chịu ảnh hưởng bình quân bởi CPI của tất cả các tháng trong năm. Do đó, việc điều chỉnh thuế BVMT áp dụng trong tháng 1/2019 sẽ chỉ tác động đến CPI bình quân năm 2019 ở mức thấp và không ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của cả năm 2019.

Hiện nay, Chính phủ đang báo cáo Quốc hội về chỉ tiêu CPI năm 2019 trong khoảng 4 - 5%. Theo đánh giá nếu điều chỉnh tăng mức thuế BVMT từ ngày 1/1/2019 sẽ tác động không lớn đến CPI cả năm 2019, chỉ ở mức 0,07 - 0,09%.

Thuế BVMT chi trở lại cho môi trường

Đối với ý kiến đề nghị về đánh giá tác động của quan hệ thương mại Mỹ - Trung tới CPI, Chính phủ cho biết trước diễn biến tình hình thế giới, Chính phủ đã họp và có nhiều giải pháp chỉ đạo. Sơ bộ trong thời gian vừa qua, quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có tác động đến CPI. Trong trường hợp việc áp thuế của Mỹ đối với Trung Quốc xảy ra và ảnh hưởng tới Việt Nam, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp tổng hợp để tránh tác động lớn đến Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nếu điều chỉnh mức thuế BVMT thì ngân sách sẽ thu về khoảng 15.189 tỷ đồng/năm, tạo nguồn lực để xử lý các vấn đề môi trường mà chúng ta đang phải đối mặt. Công cụ thuế một mặt tạo nguồn thu để xử lý vấn đề môi trường, một mặt là công cụ để giảm được ô nhiễm môi trường thông qua việc tác động tới những sản phẩm ảnh hưởng đến môi trường.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng đánh giá việc Chính phủ đề nghị thời điểm hiệu lực của nghị quyết là ngày 1/1/2019 sẽ không tác động làm tăng CPI của năm 2018, đảm bảo dư địa cho Chính phủ điều chỉnh lạm phát năm 2019, từ đó hạn chế tối thiểu tác động tới đời sống người dân, hoạt động của nền kinh tế.

Lưu ý về nguồn thu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tiền thu từ thuế BVMT đưa vào ngân sách phải chi trở lại để BVMT, đảm bảo cho người dân có môi trường sống trong lành. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tăng cường thông tin truyền thông để người dân hiểu theo đúng ý nghĩa này của thuế BVMT.

Báo cáo của Chính phủ cho biết theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, tất cả nguồn thu từ thuế, trong đó có thuế BVMT đều tập trung vào ngân sách nhà nước và được phân bổ chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo dự toán Quốc hội quyết định hàng năm, trong đó có thực hiện nhiệm vụ chi cho BVMT.

Từ khi Luật Thuế BVMT có hiệu lực cho đến nay, chi ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ BVMT luôn cao hơn số thuế BVMT thu được. Tổng chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2012 - 2017 khoảng 158.008 tỷ đồng, trong khi đó số thu thuế BVMT giai đoạn 2012 - 2017 khoảng 150.810 tỷ đồng.

Theo TBTCVN
Cùng chuyên mục
Tin khác