Tăng trưởng tín dụng mới đạt 1,6%, DN vẫn khó khăn tiếp cận vốn
(VNF) - Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng tín dụng chưa cao, tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn. Đến ngày 23/4/2024, tín dụng chỉ tăng 1,6% so với cuối năm 2023.
- Cho vay bất động sản 'cứu' tăng trưởng tín dụng quý I/2024? 08/05/2024 02:56
Theo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
GDP Quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 và cao hơn kịch bản điều hành của Chính phủ đề ra. Khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng, ước tăng 6,28%, trong đó công nghiệp tăng 6,18%; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ lần lượt tăng 2,98% và 6,12% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi tích cực trong những tháng đầu năm, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức trước những biến động của tình hình của thế giới, khu vực.
Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn do khô hạn, xâm nhập mặn tăng cao.
Cầu tiêu dùng trong nước tính chung 4 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng 2024 (loại trừ yếu tố giá) tăng 5,3%, năm 2023 tăng 8,7%, năm 2019 tăng 9%, năm 2018 tăng 8,9%, năm 2017 tăng 6,7%, năm 2016 tăng 7,8%, năm 2015 tăng 8%.
Áp lực cạnh tranh gia tăng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm, có hơn 86,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Đầu tư khu vực tư nhân phục hồi còn chậm.
Tăng trưởng tín dụng chưa cao, tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn. Đến ngày 23/4/2024, tín dụng chỉ tăng 1,6% so với cuối năm 2023.
Ngành hàng không tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn; giá vé máy bay tăng cao, nhất là trong dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của người dân. Nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam bị thiếu cát, vật liệu san lấp nền; việc cấp phép các mỏ cát mới còn chậm, gặp nhiều vướng mắc.
Bên cạnh đó, Chính phủ cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm. Tốc độ tăng CPI bình quân 04 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ, gần cận dưới mục tiêu Quốc hội đề ra (4,0-4,5%). Tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước.
Cũng theo Chính phủ, thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro; tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng, đến cuối tháng 02 là 4,92%. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, khối lượng phát hành 4 tháng giảm 43,4% so với cùng kỳ năm 2023; áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 lớn. Hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) liên tục lùi thời hạn triển khai.
Ngoài ra, thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, cần quan tâm xử lý. Quản lý thị trường vàng vẫn còn bất cập.
'Rủi ro bên ngoài có thể kéo sụt đà tăng trưởng'
Đơn hàng mới tăng mạnh, DN kỳ vọng chu kỳ tăng trưởng mới
Lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến, OECD nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu
Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.