Ngân hàng

Tăng vốn cho Agribank: Quốc hội đề nghị có phương án nếu KQKD không đạt kỳ vọng

(VNF) - Chính phủ đề nghị bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ giai đoạn 2021-2023 cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc này sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định.

Tăng vốn cho Agribank: Quốc hội đề nghị có phương án nếu KQKD không đạt kỳ vọng

Tăng vốn cho Agribank: Quốc hội đề nghị có phương án nếu KQKD không đạt kỳ vọng

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trình Quốc hội về việc quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

4 lý do bổ sung vốn điều lệ cho Agribank

Chính phủ cho rằng việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là rất cần thiết vì 4 lý do.

Thứ nhất, theo chiến lược phát triển ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, trong giai đoạn 2021- 2025, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường, tích cực tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Theo đó, các ngân hàng thương mại cần được nâng cao năng lực tài chính, trong đó có giải pháp thực hiện tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước.

Hiện nay, quy mô vốn điều lệ của Agribank là 34.328 tỷ đồng, ở mức thấp so với ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác. Do đó, nếu Agribank không được tăng vốn thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Agribank.

Thứ hai, theo Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng và Điều 6 Thông tư số 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%. Trên thực tế, tại thời điểm 31/12/2021, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank mới chỉ đạt mức 7%, thấp hơn rất nhiều so với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khác.

Thứ ba, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Agribank sẽ giúp Agribank cải thiện kết quả xếp hạng tín nhiệm, góp phần mở rộng hoạt động kinh doanh; gia tăng giá trị doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư khi thực hiện cổ phần hóa.

Thứ tư, theo Thống đốc, việc tăng vốn là cơ sở quan trọng để Agribank mở rộng quy mô hoạt động, góp phần tích cực vào quá trình thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế xã hội, tờ trình nêu rõ, với số vốn điều lệ tăng thêm, Agribank sẽ sử dụng vào hoạt động kinh doanh trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả; tăng nộp ngân sách nhà nước; đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ; mở rộng hoạt động tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, điều này sẽ đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn đạt ở mức tối thiểu 8,0% theo quy định.

Cùng với đó, việc tăng vốn sẽ gia tăng giá trị doanh nghiệp cho Agribank, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư cổ phần hóa; đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của Agribank trong đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, góp phần giảm nghèo cũng như góp phần tích cực vào quá trình thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agriabank sẽ không ảnh hưởng đến cân đối thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023 do số tiền 6.753 tỷ đồng đã được cân đối, bố trí trong dự toán chi đầu tư phát triển thuộc ngân sách trung ương và đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 70/2022/QH15.

Đối với phần vốn còn lại (10.347 tỷ đồng), Chính phủ cũng đã dự kiến khi báo cáo Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025.

Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế số liệu nộp ngân sách nhà nước đối với phần lợi nhuận còn lại năm 2021, 2022 và dự kiến nộp năm 2023, Agribank dự kiến số lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2023 là 19.057 tỷ đồng, lớn hơn đề xuất cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank 17.100 tỷ đồng nên đề xuất này hoàn toàn khả thi.

Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng cơ sở thực tiễn

Báo cáo thẩm tra việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh Ủy ban Kinh tế nhất trí về sự cần thiết của việc này.

Việc tăng vốn điều lệ cho Agribank là phù hợp với chủ trương của Quốc hội đã nêu tại Nghị quyết số 43/2021/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trong đó đã giao Chính phủ: “Chỉ đạo xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021- 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank”.

Theo cơ quan thẩm tra, mức vốn Chính phủ đề nghị cấp bổ sung cho Agribank là 17.100 tỷ đồng. Việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank được thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 14 của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, khoản 1 Điều 7 của Luật Đầu tư công. Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước là bảo đảm cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất nêu trên của Chính phủ, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền tối đa là 17.100 tỷ đồng nhằm giúp ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định;

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về cơ sở thực tiễn, bối cảnh hiện nay tác động đến ngân sách nhà nước, cân đối nguồn thu, nhiệm vụ chi để bảo đảm tính khả thi của đề xuất, xây dựng dự toán năm 2024 trình Quốc hội bố trí số vốn còn lại so với tổng mức vốn Quốc hội quyết định (10.347 tỷ đồng); có phương án xử lý trong trường hợp số nộp ngân sách của Agribank trong năm 2023 không đạt như dự kiến, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách nhà nước, doanh thu và lợi nhuận của Agribank có thể không đạt được như kỳ vọng; khả năng phát hành thành công trái phiếu;

Đồng thời, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank (tối đa là 17.100 tỷ đồng), cũng như khả năng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn sau khi Quốc hội quyết định chủ trương.

Ngoài những vấn đề trên, cơ quan thẩm tra lưu ý trường hợp được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đề nghị Chính phủ, ngân sách nhà nước bảo đảm việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank theo đúng thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục quy định tại Luật số 69/2014/QH13 và sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hiệu quả; đồng thời chỉ đạo Agribank tiếp tục thực hiện các giải pháp tích cực bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo quy định; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước quan tâm đến định hướng phát triển của Agribank trong thời gian tới để sử dụng hiệu quả hơn nữa vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, phát huy vai trò là một trong các ngân hàng chủ lực của nền kinh tế, ngân hàng đầu tàu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tin mới lên