Tăng vốn điều lệ thêm 27.600 tỷ, Vietcombank giành lại top 1

Khánh Tú - 01/12/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Với lần tăng vốn này, vốn điều lệ của Vietcombank đạt 83.557 tỷ đồng, vượt qua 2 ngân hàng đang dẫn đầu là VPBank với 79.339 tỷ đồng và Techcombank với 70.450 tỷ đồng.

Top 1 vốn điều lệ 'đổi chủ'

Sau nhiều ngày chờ đợi, Quốc hội đã chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại ngân hàng Vietcombank với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của ngân hàng.

Như vậy, với nguồn vốn bổ sung 20.695 tỷ đồng của cổ đông Nhà nước và nguồn lợi nhuận còn lại chưa được phân phối, Vietcombank sẽ được tăng thêm 27.666 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng vốn điều lệ của ngân hàng lên 83.557 tỷ đồng, vượt qua 2 ngân hàng đang dẫn đầu là VPBank với 79.339 tỷ đồng và Techcombank với 70.450 tỷ đồng.

Nói cách khác, sau khi phương án tăng vốn được Quốc hội thông qua, vốn điều lệ của Vietcombank vươn lên mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, 3 ngân hàng quốc doanh còn lại là BIDV, VietinBank và Agribank có vốn điều lệ lần lượt là 57.004 tỷ đồng, 53.699 tỷ đồng và 51.639 tỷ đồng.

Theo giải trình trước đó của Bộ Tài chính, việc tăng vốn của Vietcombank không ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách nhà nước và không gây áp lực lên cân đối ngân sách quốc gia bởi nguồn vốn mà Vietcombank đề xuất để tăng vốn điều lệ là từ phần lợi nhuận giữ lại hàng năm sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Trong 10 năm, từ năm 2014 đến năm 2023, tổng số nộp ngân sách nhà nước của Vietcombank đạt trên 71.000 tỷ đồng, trong đó thuế nộp ngân sách nhà nước đạt khoảng 53.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 3 năm 2021, 2022, 2023, Vietcombank đã nộp vào ngân sách nhà nước khoảng 29.000 tỷ đồng, đứng đầu ngành ngân hàng.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết, toàn bộ vốn điều lệ được bổ sung sẽ tiếp tục sử dụng làm nguồn vốn hoạt động kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất, chuyển đổi số của ngân hàng.

Trong quý III/2024, Vietcombank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 13,578 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí trích lập dự phòng giảm 78,2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 326 tỷ đồng nhờ chất lượng tài sản dẫn đầu ngành cùng bộ đệm dự phòng cao nhất hệ thống. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 10.699 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 9 tháng năm 2024, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 31.533 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tính đến hết quý III/2024 đạt 10,2%. Theo nhận định của các chuyên gia KBSV, Vietcombank sẽ có mức tăng trưởng tín dụng đạt 14% trong năm 2024 trong bối cảnh tín dụng toàn hệ thống có xu hướng đẩy mạnh giải ngân cuối năm. Đồng thời sự hồi phục phần nào của thị trường bất động sản và sự cải thiện của lĩnh vực sản xuất cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này.

Thêm sức mạnh cho cuộc đua dài hơi

Trong khi Vietcombank vươn lên dẫn đầu hệ thống về vốn điều lệ thì một ngân hàng quốc doanh khác là BIDV cũng đang rốt ráo cho kế hoạch tăng vốn của mình.

Theo báo cáo mới đây của VDSC, ngân hàng BIDV đang trong quá trình chờ phê duyệt chủ trương tăng vốn từ Ngân hàng Nhà nước và làm việc các nhà đầu tư tiềm năng để hoàn thành đợt phát hành đầu tiên (2,9% vốn điều lệ) trong quý I/2025. Giá trị của lần phát hành này không được tiết lộ. Ngoài ra, BIDV cũng đang trình Bộ Tài chính phương án tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận giữ lại (phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 21%), dự kiến hoàn thành vào đầu 2025.

Các ngân hàng thương mại tư nhân cũng không đứng ngoài cuộc đua tăng vốn. Vietbank dự kiến phát hành gần 142,8 triệu cổ phiếu mới từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến 31/12/2023. Sau phát hành, vốn điều lệ của Vietbank sẽ tăng thêm gần 1.428 tỷ đồng, lên mức 7.139 tỷ đồng.

HDBank cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.825 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Eximbank cũng nhận được chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước về việc điều chỉnh mức vốn điều lệ, từ gần 17.470 tỷ đồng lên xấp xỉ 18.700 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc công ty AFA Capital cho rằng, trong bối cảnh những khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn còn, áp lực nợ xấu của ngành ngân hàng vẫn cao trong khi bộ đệm dự phòng giảm xuống khiến các ngân hàng buộc phải tăng vốn, tăng cường phòng thủ.

Trên thực tế, theo quy định hiện hành, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng phải đảm bảo ở mức tối thiểu 8% để chống đỡ với các rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành và rủi ro thị trường. Khi rủi ro tín dụng tăng, chẳng hạn như nợ xấu gia tăng, ngân hàng sẽ phải tăng dự phòng rủi ro, từ đó làm tăng tài sản có rủi ro trong công thức tính CAR.

Do vậy, nếu không có đủ vốn để duy trì tỷ lệ CAR ở mức tối thiểu, các ngân hàng sẽ phải tăng vốn (thông qua phát hành cổ phiếu mới, tăng vốn điều lệ hoặc huy động vốn khác) để đảm bảo an toàn tài chính và duy trì khả năng hoạt động ổn định.

Chưa kể, mới đây, NHNN vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, đề xuất tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lên mức 10,5%, bắt đầu nâng dần từ năm 2030 và đạt mức 10,5% vào năm 2033.

Mặc dù dự thảo này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến nhưng đây cũng được xem là yếu tố thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh việc tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng các yêu cầu tài chính ngày càng khắt khe hơn.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.