Công ty chứng khoán gom nghìn tỷ cho cuộc đua chiếm top 1 vốn điều lệ

Hải Đường - 21/11/2024 15:00 (GMT+7)

(VNF) - SSI, VNDIRECT và TCBS đã liên tục giành ngôi đầu bảng trong cuộc đua tăng vốn công ty chứng khoán thời gian qua.

Liên tục đổi ngôi

Cuộc đua tăng vốn đã quá quen thuộc với ngành chứng khoán trong nhiều năm nay, khi nhu cầu đầu tư của người dân tăng cao, các công ty chứng khoán buộc phải mở rộng quy mô hoạt động để đáp ứng.

Nhiều công ty chứng khoán quy mô nhỏ đã được đẩy lên nhóm quy mô vừa, tương tự, ở nhóm quy mô vừa cũng có những công ty đạt được sức bật vốn mạnh mẽ lên nhóm quy mô lớn. Đối với những công ty top đầu, quy mô của các công ty này giờ đã ngang ngửa một ngân hàng tầm trung.

Sức nóng của cuộc đua này không hề hạ nhiệt mà đẩy thành cuộc đua tranh ngôi vương vốn điều lệ ngành chứng khoán. Theo đó, nhóm đầu ngành bao gồm những cái tên quen thuộc như Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) (14.585 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) (15.000 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (HoSE: VND) (15.223 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) (18.130 tỷ đồng), Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) (19.613 tỷ đồng).

Như vậy, ngôi đầu bảng về vốn điều lệ đang tạm thuộc về TCBS.

Sở dĩ là “tạm thuộc về”, bởi ngôi vương này đã trải qua nhiều lần đổi ngôi chỉ riêng trong năm 2024. Theo đó, sau khi VPBankS bứt tốc, tăng vốn gấp gần 56 lần trong năm 2022 lên mức 15.000 tỷ đồng và tạm dừng chân, cuộc đua phát hành, chào bán cổ phiếu chỉ còn xoay quanh top 3 công ty là VNDIRECT, SSI và TCBS.

Năm 2023, SSI chính thức vượt VPBankS khi nâng vốn vượt mức 15.000 kỷ lục, trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất cho đến quý III/2024. Tháng 8 vừa qua, VNDIRECT vượt qua những khó khăn nội tại của công ty này, triển khai thành công phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và chào bán thêm ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn lên mức 15.223 tỷ đồng và duy trì cho đến nay.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ sau 2 tháng, SSI lại vươn lên vị trí dẫn đầu sau khi hoàn tất đợt phát hành gần 302 triệu cổ phiếu thưởng, tăng vốn điều lệ lên 18.130 tỷ đồng. Tuy nhiên, TCBS đã ngay lập tức đuổi kịp và vượt mặt SSI sau khi kết thúc đợt phát hành 1,743 tỷ cổ phiếu cho 73 cổ đông, phương án theo phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Cuộc đua không thể dừng

Tuy nhiên, SSI không hề lơ là trong cuộc đua này, khi đang tiến hành chào bán 151,1 triệu cổ phiếu, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 19.641 tỷ đồng. Nếu TCBS, VPBankS và VNDIRECT hay các công ty chứng khoán khác không có động thái mới nào, SSI sẽ tiếp tục là ông vương dẫn đầu về vốn điều lệ trong tương lai.

Để đón làn sóng nâng hạng thị trường, các chuyên gia cho rằng công ty chứng khoán cần chuẩn bị đủ nguồn vốn để đáp ứng cho các nhà đầu tư cần gia tăng đòn bẩy, đặc biệt cho các giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài khi mà nút thắt pre-funding đã được tháo gỡ.

Sau nhiều đợt tăng vốn lớn, theo số liệu từ VIS Rating, mức độ sử dụng đòn bẩy trong ngành hiện vẫn ở mức thấp. Các công ty chứng khoán trong nước đã tăng vốn mạnh mẽ trong quý III vừa qua, nhờ đó củng cố thêm bộ đệm rủi ro và duy trì tỷ lệ đòn bẩy của ngành ở mức thấp khoảng 230%.

VIS Rating kỳ vọng tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm trong các quý tới, khi mà vẫn còn các đợt huy động vốn tiếp theo từ nhiều công ty chứng khoán lớn trong nước. Nhìn chung, chỉ có 10% các công ty chứng khoán có mức đòn bẩy cao do hạn chế trong việc huy động vốn hoặc có nhiều cam kết mua lại trái phiếu từ khách hàng.

Nhờ gia tăng quy mô vốn, thu nhập từ cho vay ký quỹ và đầu tư của các công ty chứng khoán trở nên mạnh mẽ hơn, dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) toàn ngành tăng từ 4,3% trong năm 2023 lên 4.9% trong 9 tháng năm 2024, trong đó các công ty chứng khoán lớn tăng trưởng vượt trội so với các công ty cùng ngành về lợi nhuận từ cho vay ký quỹ và đầu tư công cụ có thu nhập cố định.

'Cuộc đua' nguồn vốn của các công ty chứng khoán trong nước

'Cuộc đua' nguồn vốn của các công ty chứng khoán trong nước

Infographics
(VNF) - Việc các công ty chứng khoán trong nước đẩy mạnh vay nợ một phần là bởi mức tăng của vốn chủ sở hữu không đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng.
Cùng chuyên mục
Tin khác