Ngân hàng trả nghìn tỷ cổ tức bằng cổ phiếu, đồng loạt tăng vốn điều lệ
(VNF) - Nhiều ngân hàng sắp chi trả cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, tăng sức cạnh tranh.
Nhiều ngân hàng chuẩn bị trả cổ tức
Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - mã chứng khoán: VBB) thông báo ngày 29/11 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%. Nguồn phát hành đến từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế tới ngày 31/12/2023.
Theo kế hoạch, Vietbank sẽ phát hành thêm 142,8 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ từ 5.711 tỷ đồng lên 7.139 tỷ đồng, tăng thêm 1.428 tỷ đồng.
Vietbank cho biết, số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để đầu tư tài sản, mở rộng hoạt động kinh doanh, đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn và cải thiện hiệu quả kinh doanh. Toàn bộ quá trình phát hành dự kiến hoàn tất muộn nhất vào cuối năm 2024.
Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank, mã cổ phiếu: HDB) cũng mới nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc chấp thuận tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%. Nguồn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ 2024 thông qua.
Theo đó, HDBank được tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 5.825 tỷ đồng, lên hơn 34.900 tỷ đồng. Việc này giúp HDBank tiếp tục nằm trong nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, các chỉ tiêu an toàn được đảm bảo và hiệu quả hoạt động cao.
Tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 16/11 vừa qua, cổ đông của Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - mã: LPB) đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 16,8%. Dự kiến vốn điều lệ của LPBank sau phát hành sẽ tăng lên tối đa là 29.873 tỷ đồng, đưa ngân hàng này vào nhóm 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trên sàn.
Ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch Hội đồng Quản trị LPBank, cho biết, nếu như từ giờ đến hết năm 2024 không có bất thường như lũ lụt, thiên tai,... xảy ra thì mức chia cổ tức sang năm ước đạt trên 20%.
Vấn đề chia cổ tức bằng cổ phiếu không chỉ thu hút sự chú ý ở các ngân hàng tư nhân mà còn được theo dõi sát sao tại nhóm Big3 ngân hàng quốc doanh: Vietcombank, VietinBank và BIDV. Cả ba ngân hàng này vẫn chưa triển khai chia cổ tức trong năm 2024 do đang chờ quyết định từ các cơ quan có thẩm quyền.
Dự kiến ngày 30/11 tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có quyết định về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank .
Nếu được Quốc hội thông qua thì Vietcombank sẽ sớm phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 49,5%, tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng, dẫn đầu hệ thống ngân hàng, bỏ xa hai ngân hàng đang dẫn dầu là VPBank (79.339 tỷ đồng) và Techcombank (70.450 tỷ đồng).
Ngoài ra, NHNN cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại BIDV và VietinBank từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế các năm trước theo quy định.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông BIDV thông qua phương án phát hành thêm gần 1,2 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tương ứng tỷ lệ 21% số cổ phiếu đang lưu hành vào cuối năm 2023. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 - 2025.
Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào hồi tháng 10, lãnh đạo Vietinbank cho biết, ngân hàng này đang chờ phê duyệt chính thức từ NHNN để trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại trong giai đoạn 2009 - 2016 và năm 2021. Lần chia cổ tức gần nhất của "ông lớn" này là vào tháng 12/2023 với nguồn chi trả là lợi nhuận còn lại của năm 2020, giúp vốn điều lệ tăng lên 53.700 tỷ đồng.
Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình cho biết, nhà băng này đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Cùng với đó, VietinBank còn kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016.
Nâng cao “sức khỏe” mỗi ngân hàng
Các ngân hàng cho rằng, việc tiếp tục bổ sung vốn điều lệ là cần thiết, quan trọng để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng. Đây là cơ sở để các nhà băng tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy quá trình phát triển. Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp các ngân hàng cải thiện năng lực tài chính, nâng cao bộ đệm an toàn vốn, có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, mở rộng hoạt động kinh doanh đồng thời hỗ trợ nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng.
Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 6, hệ số an toàn vốn (CAR) của nhóm ngân hàng áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 11,96%, trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đạt 9,99%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 11,86%...
Nhận định về việc các ngân hàng tích cực chia cổ tức, ông Lê Hoài Ân - chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng Công ty CP Giải pháp tài chính tích hợp - cho rằng, việc trả cổ tức thực sự có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể của mỗi ngân hàng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, bên cạnh việc chia cổ tức thì các ngân hàng cũng cần chú ý đến việc tìm chiến lược đầu tư tốt, có giá trị để đảm bảo sự phát triển bền vững của mỗi ngân hàng.
Tại ĐHĐCĐ mới đây, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) - cho biết: “Các ngân hàng ngoài việc chia cổ tức bằng tiền mặt cần phải nâng cao "sức khỏe" của ngân hàng, như vậy ngân hàng mới phát triển bền vững.
Còn bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng phòng phân tích dữ liệu FiinGroup - đánh giá, kế hoạch chi trả cổ tức, dòng tiền ngoại, sự cải thiện về chất lượng tài sản khi tín dụng tăng trở lại và các tín hiệu hồi phục về vĩ mô trở nên vững chắc hơn sẽ giúp gia tăng dòng tiền và tạo động lực về giá với cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới.
Theo bà Vân, việc chia cổ tức và tăng vốn điều lệ không chỉ là những quyết định tài chính quan trọng của mỗi ngân hàng mà còn là những bước đi chiến lược, cho thấy sự linh hoạt và khả năng thích ứng với thị trường của ngân hàng. Những động thái này không chỉ củng cố niềm tin của cổ đông mà còn mở ra cánh cửa tiềm năng cho sự phát triển bền vững và tăng trưởng lâu dài.
Với hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng sắp được tung ra, một làn sóng mới tới trên thị trường chứng khoán. Các chuyên gia dự báo, cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt thị trường từ nay đến cuối năm và cả qua năm sau.
Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ là một trong hai nhóm dẫn dắt thị trường trong giai đoạn cuối năm, khi mà hoạt động kinh tế được kỳ vọng hồi phục tích cực hơn trong nửa cuối năm 2024 (đặc biệt là nhóm ngành phi tài chính) giúp tăng trưởng tín dụng khởi sắc và giảm căng thẳng về nợ xấu.
Cổ đông ngân hàng 'bội thu' chục nghìn tỷ cổ tức tiền tươi
- Lần đầu tiên sau 10 năm, cổ đông Eximbank được nhận cổ tức tiền mặt 31/05/2024 10:30
- Cổ đông ngân hàng mùa thu cổ tức 'khủng' bằng tiền mặt 27/05/2024 11:06
- Khi cổ tức từ cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn hơn lãi suất tiết kiệm 22/05/2024 05:16
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình
(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.