Tập đoàn Công nghiệp Cao su ‘xin’ đình chỉ điều tra Công ty Cao su Phú Riềng – Kratie
Thụy Khanh -
17/03/2018 15:31 (GMT+7)
(VNF) – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho rằng việc đầu tư dự án Phú Riềng – Kratie chưa hiệu quả có thể xem như là rủi ro trong việc phát triển cao su tại Vương quốc Campuchia và về tổng thể, đây là bài học, giá phải trả khi mới thực hiện đầu tư ra nước ngoài.
VRG đang làm ăn như thế nào tại Campuchia?
Theo báo cáo của VRG, tập đoàn bắt đầu trồng cao su tại khu vực Campuchia từ năm 2007, theo chủ trương của Chính phủ 2 nước. Hiện, tập đoàn đang quản lý tổng cộng 15 công ty, đầu tư trực tiếp 19 dự án phát triển cao su (trong đó có 1 dự án đang tiến hành các thủ tục sang nhượng) tại 7 tỉnh (Kratie, Ratanakiri, Kampong Thom, Mondul Kiri, Siem Reap, Oddar Meanchay, Preah Vihear) với tổng diện tích cao su quy hoạch theo dự án là 105.268ha trên tổng quỹ đất tự nhiên là 117.062ha (diện tích cao su quy hoạch chiếm 89,92% diện tích tự nhiên).
Các dự án tại Campuchia đều đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và các dự án đều được Chính phủ Campuchia phê duyệt. Tổng diện tích trồng cao su đến nay là 89.640ha, chiếm 85,15% quy mô quy hoạch trồng cao su. Tính đến cuối năm 2017, tổng vốn đầu tư đã chuyển ra nước ngoài là 599 triệu USD, riêng trong năm 2017 là 27,6 triệu USD.
Theo VRG, tập đoàn bắt đầu khai thác mủ cao su từ năm 2015, đến cuối năm 2017, có 8 công ty đang tổ chức khai thác với tổng diện tích 17.607ha, sản lượng đạt 13.400 tấn, năng suất 0,761 tấn/ha, thu mua 606 tấn, tiêu thụ hơn 10.500 tấn, tổng doanh thu đạt 345 tỷ đồng.
Tập đoàn đã đầu tư 2 nhà máy chế biến với tổng công suất 17.000 tấn/năm tại Ouyadav – tỉnh Ratanakiri, gồm: nhà máy của Công ty TNHH Hoàng Anh Mang Yang – Ratanakiri công suất 5.000 tấn/năm và nhà máy chế biến Công ty Tân Biên – Kampong Thom công suất 12.000 tấn/năm.
Đầu năm 2018, tập đoàn khánh thành nhà máy chế biến tại tỉnh Kampong Thom của Công ty Chư Sê – Kampong Thom có công suất 21.000 tấn/năm.
Sắp tới, tập đoàn sẽ tiến hành đầu tư nhà máy chế biến tại Công ty Phước Hòa – Kampong Thom với công suất 10.000 tấn/năm và tại Công ty Đồng Phú – Kratie với công suất 7.500 tấn/năm. Ngoài ra, tập đoàn cũng đầu tư giai đoạn 2 nhà máy chế biến cao su Chư Sê – Kampong Thom với công suất 24.000 tấn/năm.
Theo tính toán, năm 2018, tập đoàn sẽ có 12 công ty đi vào khai thác với tổng diện tích kinh doanh là 32.457ha, tổng sản lượng khai thác là 33.610 tấn mủ cao su, năng suất bình quân đạt 1,035 tấn/ha, thu mua 600 tấn mủ với kế hoạch tiêu thụ 34.000 tấn mủ, doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng.
Dự án Phú Riềng – Kratie kém hiệu quả nên xem là cái giá phải trả?
Theo VRG, đầu tư các dự án tại Campuchia gặp phải khá nhiều khó khăn. Cụ thể, vùng dự án phát triển cao su nằm ở vùng sâu vùng xa của nước bạn, nơi chính trị khá phức tạp do các đảng đối lập phát triển mạnh, người dân bị kích động phản đối Chính phủ, bài trừ Việt Nam. Do đó, dự án của tập đoàn thường xuyên có biểu hiện bị quấy rối, xâm lấn đất đai với diện tích rộng, có trường hợp đã tổ chức phá hoại tài sản của các dự án.
Vì lẽ đó, dự án càng bị chính quyền địa phương thúc ép, khẩn trương thực hiện để khoanh vùng dự án, từ đó có biện pháp bảo vệ thích hợp, đồng thời các công ty có điều kiện thu tuyển người lao động bản địa vào làm công nhân, cảm hóa người dân, tạo ổn định về chính trị theo hướng có lợi cho Chính phủ nước sở tại, quan hệ hữu hảo giữa hai quốc gia.
VRG cho biết các nội dung trên đã làm tốt tại vùng dự án và đã lan tỏa sang các vùng lân cận. "Như vậy, ngoài ý nghĩa về kinh tế, dự án cao su tại Vương quốc Campuchia đã mang lại giá trị về chính trị, an ninh quốc phòng, gắn kết giữa hai quốc gia hết sức to lớn. Các vùng dự án có thể coi là ‘vành đai biên giới mềm’ để bảo vệ biên cương của Tổ quốc có thời hạn ổn định lên đến 50 năm", tập đoàn đánh giá.
Do vậy, VRG cho rằng việc đầu tư dự án Phú Riềng – Kratie chưa hiệu quả có thể xem như là rủi ro trong việc phát triển cao su tại Vương quốc Campuchia. Về tổng thể, đây là bài học, giá phải trả khi mới thực hiện đầu tư ra nước ngoài.
"Phú Riềng – Kratie là bàn đạp, là nền tảng cho việc phát triển toàn bộ diện tích và thành quả đầu tư của tập đoàn tại Vương quốc Campuchia cho đến hiện nay. Từ ý nghĩa tổng thể như đã nêu trên, tập đoàn kiến nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng cho phép xem xét thiệt hại chung về kinh tế của dự án Phú Riềng – Kratie được xem là rủi ro đầu tư, giá phải trả trong tổng thể phát triển chung cho các dự án tại Campuchia", VRG đề xuất.
VRG cũng đồng thời kiến nghị xem xét đình chỉ điều tra tại Công ty Cổ phần Cao su Phú Riềng – Kratie do "phần lớn nguyên nhân của dự án không thành công là yếu tố khách quan ở nước ngoài và Giám đốc điều hành dự án là ông Phan Hữu Nam đã bị bệnh hiểm nghèo trong thời điểm đầu tư dự án và đã mất vào năm 2015".
VRG cho biết sau khi đầu tư không hiệu quả, dự án đã được sang nhượng sang cho đối tác Grand Lion Group Co., Ltd và Quân khu 7 để thu hồi vốn đầu tư về quá trình triển khai đầu tư. Tập đoàn cũng đã chủ động kiểm tra, xử lý kiểm điểm các cá nhân, tập thể có liên quan.
"Hiện nay, Công an tỉnh Bình Phước đang thụ lý hồ sơ để xác định mức độ vi phạm của các tập thể, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật và Công ty đang lập hồ sơ, thủ tục phá sản Công ty tại tỉnh Bình Phước", VRG cho hay.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.