Thái Lan ký FTA với EU, lợi thế của Việt Nam bị đe dọa

Hồng Hạnh - 09/12/2024 14:30 (GMT+7)

(VNF) - Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, thế nhưng, lợi thế này đang mất dần khi Thái Lan vừa đạt hiệp định thương mại tự do đầu tiên với châu Âu. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tăng tốc thực hiện những giải pháp cần thiết để hưởng lợi từ FTA.

Đầu tư tăng mạnh nhờ hiệp định thương mại

Đến thời điểm này, Việt Nam đang thực thi 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Thực tế, những doanh nghiệp tận dụng được các ưu đãi từ các FTA đang ngày càng “chuyển mình” rõ rệt.

Ông Nguyễn Văn Thứ, chủ tịch GC Food – đơn vị sản xuất và chế biến các loại thạch dừa, nha đam, cho biết đến nay, sản phẩm của GC Food đang có mặt ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có trong đồ uống ngoại như Meiji, Lottle, Pureplus... Trong nước, doanh nghiệp cũng cung ứng cho các hãng có tên tuổi như Vinamilk, Nutifood...

Góp phần thành công của GC Food ngày hôm nay là nhờ tận dụng được các ưu đãi từ các FTA.

Theo ông Thứ, các quốc gia có văn hóa tương đồng và đã ký hiệp định thương mại song phương, đa phương với Việt Nam như Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường truyền thống của GC Food. Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện với cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện hai mặt hàng của GC Food xuất khẩu vào hai quốc gia này không chịu thuế trong khi hàng từ Thái Lan có thể phải chịu thuế từ 5-10%.

"Trước đây thuế nhập khẩu có khi lên đến 20%, khách hàng của chúng tôi phải chịu nên mình phải chào giá thấp hơn để họ còn cân đối với chi phí thuế quan", ông Thứ cho biết.

Hưởng lợi từ việc tận dụng được các FTA, ông Thứ tự hào khoe: Khởi đầu là một doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ 2 tỷ đồng với 50 nhân sự, sau 12 năm, GC Food giờ có vốn điều lệ 260 tỷ đồng, 1.000 lao động.

Hiện Công ty GC Food có hai nhà máy, sản xuất khoảng 30.000 tấn thành phẩm mỗi năm, cung cấp B2B cho các đối tác trong nước và nước ngoài. Công ty cũng đang mở rộng đầu tư lên 50.000 tấn/năm, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Mới đây, Louis Dreyfus Company - một công ty lớn của Hà Lan, cùng công ty đến từ Ba Lan là Instanta, lập liên doanh ILD Coffee Việt Nam đã đầu tư hơn 84 triệu USD xây nhà máy cà phê hòa tan tại Bình Dương.

Đại diện liên danh này nói: "Việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do với các thị trường quan trọng như châu Âu và châu Á là một yếu tố quan trọng để chúng tôi quyết định đầu tư vào Việt Nam".

Cơ hội và lợi thế từ EVFTA đang mất dần

Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, mang lại những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung, của từng địa phương nói riêng.

Thế nhưng, theo giới chuyên gia, lợi thế này đang mất dần khi Thái Lan vừa đạt hiệp định thương mại tự do đầu tiên với châu Âu. Dự kiến sẽ được ký kết vào tháng 1/2025 sau 2 năm đàm phán, với mục tiêu tăng cơ hội xuất khẩu và thu hút nhiều nhà đầu tư châu Âu hơn đến Thái Lan.

Với diễn biến mới này, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh lo lắng Việt Nam sẽ bị đưa lên “bàn cân” với sản phẩm của Thái Lan khi các mặt hàng xuất khẩu của nước này khá tương đồng với Việt Nam.

“Trước đây chúng ta có lợi thế về giá hơn nhờ được ưu đãi thuế, nhưng trong tương lai Thái Lan sẽ có nhiều thuận lợi hơn nếu cùng được hưởng ưu đãi”, ông Thịnh nói.

Về thu hút FDI, theo ông Thịnh, không còn đơn giản là thuế, ưu đãi đất, chính sách thông thoáng, lao động giá rẻ nữa mà phải chỉ cho nhà đầu tư thấy tương lai phát triển bền vững của họ ở đó. Phải hấp dẫn lắm để họ nhìn mình và ấn tượng về mình trong “rổ” chính sách thu hút FDI của các nước.

“Việt Nam có một số lợi thế, các quốc gia trong khu vực ASEAN cũng có một số lợi thế. Mẫu số chung là đều có nguồn lao động dồi dào và đang khao khát thu hút FDI. Thế nên, nếu chậm chân, chủ quan, Việt Nam có thể bị chững lại trong cuộc đua này”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhìn nhận: việc thực thi và tận dụng các FTA còn chưa đồng đều giữa các địa phương. Điều này đòi hỏi cần có sự đo lường, đánh giá và giải pháp mạnh cũng như đột phá trong tư duy hành động để có thể gia tăng hơn nữa cơ hội từ các FTA mang lại. FTA Index sẽ là bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi FTA lần đầu tiên của Việt Nam.

Vì thế, Bộ Công Thương cũng được sự chỉ đạo rất sát sao và quyết liệt của lãnh đạo Bộ; phối hợp rất chặt chẽ của Tổ công tác FTA Index đến từ hơn 20 bộ, ngành với lịch làm việc cấp tập trong bất cứ thời điểm nào để thống nhất nội dung.

Ngoài ra, sự hỗ trợ rất lớn từ các tỉnh, thành trong quá trình Bộ Công Thương tham vấn, lấy ý kiến đều hỗ trợ trong thời gian nhanh nhất để hoàn thiện những phương pháp luận và bộ câu hỏi điều tra. Cùng đó, hỗ trợ của các tỉnh thành khi đơn vị lựa chọn điều tra, tiếp cận được doanh nghiệp thuận lợi nhất.

Tuy nhiên, khi xây dựng FTA Index lần đầu tiên nên Bộ Công Thương gặp nhiều khó khăn.

Với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ triển khai và xây dựng bộ chỉ số FDA Index, bà Nguyễn Thị Lan Phương mong muốn xây dựng được một hệ thống phần mềm đồng bộ có thể tính toán FTA Index một cách nhanh chóng, rút ngắn được thời gian và kết nối với Cổng thông tin điện tử về các FTA.

“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện Bộ chỉ số FTA Index để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và có kết quả đánh giá về tình hình thực thi của các địa phương”, bà Phương nói.

FTA: 'Đường cao tốc' đưa nông sản Việt Nam ra quốc tế

FTA: 'Đường cao tốc' đưa nông sản Việt Nam ra quốc tế

Thị trường
(VNF) - Là đất nước nông nghiệp, việc hưởng lợi lớn từ các thỏa thuân FTA đã ký kết, nông sản Việt có lợi thế cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác khi đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe.
Cùng chuyên mục
Tin khác