Thị trường

Thanh long sạch Bình Thuận và hành trình chuyển mình lên online

(VNF) - 3 tháng tích cực để từ trong thách thức tìm ra cơ hội, 3 HTX thanh long sạch Bình Thuận với sự hỗ trợ của UNDP và VECOM đã tìm ra cho mình hướng phát triển bền vững mới.

 

Live streaming và chuyển đổi số vốn là những hoạt động đã được các đơn vị nông nghiệp quốc tế ứng dụng và chứng minh được hiệu quả, giúp cho việc kinh doanh nông sản đổi mới, vững vàng vượt dịch Covid -19.

Nắm bắt nhanh xu hướng ấy, đầu năm 2021, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng với sự phối hợp của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam – VECOM và Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Thuận đã triển khai chiến dịch thí điểm ứng dụng công cụ phát trực tiếp (livestream) vào kinh doanh sản phẩm thanh long sạch và bền vững, thu về kết quả khả quan.

Ba HTX được lựa chọn tham gia chiến dịch đều sở hữu vườn thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, vốn đã có nền tảng xuất khẩu thanh long từ nhiều năm. Trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường trong nước và xuất khẩu của các HTX này đều đang bị ảnh hưởng mạnh.

Thành viên các HTX trong buổi hướng dẫn livestream và sử dụng website, sàn thương mại điện tử để bán hàng trực tuyến.

Với sự đồng hành, hướng dẫn trực tiếp từ các chuyên gia của hệ thống Học viện Kinh doanh số IM GROUP - thành viên của VECOM, thành viên các HTX đã tích cực tiếp nhận công nghệ, thoải mái chia sẻ những hình ảnh chân thực, giản dị gần gũi thông qua hoạt động livestream trên fanpage, thu hút lượng tương tác lớn và kéo gần khoảng cách tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự nhanh nhạy trong tiếp cận công nghệ mới vẫn còn là điểm yếu của bà con, vì thế, livestream đôi lúc chưa ổn định và gặp nhiều lỗi kĩ thuật.

Đại diện HTX thanh long Hòa Lệ với cách nói chuyện chân thực trong live livestream đã đạt hơn 2 ngàn lượt xem & 745 lượt tương tác.

Việc livestream và đẩy bán trên fanpage trong 3 tuần đã giúp các HTX bán được 5,8 tấn thanh long tươi cùng nhiều nhiều sản phẩm chế biến khác. Theo chia sẻ của đại diện HTX thanh long sạch Hòa Lệ: "hoạt động livestream đã giúp HTX thu hút được không chỉ khách hàng mua lẻ mà cả nhiều đầu mối thương lái mới. Nhiều khách hàng đã có thói quen quay lại mua hàng lần 2, lần 3 nữa.”

Chiến dịch đã giúp HTX đạt được những bước tiến xa hơn nhờ vào chuyển đổi số toàn diện đa nền tảng. Việc đồng thời đẩy mạnh quảng bá trên Facebook và phát triển website để gia tăng độ tin cậy, thể hiện rõ các sản phẩm đang bán đã giúp cả 3 HTX nhận được lời mời hợp tác từ nhiều mối thương lái trên toàn quốc. Covid-19 đã không còn là lo ngại lớn đối với việc tiêu thụ thanh long tươi và các sản phẩm chế biến nữa.

Ông Đoàn Minh Tâm - đại diện VECOM đánh giá: “Thành tựu lớn nhất của chiến dịch chính là ở việc giúp bà con thay đổi được tư duy truyền thống, sẵn sàng đón nhận cái mới, nhận ra được hiệu quả từ hành trình chuyển đổi số, từ đó duy trì và phát huy. Thêm nhiều hoạt động như vậy, thị trường thanh long nói riêng và thị trường nông sản trong nước nói chung mới có khả năng chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch, và phát triển vững bền hơn trong tương lai.”

Hơn 3 tháng nhờ sự hỗ trợ tích cực từ UNDP, VECOM và trên hết vẫn là nhờ tinh thần lạc quan, sẵn sàng đón nhận cái mới, khoảng cách giữa HTX với người tiêu dùng, giữa “vườn tới nhà" đã được kéo gần hơn, đưa trái thanh long tươi - ngon - sạch vượt dịch đi toàn quốc. Với những kết quả bước đầu đáng khích lệ, 3 HTX có thể tiếp tục duy trì mô hình kinh doanh này và chia sẻ những bài học kinh nghiệm với các HTX trên cùng địa bàn.

Chia sẻ trong buổi họp tổng kết, UNDP, VECOM và Trung tâm khuyến nông Bình Thuận đã đúc rút được 3 bài học quý báu từ chiến dịch.

Đầu tiên, việc triển khai livestream cũng như bán hàng trên các kênh thương mại điện tử cần có sự kiên trì và tích cực từ chính người nông dân. Các HTX nên cử ít nhất một nhân sự chuyên trách thường trực để đảm bảo hoạt động thương mại điện tử luôn được duy trì, có như vậy mới tiếp tục phát huy được những thành tựu ngay từ buổi đầu.

Tiếp đến, thương mại điện tử sẽ không thể thành công nếu việc vận chuyển và thanh toán không trơn tru. Các đơn vị vận chuyển và thanh toán đóng vai trò quyết định trong hành trình kết nối HTX với người mua. UNDP và VECOM nhận định cần tiếp tục nghiên cứu thúc đẩy hợp tác với các đối tác về nền tảng, công nghệ, giao nhận, thanh toán để giúp HTX hoàn thiện dần các mảnh ghép kinh doanh trực tuyến.

Bên cạnh đó, việc cải thiện về cơ sở vật chất, cụ thể là các kho lạnh để lưu trữ và bảo quản thanh long cũng là một vấn đề cần được lưu tâm khi các HTX mong muốn triển khai hoạt động thương mại điện tử.

Đồng thời, qua kết quả và bài học rút ra từ chiến dịch, các đơn vị cũng tin tưởng rằng trong tương lai, với sự hỗ trợ nhiều hơn từ các cơ quan tại địa phương, nhiều hoạt động đẩy mạnh thương mại điện tử khác sẽ liên tục được triển khai, đồng hành hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững.

Tin mới lên