Ths. Đỗ Giang Tĩnh , Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Agribank): Cần đánh giá, sàng lọc các công ty fintech yếu kém
Khách hàng ngày càng quan tâm tới dịch vụ của trung gian thanh toán thay vì tổ chức ngân hàng truyền thống phía sau. fintech đang nắm trong tay một chu trình khép kín Hàng - Tiền - Hàng.
Các khách hàng trao đổi hàng hoá cũng kết nối trung chuyển qua fintech, tạo xu hướng các dịch vụ ngân hàng dần được fintech cung ứng và trở nên xuyên suốt với khách hàng. Vì cuối cùng, cái khách hàng cần là hàng hoá dịch vụ và một công cụ thanh toán hữu hiệu mà thôi.
Với sự phát triển công nghệ và phổ cập thiết bị thông minh, công nghệ mới giúp dễ dàng phân quyền, minh bạch, an toàn trong việc theo dõi trao đổi tiền và các tài sản khác khiến xu hướng cung cấp dịch vụ ngân hàng số của các công ty fintech là tất yếu trong tương lai. Để khuyến khích ngành công nghệ fintech nâng cao chất lượng, cần đánh giá, sàng lọc các công ty fintech yếu kém.
Ths. Nguyễn Đạt Anh, Khối Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Kinh doanh quốc tế (LienVietPostBank): fintech tạo động lực cho ngân hàng phát triển
Với mức độ phổ cập internet cao và các hình thức giao dịch trực tuyến thông qua các thiết bị công nghệ ngày càng phổ biến, đã đến lúc các ngân hàng truyền thống cần tận dụng làn sóng fintech để có những kế hoạch cho riêng mình.
Trong đó cần đặt ra và trả lời những câu hỏi như: bắt đầu từ đâu, đích đến là gì, nhu cầu thị trường, sản phẩm là gì, cần áp dụng công nghệ, triển khai ra sao... để có thể bắt kịp xu thế thời đại và không để mất thị phần trong thị trường cạnh tranh hiện nay.
Phương án tối ưu nhất là tăng cường hợp tác giữa fintech và ngân hàng nhằm tận dụng thế mạnh và khắc phục những hạn chế mà mỗi thành phần gặp phải, hướng đến mục tiêu các bên cùng có lợi. Nhìn trên khía cạnh tích cực, fintech tạo động lực cho các ngân hàng đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng số. Đây cũng là chiến lược mang lại lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng trong dài hạn.
Tuy nhiên, việc fintech thâm nhập vào thị trường có thể phá vỡ cấu trúc và cách thức vận hành của thị trường tài chính nếu không được giám sát chặt chẽ.
Do các quy định pháp lý hiện tại chưa thực sự bắt kịp với tốc độ phát triển của công nghệ, nên chúng ta cần nhiều thời gian để có thể xây dựng và ban hành các khung pháp lý mới. Điều này đặt ra thách thức cho các nhà quản lý thị trường trong hoạch định chính sách để đảm bảo rằng mọi kịch bản đều không phải đánh đổi bằng sự mất cân bằng trong hệ thống tài chính.
Nhóm nghiên cứu Ths. Phạm Xuân Lâm, Viện Chiến lược Ngân hàng - Ths. Đào Mỹ Hằng - Học viện Ngân hàng (NHNN): Đổi mới và không gây bất lợi
Xuất phát từ tốc độ phát triển không ngừng của công nghệ, thị trường fintech phải đối mặt với những khó khăn trong việc tuân thủ với khối lượng hành lang pháp lý đồ sộ.
Việc đưa ra một khuôn khổ pháp lý phù hợp với mô hình hoạt động của những đơn vị khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính là vô cùng cấp thiết. Điều này một mặt thúc đẩy sự phát triển của những sản phẩm tài chính hiện đại, một mặt bảo vệ người tiêu dùng khỏi những rủi ro tiềm tàng.
Chính phủ Việt Nam có những chính sách thúc đẩy tài chính toàn diện thông qua phát triển dịch vụ tài chính và ngân hàng số nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp và cá nhân.
Tuy nhiên trước khi cho phép các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính và ngân hàng số được phát triển rộng rãi, chúng ta cần xây dựng khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động của các tổ chức này.
Mục tiêu đặt ra khi xây dựng khuôn khổ pháp lý là đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng chống rửa tiền. Đồng thời, khuyến khích sự phát triển của tài chính và ngân hàng số để tăng cường tài chính toàn diện.
Ông Trần Thanh Nam, Tổng giám đốc Moca: Cùng nhau đem lại giá trị tốt hơn cho khách hàng
Thông thường, fintech được nhận định có những lĩnh vực đặc trưng sau: thanh toán (phổ biến nhất ở Việt Nam); cho vay ngang hàng (P2P lending), đôi khi gộp cả kêu gọi vốn cộng đồng (crowd funding)…; quản lý tài sản (wealth management), tự động hoá đầu tư chứng khoán (robo trading); công nghệ bảo hiểm (insurtech); tiền kỹ thuật số (digital currencies) và công nghệ blockchain.
Bên cạnh đó, chúng ta còn nói nhiều đến câu chuyện quản lý tài chính cá nhân và việc so sánh những sản phẩm tài chính cá nhân. Chắc chắn các đơn vị fintech và các ngân hàng (và nói rộng ra là cả các tổ chức tài chính phi ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...) nên hợp tác với nhau để đem đến cho thị trường những giá trị, những dịch vụ tốt hơn.
Đối với mỗi loại hình dịch vụ, mỗi lĩnh vực thì việc hợp tác có những đặc thù khác nhau, nhưng nhìn chung việc phát huy được thế mạnh của mỗi bên để cùng nhau đem lại giá trị cho khách hàng là sự hợp tác win-win.
Ví dụ trong lĩnh vực thanh toán, ngày hôm nay ngân hàng có thế mạnh vượt trội về nền tảng khách hàng, về thương hiệu, uy tín và năng lực quản trị rủi ro... Trong khi đó các đơn vị fintech có thể làm tốt hơn và nhanh hơn việc đem lại trải nghiệm dịch vụ hiện đại, phù hợp với hành vi và nhu cầu thanh toán hàng ngày của người mua, người bán.
Ở một lĩnh vực khác, ví dụ như bảo hiểm, chắc chắn các công ty bảo hiểm hoạt động lâu năm có năng lực đánh giá rủi ro chuyên sâu hơn các đơn vị insurtech.
Nhưng các đơn vị insurtech có khả năng sẽ làm tốt hơn việc tập hợp dữ liệu để đánh giá rủi ro, ví dụ như dùng công nghệ cảm biến trên xe để thu thập dữ liệu về hành vi lái xe. Kết hợp lại, nhiều khả năng là hai bên sẽ đưa ra được dịch vụ bảo hiểm xe ô tô tốt hơn so với truyền thống.