CEO TPBank: Làm ngân hàng số, sợ nhất phải xin giấy phép

Thanh Lan - 21/12/2017 09:19 (GMT+7)

Chia sẻ của ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank về những thách thức liên quan pháp lý khi làm ngân hàng số, gây ấn tượng tại hội thảo về hành lang pháp lý cho lĩnh vực này sáng 19/12.

VNF
Ông Nguyễn Hưng (Tổng giám đốc TPBank) cho rằng cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để ngân hàng số phát triển.

Là ngân hàng tiên phong đi theo con đường số hoá, TPBank liên tục có những sáng tạo trong các sản phẩm dịch vụ về ngân hàng số nhưng ông Nguyễn Hưng cho biết mình có 2 nỗi sợ lớn.

"Để đưa ra các sản phẩm, tôi vẫn hay đùa với mọi người là sợ nhất 2 thứ. Một là sợ phải đi xin cấp giấy phép bởi các quy định trong những thông tư hiện hành hầu hết không có những điều này. Sợ nhì là pháp chế trong chính ngân hàng mình. Làm sao để các vị ấy nói làm sản phẩm này không vi phạm quy định nọ, thông tư kia thì mới yên tâm được làm", ông Hưng nói.

Đáp lại câu nói đùa của ông Nguyễn Hưng TPBank, Vụ trưởng Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cũng không kém phần tếu táo: "Ông Hưng nói sợ xin phép thì tôi thú thực, ở cương vị Vụ trưởng Vụ Thanh toán, tôi cũng sợ khi phải cấp phép. Các văn bản quy định pháp luật được xây dựng từ nhiều năm trước, khi mà chưa ai nghĩ sau này có QR Pay, Tokenization... như bây giờ nên khi cấp phép, đối chiếu vào các quy định đó thì cả người xin phép lẫn người cho phép đều sợ cả".

Thực tế, khi TPBank đưa ra sản phẩm LiveBank, tương tự một chi nhánh ngân hàng truyền thống không có nhân viên, cho phép khách hàng có thể rút, nộp, gửi, mở tài khoản tại máy tự động LiveBank, TPBank cũng phải trải qua khâu này.

Theo các quy định hiện hành, khách hàng buộc phải trực tiếp trình diện tại ngân hàng để được mở tài khoản, nộp tiền... Ông Hưng thừa nhận TPBank may mắn khi nhận được sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước, cho phép ngân hàng dùng hình thức xác thực khách hàng (KYC - Know Your Customer) bằng Tele-KYC để nhận diện khách hàng thông qua hệ thống video. Hình thức này, dù chưa thực sự là số hoá như trên thế giới khi TPBank vẫn phải có một nhân viên hỗ trợ khách qua video, nhưng cũng được xem là một sự "ưu ái".

Chia sẻ những khó khăn chung, ông Võ Tấn Long, Giám đốc Khối ngân hàng số, VPBank cũng kể một thực tế: "Có những sản phẩm chúng tôi chỉ cần phát triển trong 1 tháng là sẵn sàng chạy, nhưng để nó được tung ra bên ngoài thì mất thêm 3 tháng vì các thủ tục". Ông Long cho rằng, khó khăn nhất khi làm ngân hàng số là phải thay đổi nhận thức của tất cả các bộ phận và hệ sinh thái liên quan.

Tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Uỷ viên HĐQT Vietcombank, ngân hàng đầu tiên triển khai một không gian ngân hàng số (Digital Lab), cũng nêu nhiều thách thức. Ông cho biết, như với chữ ký số, dù đã có quy định là đủ cơ sở pháp lý thay cho chữ ký tươi nhưng thực tế triển khai vẫn rất khó.

"Mỗi nơi triển khai một kiểu, trong một số văn bản vẫn quy định phải có chữ ký tươi, đóng dấu đỏ. Nhiều đơn vị kiểm tra mà thấy chữ ký photo xong đóng dấu đỏ cũng không chấp nhận. Chưa kể Việt Nam còn nhiều loại trường hợp như ký thay, thừa lệnh, uỷ quyền...", ông Tuấn nói.

Theo VnE
Cùng chuyên mục
Tin khác