Thế 'bá chủ' của đồng USD đang dần lung lay?

Mai Lý - 23/11/2023 23:27 (GMT+7)

(VNF) - Sau khi thay thế đồng euro để giữ vị trí thống trị, đồng USD của Mỹ cho đến nay vẫn vững vàng ở ngôi vương bất chấp nỗ lực phi USD hóa của nhiều nền kinh tế, dẫn đầu là Trung Quốc. Tuy nhiên, về lâu dài, nhiều nhà kinh tế tỏ ra nghi ngờ về khả năng trụ vững của đồng USD trong bối cảnh thế giới đang trong sự phân cực ngày càng sâu sắc.

VNF
Ảnh minh hoạ

“Mỗi đêm tôi đều tự hỏi rằng tại sao tất cả các quốc gia đều phải giao dịch dựa trên đồng USD? Tại sao chúng ta không thể giao dịch quốc tế bằng tiền tệ của chính mình? Ai là người quyết định đồng USD là đồng tiền thống trị ngoại hối sau khi chế độ bản vị vàng (Gold Standard) kết thúc?”, Tổng thống Brazil Luiz Inácio-Lula da Silva chia sẻ trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4/2023.

Vào thời điểm đó, những lời nói đanh thép của Tổng thống Brazil đã lập tức gây chấn động. Nhiều người cũng đặt câu hỏi tại sao thương mại song phương và đa phương lại yêu cầu sử dụng đồng USD dù không liên quan trực tiếp đến Mỹ.

Xu hướng phi USD hóa lan rộng

Đồng USD đã giữ vị thế thống trị từ nhiều năm trước. Vào năm 1971, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó là ông John B.Connally từng nói “đồng USD là tiền tệ của chúng tôi nhưng lại là vấn đề của các bạn” trong cuộc họp G10 (bao gồm các thành viên G7 cùng Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ) ở Rome. Trải qua hơn 50 năm, vấn đề đó ngày càng hiện hữu rõ nét hơn khi nhiều quốc gia lo ngại rằng Mỹ có thể “vũ khí hóa đồng USD” và đặt bất kỳ quốc gia dễ bị tổn thương nào vào tầm ngắm của mình.

Xu hướng phi USD hóa đã nhen nhóm từ lâu và nhanh chóng lan rộng trong những năm gần đây. Nhiều quốc gia trên thế giới thậm chí còn liên kết với nhau, tìm ra cách đa dạng hóa các loại tiền tệ và giảm bớt phụ thuộc vào đồng bạc xanh của Mỹ.

Thực trạng này được thể hiện rõ nét nhất khi nhìn vào quỹ dự trữ của các ngân hàng trung ương. Vào cuối những năm 1970, trong số các đồng tiền dự trữ toàn cầu, đồng USD chiếm tỷ trọng 85%. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 58,4% theo thống kê của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong nỗ lực tìm cách thoát khỏi tình trạng tập trung quá mức vào dự trữ đồng USD, các ngân hàng trung ương đã tăng cường mua vàng. Hoạt động mua ròng vàng thỏi của các ngân hàng trung ương trong 9 tháng đầu năm 2023 đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch của Rockefeller International, ông Ruchir Sharma, nhận định sự bùng nổ về nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương đã đẩy giá vàng lên mức cao gần kỷ lục. “9 trong số 10 đơn vị mua vàng nhiều nhất là các ngân hàng trung ương ở các nước đang phát triển, trong đó có Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, ba quốc gia đang cùng chung một mục tiêu trước mắt, đó là giao dịch trực tiếp với nhau bằng đồng tiền riêng của họ”, ông Sharma nói.

Trung Quốc là một trong những quốc gia đang dẫn đầu xu hướng phi USD hóa trên toàn cầu. Vào cuối tháng 3/2023, khối BRICS gồm 5 quốc gia là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi đã cùng nhau họp mặt và cam kết hợp tác thúc đẩy thương mại bằng đồng nội tệ. Trung Quốc đã sử dụng đồng NDT để thanh toán gần như toàn bộ lượng dầu mua của Nga trong năm 2022. Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào năm 2022, giao dịch đồng RUB – NDT đã tăng gấp 80 lần.

Thêm vào đó, Trung Quốc còn tham vọng giao dịch mua bán dầu với Ả Rập Saudi và các nước Tây Á bằng đồng NDT nhằm phá vỡ hệ thống petrodollar (mua bán dầu bằng đồng USD) vốn đã tồn tại từ lâu. Theo giáo sư Ashok Swain tại Đại học Uppsala (Thụy Điển), việc buôn bán dầu bằng đồng NDT sẽ là “một bước tiến lớn đối với Trung Quốc, đồng thời cũng là một bước thụt lùi đáng kể với vị thế của đồng USD”.

Không riêng Trung Quốc, nhiều quốc gia khác cũng đang nỗ lực hạn chế sức ảnh hưởng của đồng USD. Tại châu Á, tháng 4/2023, Ấn Độ và Malaysia đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường sử dụng đồng rupee trong giao dịch thương mại. Tới tháng 5/2023, các nước thành viên ASEAN đã đồng ý tăng cường sử dụng đồng nội tệ của những thành viên cho thương mại và đầu tư trong khu vực. Hàn Quốc và Indonesia thì ký thỏa thuận thúc đẩy trao đổi thương mại bằng đồng won và rupiah.

Hai nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ là Brazil và Argentina đã cùng thảo luận để tạo ra một đồng tiền chung. Tại Trung Đông, UAE cho biết họ đang thảo luận với Ấn Độ về cách thức thúc đẩy thương mại phi dầu mỏ bằng đồng rupee. Ở châu Âu, Tổng thống Pháp cũng kêu gọi các quốc gia EU giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD.

USD vẫn là “vua”

Theo CNN, bất chấp những nỗ lực phi USD hóa của các quốc gia, dẫn đầu là Trung Quốc và Nga, đồng USD vẫn vững vàng ở vị trí hàng đầu, một trong những lý do đằng sau đó là nền kinh tế Mỹ ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong khi nhiều quốc gia đang trên bờ vực suy thoái.

Giám đốc đầu tư tại Công ty đầu tư Abrdn (Anh), ông James Athey cho rằng những đồn đoán về sự sụp đổ của đồng USD đang bị phóng đại. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2023, chỉ số US Dollar Index đã tăng 5%. Trái lại, đồng euro đã mất 4,4% giá trị, xuống mức 1,07 USD/euro kể từ giữa tháng 7 và đồng NDT của Trung Quốc cũng đã giảm 2,6%, kéo tỷ giá đồng NDT so với đồng USD xuống mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua.

Tại Diễn đàn Tài chính Quốc tế (IFF) diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, các chuyên gia tài chính và nhà kinh tế học cho rằng tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một sự thay thế đáng tin cậy nào cho đồng USD bất chấp những nỗ lực phi USD hóa của Trung Quốc và các quốc gia khác. Đánh giá mới nhất từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài mới có thể gây áp lực lên thế thống trị của đồng USD.

Phân tích của PBOC chỉ ra, tỷ trọng của đồng NDT trong thanh toán toàn cầu, tài chính thương mại và dự trữ ngân hàng trung ương vẫn còn kém xa đồng USD bất chấp những tiến bộ trong thập kỷ qua. Cụ thể, chỉ số quốc tế hóa của đồng NDT đã tăng 10,2% so với một năm trước đó, lên 3,26 vào cuối tháng 3/2023 nhưng vẫn kém xa so với mức 57,68% của đồng USD và 22,27% của đồng euro.

Khoảng 60% các khoản yêu cầu thanh toán bằng ngoại tệ và quốc tế (chủ yếu là các khoản vay) và nợ phải trả (chủ yếu là tiền gửi) được tính bằng USD. Tỷ trọng này vẫn tương đối ổn định kể từ năm 2000 và cao hơn nhiều so với đồng euro (khoảng 20%).

Đồng USD trên thực tế vẫn là loại tiền tệ chiếm ưu thế trên các thị trường chứng khoán và trái phiếu lớn nhất trên toàn cầu. Và đồng USD vẫn đang được sử dụng nhiều nhất trong mạng thanh toán thống trị thế giới, SWIFT, với khoảng 11.000 tổ chức thành viên trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và thực hiện hơn 42 triệu giao dịch mỗi ngày với giá trị trung bình gần 5.000 tỷ USD/ngày.

Cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Malaysia Nor Shamsiah cho rằng sự phụ thuộc vào đồng USD không phải là điều mà các quốc gia khác có thể dễ dàng vượt qua. “Tham vọng phát triển đồng tiền chung trong khu vực được thúc đẩy bởi sự gia tăng thương mại trong khu vực chứ không phải do xu hướng phi USD hóa đã thành công”, bà Shamsiah nhận định.

Tuy nhiên, theo International Banker, đối với hầu hết quốc gia, mục tiêu quan trọng nhất, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, không phải là để thay thế USD trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới. Mục tiêu của họ là để đạt được sự đa dạng hóa vừa đủ về tiền tệ, tránh bị ảnh hưởng nhiều bởi các biện pháp trừng phạt liên quan đến kinh tế, thương mại của Mỹ.

Cùng chuyên mục
Tin khác