Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Myanmar đảo chính quân sự, Trung Quốc tố Mỹ 'gây căng thẳng' ở eo biển Đài Loan

(VNF) - Myanmar đảo chính quân sự, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối làm chứng tại phiên tòa luận tội, Trung Quốc tố Mỹ “gây căng thẳng” ở eo biển Đài Loan là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Myanmar đảo chính quân sự, Trung Quốc tố Mỹ 'gây căng thẳng' ở eo biển Đài Loan

USS John S. McCain di chuyển qua eo biển Đài Loan hôm 4/2. Ảnh: US Navy.

Trung Quốc tố Mỹ 'gây căng thẳng' ở eo biển Đài Loan

Ngày 4/1, tàu USS John S. McCain, một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, đã di chuyển qua eo biển Đài Loan nằm giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan.

Đây là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

"Chuyến quá cảnh của tàu USS John S. McCain qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay, tàu và hoạt động ở bất kỳ nơi đâu mà luật quốc tế cho phép", Trung úy Joe Keiley, người phát ngôn của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ nói.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết “Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì cảnh giác cao độ mọi lúc, phản ứng với tất cả mối đe dọa và hành động khiêu khích mọi lúc, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ".

Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ngày 4/2 thì cáo buộc “động thái của Mỹ vừa cố tình gây căng thẳng vừa phá vỡ hòa bình, ổn định khu vực" đồng thời kiên quyết phản đối động thái này của Mỹ.

Lần gần đây nhất Mỹ cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan là vào ngày 31/12/2020, đánh dấu lần vượt eo biển thứ 13 của chiến hạm Mỹ trong năm 2020.

Myanmar đảo chính quân sự

Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và nhiều nhà lãnh đạo khác của Myanmar đã bị bắt trong các vụ đột kích của quân đội vào rạng sáng 1/2.

Động thái diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và quân đội Myanmar.

Trước đó, Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar ngày 13/11/2020 đã công bố kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử nước này diễn ra hôm 8/11/2020, theo đó đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi đã giành được đủ số ghế trong quốc hội để thành lập chính phủ tiếp theo.

Tuy nhiên, đảng Liên minh Đoàn kết và phát triển (USDP) đối lập dưới sự ủng hộ của quân đội từ chối công nhận kết quả bầu cử vì cho rằng có gian lận.

Ngay sau cuộc đảo chính, lãnh đạo quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, chuyển giao mọi quyền lực cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, bổ nhiệm Phó Tổng thống Myint Swe - một cựu tướng quân đội - làm quyền tổng thống.

24 bộ trưởng của chính quyền bà Suu Kyi đã bị loại bỏ, và thay thế bằng 11 người khác có nhiệm vụ giám sát các bộ bao gồm tài chính, quốc phòng, đối ngoại và nội vụ.

Trong một diễn biến liên quan, tòa án Myanmar đã buộc tội Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi vi phạm luật xuất nhập khẩu.

Cùng lúc đó, cảnh sát Myanmar cũng đã đệ đơn kiện Tổng thống Win Myint, cáo buộc ông vi phạm Luật Xử lý thiên tai vì tham gia vào một sự kiện vận động cùng hàng trăm người hồi tháng 9/2020 bất chấp dịch Covid-19.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 3/2 tuyên bố cơ quan này sẽ huy động sức ép quốc tế để đảm bảo cuộc chính biến do quân đội Myanmar tiến hành hôm 1/2 thất bại.

Ông Trump từ chối làm chứng tại phiên tòa luận tội

Hạ viện Mỹ ngày 13/1 tiến hành phiên tranh luận và bỏ phiếu thông qua nghị quyết luận tội cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cáo buộc ông “xúi giục bạo loạn” và là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và nền dân chủ.

Phiên xét xử ông Trump tại Thượng viện sẽ diễn ra từ ngày 9/2, và ông Trump sẽ bị kết tội nếu 2/3 số thượng nghị sĩ đồng ý với điều khoản luận tội.

Hạ nghị sĩ Jamie Raskin, người đứng đầu nhóm ra nghị quyết luận tội Trump, đã gửi thư tới cựu tổng thống Mỹ để mời ông tuyên thệ làm chứng trong phiên xét xử.

Mới đây, các luật sư của cựu ông Trump hôm 4/2 đã từ chối yêu cầu từ các thành viên đảng Dân chủ về việc làm chứng tại phiên tòa luận tội tại Thượng viện vào tuần tới.

Người chủ trì phiên tòa sắp tới ở Thượng viện là một nghị sĩ đảng Dân chủ, không phải Chánh án tòa Tối cao. Nhóm bào chữa của ông Trump cho rằng việc này là vi phạm quy tắc và mọi tiền lệ.

Các luật sư kết luận rằng Thượng viện nên hủy phiên tòa luận tội, hoặc nếu không, hãy tha bổng cho ông Trump.

Mỹ thông qua gói cứ trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD

Hạ viện Mỹ ngày 5/2 đã thông qua một dự thảo ngân sách cho phép đảng Dân chủ thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD theo đề xuất của Tổng thống Joe Biden mà không cần sự ủng hộ của một số thành viên đảng Cộng hòa.

Động thái trên diễn ra sau khi Thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua dự thảo ngân sách này. Đây không phải là một điều luật và không yêu cầu có chữ ký của Tổng thống.

Trước đó, ông Biden công bố gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD hôm 14/1, bao gồm 415 tỷ USD để cải thiện khả năng ứng phó dịch bệnh và triển khai vaccine Covid-19, 1.000 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp các gia đình, khoảng 440 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch.

Trong báo cáo công bố ngày 5/2, Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại của nước này trong năm 2020 đã tăng 17,7% lên 678,7 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2008.

Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 15,7% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ cũng giảm 9,5% xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua. Hoạt động xuất khẩu giảm đã khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ năm 2020 giảm 3,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1946.

Xem thêm >> Việt Nam sẽ nhận gần 4,9 triệu liều vaccine Covid-19 thông qua cơ chế COVAX

Tin mới lên