Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Theo trang thống kê worldometers.info, tới sáng 21/8, số ca Covid-19 trên toàn cầu đã chính thức vượt ngưỡng 600 triệu ca, trong đó có hơn 574 triệu ca đã hồi phục và 6,4 triệu ca tử vong.
So với mức 5,8 triệu ca nhiễm mới ghi nhận trong tuần trước, tuần này cả thế giới ghi nhận 4,9 triệu ca Covid-19, giảm 14%. Trong đó, quốc gia có số ca nhiễm lớn nhất được ghi nhận vẫn là Nhật Bản với 1,4 triệu ca, Hàn Quốc với hơn 893.000 ca bệnh mới và theo sau là Mỹ với hơn nửa triệu ca.
Xét theo khu vực, tuần qua, châu Á tiếp tục đứng đầu thế giới với số ca nhiễm mới lên tới 2,8 triệu ca. Nhật Bản vẫn là tâm dịch lớn nhất khu vực, theo sau là Hàn Quốc và Đài Loan. Châu Âu ghi nhận hơn 1 triệu ca trong tuần qua, Đức và Nga đều báo cáo hơn 200.000 lượt nhiễm trong tuần, còn Italy ghi nhận 150.000 ca Covid-19.
Ngày 20/8, Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố số liệu cho thấy số ca mắc mới Covid-19 tại nước này tiếp tục giảm, song số ca tử vong do bệnh này ở mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Cụ thể, số ca tử vong mới của Hàn Quốc mới ghi nhận là 84 ca, mức cao nhất kể từ ngày 29/4, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi của nước này đến nay là gần 26.000 ca.
Trước số ca nhiễm mới không ngừng tăng cao do sự phát triển của những biến chủng virus lây lan nhanh, nhiều chuyên gia y tế lo ngại dịch Covid-19 sẽ tái bùng phát trên toàn cầu, khuyến cáo người dân và các chính phủ không nên chủ quan với việc phòng dịch.
Ngày 18/8, nhóm Cố vấn Chiến lược Miễn dịch (SAGE) của WHO khuyến cáo sự phát triển của các biến thể virus, đặc tính của mỗi biến thể và diễn biến của dịch bệnh sẽ rất khó dự báo trong thời gian tới do sự suy giảm miễn dịch với người đã mắc bệnh và suy giảm hiệu lực của vaccine theo thời gian, cho rằng ngoài những người đã được tiêm liều vaccine cơ bản, thường bao gồm 2 mũi, và những người đã được tiêm liều bổ sung lần một, có một số đối tượng nên được tiêm bổ sung lần hai.
Trong một diễn biến liên quan, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang bắt đầu chuẩn bị chuyển sang giai đoạn người dân và các công ty bảo hiểm chi trả các khoản phí tiêm vaccine, xét nghiệm và điều trị Covid-19 sau gần 3 năm được chính phủ tài trợ.
Ngày 16/8 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật dự luật giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD. Trong buổi lễ ký dự luật, ông Biden gọi đây là “thời khắc lịch sử”, tôn vinh "đạo luật lịch sử" giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người Mỹ và giúp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
"Với luật này, người dân Mỹ đã thắng. Hôm nay cung cấp thêm bằng chứng rằng tâm hồn của nước Mỹ là sôi động, tương lai của nước Mỹ tươi sáng và lời hứa về nước Mỹ là có thật và chỉ mới bắt đầu”, ông Biden khẳng định.
Việc ký kết diễn ra 4 ngày sau khi Hạ viện thông qua dự luật, chính thức được gọi là Đạo luật Giảm lạm phát, trong một cuộc bỏ phiếu của Hạ viện với tỷ lệ 220 - 207. Dự luật trước đó đã được Thượng viện thông qua trong một cuộc bỏ phiếu theo đảng tới tỷ lệ sít sao 51-50.
Đạo luật Giảm lạm phát hướng 369 tỷ USD vào việc đầu tư vào năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải nhà kính, đánh dấu nỗ lực quan trọng nhất của quốc gia này trong việc chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu.
Về các điều khoản chăm sóc sức khỏe, dự luật sẽ cho phép Medicare bắt đầu thương lượng giá của một số loại thuốc đắt tiền và sẽ giới hạn chi phí mua thuốc theo toa tự trả ở mức 2.000 USD/năm cho chương trình bảo hiểm của chính phủ dành cho người cao tuổi và một số người có tình trạng khuyết tật.
Đạo luật cũng sẽ giảm bớt việc tăng phí bảo hiểm cho những người nhận bảo hiểm thông qua thị trường Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, hay còn được gọi là Obamacare.
Ngày 17/8, số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho thấy lạm phát của Anh đã tăng lên mức kỷ lục mới trong tháng 7 vừa qua do giá lương thực tăng, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nước này.
Theo ONS, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh trong tháng 7 đã tăng lên 10,1%, từ mức 9,4% trong tháng 6, cao hơn mức dự đoán 9,8% và trở thành mức cao nhất trong 40 năm qua. Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 7 tăng vọt là do giá thực phẩm tăng, chủ yếu là bánh mì, ngũ cốc, sữa, phô mai và trứng.
Đầu tháng này, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo lạm phát có thể lên tới trên 13%, mức cao nhất kể từ năm 1980, có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái kéo dài đến cuối năm 2023.
BoE đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm phần trăm, lên 1,75%, nhằm giải quyết tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao. Đây là đợt tăng lãi suất lần thứ 6 kể từ tháng 12/2021 và là đợt tăng mạnh nhất trong 27 năm qua, đưa lãi suất của Anh lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2008.
Động thái của BOE đã đưa quỹ đạo thắt chặt tiền tệ của ngân hàng này tiến gần hơn với xu hướng do Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra khi hai cơ quan này đã tăng lãi suất tương ứng 0,75 và 0,5 điểm phần trăm trong tháng 7 vừa qua.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, đêm 17/8, mưa lớn đã xảy ra tại huyện Đại Thông, tỉnh Thanh Hải, tây bắc Trung Quốc đã gây ra một trận lũ quét và sạt lở đất vào rạng sáng 18/8, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng và 17 người mất tích.
Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia, lượng mưa cực lớn liên tục ở Thanh Hải là do đới áp cao cận nhiệt đới mạnh gần đây gây ra.
Tổng cộng 6.245 người từ 1.517 hộ gia đình ở 6 làng đã bị ảnh hưởng bởi trận lũ quét đến nay. SCMP cho hay, chính quyền địa phương đã thành lập một sở chỉ huy tiền phương và huy động hơn 2.000 cảnh sát, nhân viên an ninh công cộng, nhân viên ứng cứu khẩn cấp, nhân viên y tế và cán bộ nông thôn, cùng hơn 160 phương tiện, để hỗ trợ cứu hộ.
Tính đến chiều 18/8, tổng số người được giải cứu là 20, công cuộc cứu hộ vẫn đang được tiếp tục.
Vụ việc khiến Trung Quốc khởi động "phản ứng khẩn cấp quốc gia" cấp 3 với thiên tai (trên thang bốn cấp, với cấp 4 thấp nhất và cấp 1 cao nhất).
Trung Quốc đang trải qua một mùa hè với 2 mảnh ghép trái ngược trên toàn lãnh thổ: có nơi nắng như thiêu đốt và hạn hán, nhưng lại có nơi mưa lũ dữ dội. Các chuyên gia giải thích biến đổi khí hậu toàn cầu là nguyên nhân khiến thời tiết bất thường. Hiện tại một số trường đại học Trung Quốc đã thông báo hoãn học kỳ mùa thu sắp tới do nhiệt độ cao.
Ngày 20/8, Hy Lạp xác nhận đã chính thức chấm dứt giai đoạn 12 năm qua chịu sự giám sát tăng cường về tài chính của Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng, qua đó giúp Athens giờ đây có quyền tự chủ lớn hơn trong đối chính sách kinh tế của nước này.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tuyên bố: “Đất nước chúng tôi đang kết thúc sự giám sát tài chính tăng cường của châu Âu. Chu kỳ 12 năm mang lại nỗi đau cho người dân, đưa nền kinh tế đi vào bế tắc và làm gia tăng xung đột xã hội, giờ đã kết thúc. Và một chân trời mới, rõ ràng đang ở trong tầm mắt, với sự phát triển, thống nhất và thịnh vượng cho tất cả mọi người”.
Hy Lạp đã trả xong gói cứu trợ cuối cùng vào năm 2018 và hoàn thành khuôn khổ giám sát nhằm đảm bảo việc tiếp tục áp dụng các biện pháp giải quyết các nguồn khó khăn tiềm ẩn về kinh tế và cải cách cơ cấu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Nước này cũng đã thực hiện các cải cách được hứa hẹn theo 3 gói cứu trợ quốc tế từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF với tổng trị giá hơn 260 tỷ EUR.
Kết thúc giám sát sẽ củng cố vị thế trên thị trường quốc tế của Hy Lạp bằng cách tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Athens hiện cũng sẽ có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với chính sách kinh tế trong nước của mình.
Vào tháng 11/2009, Athens cho thấy thâm hụt công tăng mạnh, cuối cùng dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn khu vực đồng EUR và tàn phá nền tài chính Hy Lạp trong một thập kỷ.
Để đổi lấy khoản tiền cứu trợ 289 tỷ EUR, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu, đã yêu cầu Athens cải cách toàn diện, bao gồm giảm chi tiêu nhà nước sâu và cắt giảm tiền lương, tăng thuế, tư nhân hóa và các cải cách sâu rộng khác nhằm tăng cường tài chính công.
Trong giai đoạn này, nền kinh tế Hy Lạp đã thu hẹp 25% trong các đợt cứu trợ, và sự tức giận của công chúng đã làm thay đổi cán cân chính trị, đưa đảng Syriza cực tả lên nắm quyền vào năm 2015.
Ngày 19/8, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom ra thông báo cho biết nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc sẽ bị ngừng hoàn toàn từ ngày 31/8-2/9 để bảo trì thiết bị nén khí còn vận hành duy nhất của hệ thống.
“Vào ngày 31/8, trạm nén khí Trent 60 duy nhất đang hoạt động sẽ ngừng hoạt động trong 3 ngày để bảo trì theo lịch trình. Một loạt các bảo trì định kỳ theo hợp đồng bảo trì hiện tại sẽ được thực hiện cùng với các chuyên gia của Siemens", tuyên bố của Gazprom nêu rõ.
Cũng theo Gazprom, trong trường hợp không bị lỗi kỹ thuật, hệ thống sẽ vận hành trở lại sau thời gian bảo trì, đảm bảo việc vận chuyển với công suất 33 triệu m3 khí/ngày, tương đương 20% công suất thực tế của đường ống.
Thông báo từ nhà cung cấp năng lượng đã ngay lập tức đẩy giá khí đốt châu Âu lên đến 2.700 USD/1.000m3 vào cùng ngày.
Trước đó, Gazprom đã cảnh báo giá khí đốt của châu Âu có thể tăng 60% lên hơn 4.000 USD/1.000 m3 vào mùa đông năm nay vì sản lượng khai thác và xuất khẩu giảm trong bối cảnh phương Tây cấm vận Moscow.
Theo Gazprom, xuất khẩu khí đốt của tập đoàn này đã giảm 36,2%, xuống 78,5 tỷ m3 trong giai đoạn từ ngày 1/1-15/8. Sản lượng của công ty cũng giảm 13,2%, xuống mức 274,8 tỷ m3 so với một năm trước.
Dù trừng phạt Moscow, song châu Âu cũng đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ do nguồn cung khí đốt từ Nga bị thắt chặt. Cú sốc năng lượng đang đẩy nền kinh tế châu lục này tiến gần hơn đến suy thoái nếu không kịp thời đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để duy trì hoạt động của nền kinh tế.
Xem thêm >> Gazprom tạm ngừng vận hành Dòng chảy phương Bắc, giá khí đốt châu Âu tăng vọt
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.