Thí điểm Grab - Uber: Hiệp hội taxi Hà Nội gửi đơn kiến nghị khẩn tới Thủ tướng

Đinh Tịnh - 13/08/2018 17:00 (GMT+7)

(VNF) - Hiệp hội taxi Hà Nội vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp báo cáo Thủ tướng Chính phủ nêu hàng loạt những thất bại trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải (cụ thể là Uber và Grab), gây không ít hệ luỵ cho xã hội.

VNF
Còn nhiều bất bình đẳng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ

Trong văn bản số 20/HATAS-CV, Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị Chính phủ làm rõ một số nội dung tại Tờ trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định“Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô” thay thế cho Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2018 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Lượng xe hợp đồng tăng đột biến, khó kiểm soát

Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội chia sẻ, sau khi được tiếp cận với bản Dự thảo Nghị định và Tờ trình Chính Phủ, hiệp hội không đồng tình với một số nội dung của Tờ trình của Bộ GTVT.

Cụ thể, tại điểm c, mục 1.4 của Tờ trình “về một số hạn chế, khó khăn của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải” đã cố tình không đánh giá hết những thất bại như: phá vỡ quy hoạch vận tải tại các địa phương được chọn thí điểm, gây ùn tắc giao thông.

Trong 2 năm thí điểm số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ (Uber, Grab) đã gia tăng nhanh đến mức không kiểm soát được, số lượng xe đã tăng gấp 3 lần số lượng xe taxi truyền thống, phá vỡ quy hoạch vận tải của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Hệ quả là đã làm gia tăng nhanh chóng các vụ ùn tắc giao thông, trong khi các lực lượng điều tiết giao thông không xử lý được vì các loại phương tiện này không có nhận diện rõ ràng và các phương tiện đều đứng tên cá nhân.

Bên cạnh đó, quá trình thí điểm đã không quản lý được đơn vị thí điểm. Ví dụ như Công ty TNHH GrabTaxi là đơn vị được Bộ GTVT đồng ý cho tham gia thí điểm. Nhưng tháng 5/2017, Grab đưa ra chương trình GrabShare vi phạm quy định về vận tải hành khách bằng xe hợp đồng tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT.

“Mặc dù Bộ GTVT đã có nhiều công văn hỏa tốc gửi Grab, thậm chí Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường còn chỉ đạo trực tiếp yêu cầu Grab dừng chương trình GrabShare nhưng Grab vẫn ngang nhiên triển khai dịch vụ. Hành động này của Grab thể hiện sự coi thường pháp luật Việt Nam, tạo ra không ít những bức xúc trong nhân dân”, ông Hùng nói.

Bất bình đẳng thu thuế giữa xe hợp đồng điện tử với taxi truyền thống

Ngoài ra, theo Hiệp hội taxi Hà Nội, việc Bộ GTVT nhìn nhận, đánh giá Grab chỉ là đơn vị “cung cấp phần mềm” đơn thuần đã tạo ra bất bình đẳng rất lớn về điều kiện kinh doanh giữa taxi công nghệ với taxi truyền thống, đồng thời tạo kẽ hở cho Grab được hưởng mức thuế suất VAT bằng 0% trong khi taxi truyền thống phả chịu thuế suất 10%.

Mặt khác, do có nhiều bất cập nên chương trình thí điểm đã tạo ra một loạt các “Hợp tác xã giấy” chỉ thành lập ra để xin phù hiệu ”xe hợp đồng” không nộp thuế, làm méo mó mô hình hợp tác xã vận tải tại Việt Nam.

Cũng do quản lý lỏng lẻo đã dẫn tới việc Uber đã bị truy thu hơn 53 tỷ đồng nhưng đến nay cơ quan thuế vẫn chưa thu được.

Ông Hùng còn đưa ra ví dụ: Grab liên tục phá giá, khuyến mại dưới giá thành đã dẫn đến thua lỗ kéo dài, không thu được thuế. Đến mức Bộ Tài Chính phải đưa Grab vào trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao, đưa vào diện giám sát trọng điểm về thuế.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, việc Grab liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại, giảm giá còn vi phạm Điều 6; Điều 9 Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 04/04/2006 của Chính Phủ. Hiệp hội taxi Hà Nội đã có nhiều văn bản kiến nghị đến Bộ Công thương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

”Việc sáp nhập giữa Uber và Grab đã vi phạm nghiêm trọng về tập trung kinh tế, Grab cũng không báo cáo Bộ Công thương về vụ việc, Nhà nước cũng không thu được thuế”, ông Hùng nói.

Liên quan đến vấn đề người lao động, Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị: người lái xe cho Grab không được đóng bảo hiểm, trong khi Grab liên tục tăng tỷ lệ thu từ 20%; 23% rồi đến 29% đã tạo ra rất nhiều bức xúc, đỉnh điểm đã xảy ra nhiều cuộc đình công với quy mô lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của các lái xe Uber và Grab tháng 8/2017.

Ngoài ra, do bức xúc vì điều kiện kinh doanh bất bình đẳng, đã có nhiều lái xe taxi truyền thống đình công để phản đối chính sách, tạo bất ổn lớn cho xã hội.

Như vậy, đánh giá tổng quan chung, mô hình thí điểm theo quyết định 24/QĐ-BGTVT còn rất nhiều thất bại, tại mục 1.4.c của Tờ trình của Bộ GTVT gửi Chính Phủ lần này vẫn cố tình không đánh giá hết những tồn tại này.

Việc này thể hiện sự thiếu trung thực với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kính mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng.

Hiệp hội taxi Hà Nội hoàn toàn ủng hộ việc đưa ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải, bản thân các doanh nghiệp taxi thuộc Hiệp hội cũng đã đưa ứng dụng vào hoạt động.

"Nhưng điều chúng tôi mong muốn là quản lý hoạt động vận tải sử dụng công nghệ như thế nào để đảm bảo công bằng với loại hình taxi truyền thống", ông Hùng kiến nghị.

Cùng chuyên mục
Tin khác