Thiếu đơn hàng, loạt doanh nghiệp ở Đà Nẵng phải giảm giờ làm
Khánh Hồng -
22/11/2022 09:20 (GMT+7)
(VNF) - Do thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng phải sản xuất cầm chừng, cho người lao động làm việc luân phiên, giảm giờ làm, nghỉ hưởng 70% lương…
Đơn hàng giảm mạnh
Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang) là doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm từ tôm. Thị trường của công ty là châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… trong đó châu Âu chiếm 50%. Thời gian này, do thiếu đơn hàng nên công ty buộc phải cắt giảm giờ làm của công nhân.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết những năm trước, thời gian này các đối tác nhận hàng để chuẩn bị cho Giáng sinh. Tuy nhiên năm nay, sức tiêu thụ của các nước giảm sút, nhất là châu Âu nên các đối tác không nhận hàng.
“Hợp đồng đã ký đầy đủ nhưng vì sức tiêu thụ kém quá nên người ta đề nghị mình giao hàng chậm lại. Trước đây dịch Covid-19, mình chậm giao hàng thì bây giờ mình cũng phải hỗ trợ lại họ, chứ không thể phạt họ được”, ông Trần Văn Lĩnh nói.
Theo ông Lĩnh, do chậm giao hàng nên không có tiền về, trong khi đó chi phí sản xuất tăng. Vì vậy, công ty buộc phải cho công nhân nghỉ làm thứ Bảy, Chủ nhật mặc dù trước từ đến nay chưa có tiền lệ nghỉ làm 2 ngày này.
Trong tháng 11 này, Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại Hữu nghị Đà Nẵng (khu công nghiệp Đà Nẵng) cũng phải cho công nhân giảm 1 giờ làm/ngày so với các tháng đầu năm. Dự kiến tháng 12, công ty cho công nhân nghỉ làm thêm ngày thứ Bảy. Nguyên nhân là do đơn hàng bị cắt giảm so với các tháng đầu năm.
Tương tự, Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Tường Hựu (khu công nghiệp Hòa Khánh) cũng đang gặp cảnh thiếu đơn hàng. Từ tháng 6 đến nay, đơn hàng của công ty giảm 50% nên số lao động của giảm 23% so với đầu năm. Do ít việc làm, công ty không sắp xếp tăng ca, thu nhập giảm nên công nhân nghỉ việc. Dự báo tình hình đơn hàng từ nay đến qua Tết vẫn không khả quan hơn nhưng công ty vẫn cố gắng sắp xếp cho người lao động đi làm đủ công.
Không chỉ có những doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm của công nhân do thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp khác cũng phải cắt giảm giờ làm do thiếu nguyên liệu.
Doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn
Ông Trần Văn Tỵ, Phó ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, cho biết qua nắm tình hình, thời gian qua một số doanh nghiệp nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, khách hàng chủ yếu là Trung Quốc nên giai đoạn bên phía Trung Quốc bị dịch bệnh doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu, không có được đơn hàng. Do đó các doanh nghiệp cho người lao động nghỉ phép năm, trả lương ngừng việc (mức lương tối thiểu vùng) hoặc người lao động tự nghỉ việc; có doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 4 (Naru) phải ngừng sản xuất để khắc phục hậu quả.
Một số doanh nghiệp đặc thù như ngành thuỷ sản theo mùa nên phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu, do ít nguyên liệu nên cũng phải giảm giờ làm.
“Hiện tại, nhiều các doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng, hoạt động bình thường và người lao động đi làm đủ giờ, đủ công, không có việc cắt giảm giờ làm. Có doanh nghiệp đang tuyển thêm lao động để chạy đơn hàng mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, cho người lao động làm việc luân phiên, nghỉ hưởng 70% lương, đóng các chế độ BHXH…đầy đủ để duy trì lao động do ít đơn hàng”, ông Trần Văn Tỵ nói.
Ông Trần Văn Tỵ cũng thông tin thêm, qua khảo sát, dự kiến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý IV, có khoảng 32% số doanh nghiệp hoạt động tốt, 75% số doanh nghiệp hoạt động ổn định, 7% số doanh nghiệp vẫn còn khó khăn do nguồn nguyên liệu, ít đơn hàng. Đối với khu công nghiệp dịch vụ thuỷ sản, tình hình sản xuất kinh doanh của quý IV còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone