Thiếu vốn, chây ì, chậm tiến độ, dự án Nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi bị ‘khai tử’

Vĩnh Chi - 12/04/2018 17:51 (GMT+7)

(VNF) – Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của chủ đầu tư dự án Nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi. Qua đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư ra văn bản chấm dứt dự án theo quy định.

VNF
Nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi bị "khai tử" (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng và đầu tư đối với dự án Nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi.

Dự án bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai (sau đổi thành Công ty Cổ phần Tân Mai Miền Trung) làm chủ đầu tư. Dự án được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 8/2008, được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tháng 3/2009.

Quy mô công suất dự án là 130.000 tấn bột giấy/năm và 200.000 tấn giấy in cao cấp/năm; diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 45ha tại xã Bình Long, huyện Bình Sơn; tổng vốn đầu tư 1.948 tỷ đồng; thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Dự án khởi công vào tháng 10/2009 và đi vào hoạt động năm 2011. Quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã 5 lần xin điều chỉnh dự án đầu tư. Tại lần điều chỉnh thứ 3 vào tháng 1/2011, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên 5.007 tỷ đồng; thời gian vận hành nhà máy bột giấy tháng 12/2012, nhà máy giấy tháng 12/2013.

Từ năm 2009 – tháng 5/2017, chủ đầu tư chỉ mới triển khai thực hiện các công việc như: lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết xây dựng nhà máy, lập hồ sơ xin thuê đất, khởi công xây dựng từ tháng 7/2010 – 12/2012 thì tạm dừng thi công…

Chậm tiến độ kéo dài, phớt lờ kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã mắc phải hàng loạt vi phạm.

Cụ thể, chủ đầu tư lập hồ sơ xin điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư lần 3 vào năm 2011 với nội dung điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 5.007 tỷ đồng; thời gian vận hành nhà máy bột tháng 12/2012, nhà máy giấy tháng 12/2013 nhưng trong hồ sơ điều chỉnh không chứng minh được về phần vốn tăng thêm.

Trong quá trình triển khai, dự án bị chậm tiến độ. Dù đã được UBND tỉnh xem xét, cho giãn tiến độ thực hiện nhưng chủ đầu tư không thực hiện các nội dung theo yêu cầu hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư về giãn tiến độ thực hiện dự án.

Đến ngày 27/4/2015, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư đánh giá hiệu quả dự án và cung cấp tài liệu chứng minh về tài chính phần vốn còn lại để thực hiện dự án nhưng chủ đầu tư không nộp hồ sơ điều chỉnh cho Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31/7/2015 theo đúng yêu cầu của UBND tỉnh.

Chủ đầu tư cũng ngừng thi công các hạng mục trên mặt bằng nhà máy từ tháng 12/2012 nhưng không có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý đầu tư theo quy định tại khoản 1, Điều 67 Nghị định 108/2006.

Bên cạnh đó, dù đã được UBND tỉnh cho thuê 45 ha đất vào tháng 1/2010 (đã ký hợp đồng thuê đất tháng 8/2011) nhưng đến tận tháng 5/2017, chủ đầu tư vẫn chưa lập thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa kịp thời lập các thủ tục để cơ quan thuế xem xét miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định với số tiền 585,7 triệu đồng.

Chủ đầu tư đã được Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn bàn giao 439.556m2 mặt bằng sạch (tính tới tháng 5/2011), chỉ còn 10.511m2 của 2 trường hợp và 57 ngôi mộ chưa di dời. Trung tâm đã có 5 văn bản đề nghị chủ đầu tư chuyển kinh phí bổ sung 333,7 triệu đồng và cử cán bộ phối hợp thực hiện giải quyết các tồn tại , vướng mắc liên quan để tiếp tục giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư không có thông tin phản hồi cũng như không chuyển tiền chi trả bồi thường để giải quyết các tồn tại vướng mắc.

Về việc quản lý, sử dụng đtấ tại mặt bằng khu vực 30ha (xây dựng nhà máy), ngoài diện tích 10.511m2 vướng mắc, chủ đầu tư mới chỉ san lấp mặt bằng, xây dựng một số công trình; phần diện tích đất đã san nền còn lại bị bỏ hoang.

Như vậy, tính đến tháng 5/2017, tiến độ sử dụng đất đã chậm trên 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư. Điều này đã vi phạm pháp luật về đất đai, phải xử lý thu hồi đất theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013.

Tại mặt bằng khu vực 15ha (bãi than và đậu xe), ngoài diện tích đất của 46 ngôi mộ chưa bàn giao (do vướng mắc bồi thường), chủ đầu tư mới chỉ san lấp mặt bằng khoảng 2ha. Phần diện tích còn lại chu đầu tư chưa san lấp mặt bằng và chưa xây dựng công trình theo dự án đầu tư được duyệt.

Như vậy, tính đến tháng 5/2017, chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng dã quá thời hạn 12 tháng liên tục. Điều này vi phạm pháp luật về đất đai, phải xử lý thu hồi đất theo quy định của khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013.

Theo quy định, tháng 12/2013 là thời điểm phát kết thúc toàn bộ việc đầu tư xây dựng dự án, tuy nhiên đến tháng 5/2017, chủ đầu tư chưa lập hồ sơ xin gia hạn sử dụng đất theo khoản 2, Điều 15 Nghị định số 43/2014.

Đáng chú ý, tháng 12/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có kết luận thanh tra, xác định chủ đầu tư vi phạm tiến độ sử dụng đất và kiến nghị chủ đầu tư phải khẩn trương xây dựng các hạng mục công trình theo quy hoạch xây dựng chi tiết đã được phê duyệt để đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không thực hiện kết luận thanh tra này.

Xây dựng trái quy hoạch

Về máy móc thiết bị của dự án, toàn bộ đều được mua lại từ nhà máy thanh lý tại Canada vào năm 2007 chưa hoàn thiện, các động cơ điện công suất lớn, chuyên dụng và hệ thống mạch điện điều khiển động lực lệch chuẩn về cấp điện áp của lưới điện công nghiệp Việt Nam nên không sử dụng được, tuy nhiên chủ đầu tư không có biện pháp khắc phục mà chỉ tập kết về mặt bằng dự án.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng chưa có tài liệu thiết kế kỹ thuât và thiết kế bản vẽ thi công nhà máy theo quy định của Nghị định 12/2009; chưa có hồ sơ thiết kế đối với các hạng mục về môi trường, đặc biệt chưa xác định vị trí xây dựng hệ thống cấp nước và xả thải của nhà máy.

Chủ đầu tư dã thực hiện triển khai xây dựng các hạng mục san nền, nhà kho sản phẩm, văn phòng (khối nhà kỹ thuật) vào năm 2011 nhưng không lập hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại điều 262 Luật Xây dựng 2003 và Điều 5 Quyết định 477/2008 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Việc xây dựng nhà kho thành phẩm số 7 và số 8 tăng diện tích so với quy hoạch được duyệt là 1.756m2 (thực tế là 6.256m2/4.500m2 so với quy hoạch được duyệt) là không đúng với quy hoạch chi tiết xây dựng dự án có tỷ lệ 1/500 tại Quyết định 3031 năm 2009 của UBND huyện Bình Sơn.

Thiếu vốn gần 2.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến ngày 18/4/2017, chi phí đã đầu tư vào dự án là 2.039 tỷ đồng (chưa tính lãi vay 1.838 tỷ đồng), gồm: chi phí xây dựng 34,94 tỷ đồng; chi phí mua máy móc thiết bị 1.807 tỷ đồng; kiến thiết cơ bản khác 197 tỷ đồng.

Đối chiếu với Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 3 (tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án là 5.007 tỷ đồng) có thể thấy vốn vay 80% tương ứng là 4.005,9 tỷ đồng nhưng Ngân hàng Công Thương Việt Nam thông báo phê duyệt giới hạn tín dụng tại Văn bản số 8080/CV-NHCT5 ngày 31/12/2010 và Hợp đồng tín dụng số 01/2011/MT-ĐN ngày 26/1/2011, số tiền cho vay là 2.770 ty đồng, thời hạn 12 năm.

Ngân hàng đã giải ngân số tiền 1.728 tỷ đồng, đạt 62,4% so với hợp đồng. Từ năm 2013, ngân hàng đã tạm ngừng giải ngân do nguồn vốn đối ứng của chủ đầu tư không đảm bảo tỷ lệ và đang xem xét hiệu quả của dự án. Như vậy, tổng vốn đầu tư còn thiếu chưa xác định được nguồn vốn nào để đầu tư là 1.235,9 tỷ đồng.

Theo dự án, vốn góp và các nguồn vốn khác 20% tương ứng là 1.001,4 tỷ đồng, tuy nhiên thực tế tính đến tháng 5/2017 số vốn điều lệ đã góp của các cổ đông là 258,7 tỷ đồng, vốn của Công ty Tân Mai là 52,4 tỷ đồng nên còn thiếu so với Giấy chứng nhận đầu tư là 690,2 tỷ đồng.

Tính đến tháng 5/2017, tổng số vốn còn thiếu chưa xác định được nguồn vốn nào để đầu tư là 1.926 tỷ đồng (chưa tính số vốn mà ngân hàng không tiếp tục cho vay là 1.041 tỷ đồng). Điều đó chứng tỏ từ năm 2013 đến nay, chủ đầu tư không còn có khả năng về tài chính để tiếp tục thực hiện dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư.

"Từ cơ sở nêu trên, căn cứ quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014 đã hội đủ điều kiện quyết định chấm dứt dự án đầu tư", kết luận thanh tra khẳng định.

Ra quyết định "khai tử"

Với các sai phạm, yếu kém trong việc thực thi như trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo thẩm quyền ra văn bản chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2014.

Nguyên do là chủ đầu tư đã không có khả năng về tài chính để tiếp tục thực hiện dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp và dự án không thuộc trường hợp được giãn tiến độ theo quy định của Luật Đầu tư 2014 vì số vốn còn thiếu chưa xác định được nguồn vốn để đầu tư là 1.926 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư chưa có giải pháp kỹ thuật về các thiết bị không đồng bộ; vẫn chưa xác định được vị trí hệ thống và điểm xả thải của nhà máy, diện tích đất trồng cây làm vùng nguyên liệu đã bị thu hồi trong năm 2016, do đó tính khả thi của dự án không còn.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện lập thủ tục theo quy định trình UBND tỉnh thu hồi diện tích đất 45ha theo trường hợp bị chấm dứt dự án đầu tư. Đồng thời giao Cục thuế thực hiện thủ tục thu hồi số thuế giá trị gia tăng đã được hoàn là 160 tỷ đồng .

Song song với việc xử lý dự án, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành chấm dứt dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy tại huyện Ba Tơ của chủ đầu tư mà UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư; giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho tỉnh thu hồi diện tích 200,18ha còn lại của dự án do đến tháng 12/2016 vẫn chưa đưa đất vào sử dụng.

Cùng chuyên mục
Tin khác