Thoát phận 'công xưởng giá rẻ': Sau SamSung, Apple mở trung tâm R&D tại Việt Nam

Khánh Tú - 14/01/2024 23:56 (GMT+7)

(VNF) - Ngày càng có nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực chip bán dẫn phát triển và xây dựng bộ phận R&D tại Việt Nam. Điều đó cho thấy Việt Nam đang có thêm nhiều lợi thế trong cuộc đua trở thành nước sản xuất công nghệ cao hơn là chỉ thay thế vai trò công xưởng giá rẻ sau Trung Quốc.

VNF
Trung tâm R&D của Samsung tại Việt Nam.

Tín hiệu vui cho ngành công nghiệp bán dẫn

Cách đây không lâu, Nikkei Asia tiết lộ Apple sẽ chuyển bộ phận R&D sản phẩm iPad sang Việt Nam trong năm 2024. Phía Apple làm việc với BYD (Trung Quốc), đối tác lắp ráp iPad chính, để chuyển nguồn lực NPI (New Product Introduction) sang Việt Nam.

Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Jensen Huang, Chủ tịch NVIDIA, cũng đã bày tỏ mong muốn sẽ thành lập bộ phận R&D tại Việt Nam để thu hút nhân tài thế giới và phát triển các con chip phục vụ cho các siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo và những lĩnh vực công nghệ hàng đầu khác.

Nhiều tập đoàn chip bán dẫn đổ tiền xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam.

Trong những năm qua, nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực chip bán dẫn cũng xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam. Samsung đặt trung tâm R&D với giá trị đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD tại Việt Nam. Hãng công nghệ Qualcomm của Mỹ mới đây cũng công bố kế hoạch thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển vi mạch tầm cỡ thế giới tại Việt Nam.

Infineon Technologies, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của Đức, thành lập trung tâm R&D tại Việt Nam, chuyên về kiểm thử, tùy chỉnh mạch kỹ thuật số vào năm 2023. Công ty bán dẫn Marvell cũng thành lập trung tâm R&D, tập trung vào hai lĩnh vực quan trọng là cơ sở dữ liệu đám mây và trí tuệ nhân tạo.

Theo Nikkei Asia, sự xuất hiện của ngày càng nhiều trung tâm R&D tại Việt Nam cho thấy tầm quan trọng của quốc gia Đông Nam Á trong mắt các tập đoàn chip bán dẫn hàng đầu thế giới. Trung tâm R&D sẽ tạo điều kiện cho các ngành công nghệ cao tại Việt Nam như các ngành liên quan đến AI, Big Data, IoT,… tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Hoạt động R&D phát triển mạnh mẽ sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó tăng sức cạnh tranh trong cuộc đua trở thành nước sản xuất công nghệ cao hơn là chỉ thay thế vai trò công xưởng giá rẻ của Trung Quốc.

Thách thức phía sau

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ từng khẳng định, đây chính là thời điểm Việt Nam gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. “Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để đón làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới”, ông nói.

Theo báo cáo của Technavio, thị trường bán dẫn Việt Nam dự kiến sẽ tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021 – 2025 với tốc độ tăng trưởng hàng năm CAGR đạt khoảng 6,5%.

Trong năm 2023, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt kỷ lục 36,6 tỷ USD với hàng loạt dự án chất lượng cao như các dự án sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip.

Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng HSBC nhận định” không quá bất ngờ khi phần lớn vốn đổ vào điện tử, một lĩnh vực mà Việt Nam nhanh chóng trở thành một ngôi sao đang lên. Đây cũng là lĩnh vực mà các dòng vốn FDI đa dạng hơn, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Ngành chip bán dẫn của Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự chất lượng cao.

Mặc dù đang có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó đáng chú ý là việc thiếu nhân lực chất lượng cao, nắm giữ các vị trí chủ chốt trong việc thiết kế, sản xuất chip, vi mạch.

Theo số liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Việt Nam hiện có 5.575 kỹ sư thiết kế chip và tập trung chủ yếu ở TP.HCM (trên 85%).

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40 - 50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó nêu rõ cần tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sản xuất chip bán dẫn, phấn đấu đến năm 2025 và năm 2030 có 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu cần khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, từ đó, góp phần thúc đấy sự phát triển của ngành công nghiệp nghìn tỷ USD này tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.