Thoi thóp tồn tại, nguyên nhân nào dẫn đến sự tụt dốc của Xây lắp Dầu khí Miền Trung?

Nhuệ Lộc - 29/08/2022 11:02 (GMT+7)

(VNF) - Theo Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung (UPCoM: PXM), giai đoạn 2012 - 2021, doanh nghiệp chỉ hoạt động gần như cầm chừng, cố gắng duy trì bộ máy nhân sự để xử lý các tồn đọng và chờ thực hiện chủ trương tái cơ cấu theo hướng phá sản/ giải thể/ sáp nhập của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam.

VNF
Ảnh minh họa.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội gần đây đã có thông báo về việc duy trì diện bị hạn chế giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM đối với cổ phiếu PXM của Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung.

Theo đó, lý do duy trì hạn chế giao dịch là tổ chức đăng ký giao dịch bị âm vốn chủ sở hữu căn cứ báo cáo tài chính bán niên 2022 đã được soát xét; tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán trái ngược đối với báo cáo tài chính năm 2021.

Cơ sở xem xét duy trì hạn chế giao dịch được dựa vào Báo cáo tài chính bán niên 2022 của Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung đã được soát xét. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ xem xét đưa cổ phiếu PXM ra khỏi diện bị hạn chế giao dịch sau khi Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch.

Vốn chủ sở hữu tụt dốc không phanh

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung có trụ tại tầng 9 Tòa nhà PVcombank - Lô A2.1 đường 30/4, P. Hoà Cường Bắc, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Đại diện pháp lý của doanh nghiệp này là ông Lê Tuấn Nguyên. Công ty hoạt động kinh doanh chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng.

Đến này, HĐQT của doanh nghiệp này gồm có 3 thành viên. Trong đó, ông Nguyễn Đình Phước là Chủ tịch HĐQT và 2 thành viên khác là ông Nông Ngọc Phương, ông Lê Tuấn Nguyên.

Về tình hình hoạt động kinh doanh giai đoạn năm 2011 - 2021, bức tranh tài chính của Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung là một cú trượt dài không phanh.

Theo đó, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung của năm 2011 đạt ở mức khá cao 927 tỷ đồng. Sang năm 2012, doanh thu thuần của doanh nghiệp này giảm mạnh xuống còn 200 tỷ đồng.

Đây cũng là dấu mốc đưa doanh nghiệp này tụt dốc khi doanh thu thuần giảm "không phanh" từ 200 tỷ đồng xuống còn 1,5 tỷ đồng vào năm 2021, dù giai đoạn năm 2015 - 2016 có sự khởi sắc nhẹ khi tăng từ 10 tỷ đồng lên 23 tỷ đồng. 

Doanh thu èo uột và giá vốn ở mức cao khiến cho lợi nhuận gộp thu về ở mức siêu mỏng hoặc lỗ nặng qua các năm. Cụ thể, năm 2011 đạt gần 100 tỷ đồng; năm 2012 âm 24 tỷ đồng; năm 2013 âm 92 tỷ đồng; năm 2014 âm 51 tỷ đồng; năm 2015 đạt 1,8 tỷ đồng; năm 2016 âm 1,2 tỷ đồng; năm 2017 âm 440 triệu đồng; năm 2018 đạt 928 triệu đồng; năm 2019 đạt 1,1 tỷ đồng; năm 2020 đạt 628 triệu đồng; năm 2021 đạt 492 triệu đồng.

Chính vì hoạt động kinh doanh không hiệu quả, Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung giai đoạn 2012 - 2021 thua lỗ triền miên từ hàng chục tỷ đồng đến trăm tỷ đồng. Trong đó, lỗ cao nhất là 151 tỷ đồng vào năm 2013.

Kinh doanh thua lỗ liên tục khiến tổng tài sản của Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung giai đoạn 2012 - 2021 sụt giảm nghiêm trọng từ 717 tỷ đồng xuống còn 43 tỷ đồng.

Do việc kinh doanh kém hiệu quả, nguồn vốn chủ sở hữu từ giai đoạn 2011 - 2021 ghi nhận ở mức từ 157 tỷ đồng xuống âm 427 tỷ đồng.

Nguyên nhân nào dẫn đến sự tuột dốc của Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung?

Theo giải trình báo cáo tài chính năm 2012 của Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung, doanh thu năm 2012 chỉ bằng 21,5% so với năm 2011, tập trung chủ yếu từ việc hoàn thiện một số công trình, hạng mục công trình của các năm trước chuyển sang và doanh thu của Nhà máy sản xuất Bao Bì Dung Quất mới đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, năm 2012, Công ty này mới đưa Nhà máy bao bì Dung Quất vào hoạt động và sản xuất thương mại năm đầu tiên, thị trưởng còn hạn chế, chưa được mở rộng, trong khi đó phải chịu phân bố chi phí khấu hao theo quy định và chi phí lãi vay đầu tư còn cao, vì vậy nhà máy hoạt động cũng chưa được hiệu quả.

Các chi phí đầu vào tăng cao để phục vụ cho các công trình, hạng mục công trình đơn vị triển khai trong năm 2012 là một lý do. Mặt khác, một số chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn, ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn của công ty để trả nợ ngân hàng nhằm giảm thiểu chi phí lãi vay, do vậy cũng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị…

Một nguyên nhân quan trọng khác là năm 2012, doanh nghiệp này không ký được hợp đồng cũng như công việc mới để gối đầu, trong khi đó các khoản chi phí cố định của doanh nghiệp chưa được cắt giảm một cách tương ứng và kịp thời.

Đến nay, công ty không có tài chính, không có nhân lực để thực hiện lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng công trình. Hoạt động kinh doanh từ năm 2014 đến nay, công ty này chủ yếu là cho thuê xe máy, thiết bị.

Tuy nhiên, xe máy, thiết bị qua mỗi năm dần xuống cấp, hư hỏng, không còn khả năng khai thác dẫn đến nguồn thu suy giảm, thu không đủ bù chi, thâm hụt tài chính ngày càng nghiêm trọng. 

Chính vì vậy, công ty hoạt động gần như cầm chừng, cố gắng duy trì bộ máy nhân sự để xử lý các tồn đọng và chờ thực hiện chủ trương tái cơ cấu theo hướng phá sản/ giải thể/ sáp nhập của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Tin khác