Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và áp lực từ sự kỳ vọng

Minh Tâm - 09/01/2022 08:21 (GMT+7)

(VNF) - Không nóng vội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tuần tự hóa giải những thách thức chưa từng có trong năm đầu điều hành trọn vẹn, dù vẫn còn đó những áp lực lớn cả trong lẫn ngoài…

VNF
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Từ không dùng ngân sách đến áp lực… tiêu tiền

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng được bổ nhiệm vào tháng 11/2020, trở thành nữ thống đốc đầu tiên của Việt Nam, cũng là nữ trưởng ngành duy nhất trong các bộ, ngành kinh tế. Dù được đánh giá là “vừa hồng, vừa chuyên” với hơn 20 năm công tác ở Vụ Chính sách tiền tệ trước khi giữ cương vị phó thống đốc từ tháng 8/2014, dư luận vẫn không khỏi lo ngại về khả năng hóa giải các áp lực cực lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của tân thống đốc, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đối mặt với những thách thức chưa từng có gây ra bởi đại dịch Covid-19.

“Khéo ứng biến” và “luôn thận trọng” là những gì thấy được ở nữ thống đốc sau một năm điều hành chính sách tiền tệ trọn vẹn, dù nền kinh tế bị tàn phá nặng nề bởi 2 làn sóng Covid-19.

Không bơm tiền ồ ạt, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục lựa chọn hướng đi thận trọng: một mặt vẫn kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo hạn mức được cấp từng kỳ, mặt khác yêu cầu các ngân hàng thương mại nghiêm túc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.

Đặc biệt, sự hỗ trợ này là sử dụng nguồn lực tự thân của ngành ngân hàng thay vì sử dụng tiền ngân sách. Nguồn lực này được hình thành từ loạt động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước kết hợp với việc đảm bảo thanh khoản hệ thống xuyên suốt, giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí huy động vốn, từ đó có dư địa để giảm lãi suất cho vay. Chỉ trong vòng hơn 3 tháng (từ ngày 15/7 đến ngày 31/10), 16 ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 15.559 tỷ đồng tiền lãi cho khách hàng. Theo cam kết, trong 2 tháng cuối năm 2021, dự kiến có khoảng 5.000 tỷ đồng tiền lãi được các ngân hàng thương mại giảm thêm.

Cũng bằng nguồn lực tự thân, ngành ngân hàng gia hạn thêm thời gian cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bằng việc ban hành Thông tư số 14/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020.

Nhưng dư địa hỗ trợ nền kinh tế bằng nguồn lực tự thân đang cạn dần, bởi nợ xấu đang dâng lên khá nhanh buộc các tổ chức tín dụng phải dùng nguồn lực của mình để xử lý. Kết hợp chính sách tiền tệ với nguồn lực tài khóa đang là hướng đi được dư luận quan tâm, kỳ vọng được đặt vào một gói hỗ trợ lãi suất quy mô lớn nhằm “tiếp máu” cho doanh nghiệp đang kiệt quệ vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, là một người gắn bó hàng chục năm với công tác điều hành chính sách tiền tệ, không khó hiểu khi trên diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng có phần băn khoăn về gói hỗ trợ lãi suất này, nhất là khi nhìn lại “bài học kinh nghiệm rất lớn” – theo cách gọi của nữ thống đốc, đó là thời kỳ gói hỗ trợ lãi suất quy mô lớn kết hợp tăng trưởng tín dụng cao vào năm 2008 đã đẩy lạm phát tăng rất mạnh thời gian sau đó, lên đến trên 18% vào năm 2011, gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô, ngành ngân hàng chao đảo với hàng loạt ngân hàng yếu kém.

Thêm vào đó, dù kể từ khi dịch bệnh diễn ra, Việt Nam không “bơm tiền” ồ ạt nhưng với độ mở rất lớn của nền kinh tế, áp lực lạm phát là không hề nhỏ trong bối cảnh lạm phát ở nhiều quốc gia lớn đã lên mức kỷ lục.

Nếu có một gói hỗ trợ lãi suất, quan điểm của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng là phải có “quy mô, phạm vi, liều lượng hợp lý”, trên cơ sở vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa rủi ro lạm phát và rủi ro an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng.

Thế nào là “hợp lý”? Dù không phải là người cuối cùng quyết định “quy mô, phạm vi, liệu lượng” của gói hỗ trợ lãi suất, nhưng với một nữ lãnh đạo “khéo ứng biến” và “luôn thận trọng” trong điều hành chính sách tiền tệ, dư luận có quyền tin rằng Thống đốc Nguyễn Thị Hồng là người có thể thực thi gói hỗ trợ lãi suất một cách hợp lý nhất.

Sự khéo léo của bà Hồng trong việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ củng cố thêm niềm tin về một nhà lãnh đạo đủ bản lĩnh và linh hoạt để đưa ra các quyết định điều hành hiệu quả.

Dựng “xương sống” cho chuyển đổi số

Chuyển đổi số là câu chuyện “nóng” ở nhiều bộ, ngành nhưng có lẽ không bộ, ngành nào chịu áp lực lớn như Ngân hàng Nhà nước, bởi đặc thù ngành ngân hàng là có tính tuân thủ rất cao trong khi nhu cầu chuyển đổi số rất lớn. Để hóa giải mâu thuẫn này, việc tạo dựng hành lang pháp lý cho chuyển đổi số là vô cùng quan trọng.

“Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phê duyệt bằng Quyết định 810/QĐ-NHNN ban hành ngày 11/5/2021 được giới ngân hàng đánh giá cao và bàn tán khá sôi nổi trong thời gian gần đây. Với kế hoạch này, không chỉ các tổ chức tín dụng mà ngay cả Ngân hàng Nhà nước cũng phải chuyển đổi số, thực hiện các mục tiêu cụ thể theo lộ trình.

9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm với 52 nhiệm vụ cụ thể được Ngân hàng Nhà nước phân công cho các đơn vị trực thuộc triển khai, trong đó, “nặng” nhất là nhóm nhiệm vụ “Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng” với 18 nhiệm vụ cụ thể, cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng hành lang pháp lý chuyển đổi số trong một ngành đặc thù mà nhiều người vẫn ví von rằng “doanh nghiệp ở những ngành khác được làm những điều pháp luật không cấm, còn doanh nghiệp trong ngành ngân hàng chỉ được làm những điều pháp luật cho phép”.

Tạo ra “cuộc cách mạng” trong chuyển đổi số ngành ngân hàng là ưu tiên và có thể sẽ là dấu ấn nổi bật nhất trong nhiệm kỳ làm Thống đốc của bà Hồng. Trong tháng cuối năm 2021, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành ngân hàng được thành lập do đích thân Thống đốc Nguyễn Thị Hồng làm Trưởng ban.

Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng, nhân vật được nhiều người trong ngành đánh giá cao về chuyên môn và tâm huyết với chuyển đổi số, là “phó tướng” của nữ thống đốc trong ban chỉ đạo, đồng thời là Tổ trưởng Tổ công tác Chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Rất nhiều rào cản đang chờ đợi nữ thống đốc, nhưng nếu “khéo ứng biến”, “luôn thận trọng” nhưng không do dự, tuần tự tiến lên, tranh thủ được sự đồng thuận trên - dưới cùng hướng đến lợi ích người dân, giới ngân hàng có thể trông chờ vào một hành lang pháp lý đủ chắc chắn để toàn ngành có thể chuyển đổi số mạnh mẽ và bền vững.

Cùng chuyên mục
Tin khác